Bộ Tài chính đang lấy ý kiến cho dự thảo Một Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều tại các Luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính, nhằm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Dự thảo Luật sửa đổi 07 Luật, gồm: (1) Luật Chứng khoán; (2) Luật Kế toán; (3) Luật Kiểm toán độc lập; (4) Luật Ngân sách nhà nước; (5) Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; (6) Luật Quản lý thuế; (7) Luật Dự trữ quốc gia.
Trong đó, đối với Luật Ngân sách nhà nước, dự thảo Luật đề xuất 03 chính sách, gồm: (1) Bổ sung cơ chế cho phép các địa phương sử dụng ngân sách địa phương (NSĐP) để hỗ trợ ngân sách trung ương (NSTW), hỗ trợ các địa phương khác và chi viện trợ cho các địa phương nước ngoài; (2) Quy định rõ nội dung chi NSNN thực hiện một số nhiệm vụ từ cả nguồn chi đầu tư và thường xuyên; (3) Quy định rõ nội dung chi đầu tư phát triển theo quy định của Luật Đầu tư công và nội dung chi đầu tư phát triển khác.
Cho phép sử dụng NSĐP để hỗ trợ địa phương khác
Riêng về chính sách bổ sung cơ chế cho phép các địa phương sử dụng NSĐP để hỗ trợ NSTW, hỗ trợ các địa phương khác và chi viện trợ cho các địa phương nước ngoài, Bộ Tài chính cho biết, nhu cầu đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng có tính chất liên vùng, liên tỉnh là rất lớn.
Trong khi đó, một số địa phương khác trong vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nên chưa thể đảm bảo kinh phí bố trí đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng trên địa bàn và một số dự án sử dụng NSTW chưa thể cân đối bố trí hoặc bố trí đủ nguồn vốn cho các dự án có tính động lực, kết nối liên vùng, trong khi các địa phương có điều kiện hơn lại không được phép hỗ trợ các nhiệm vụ chi của NSTW trên địa bàn và trên địa bàn các địa phương khó khăn hơn.
Do đó, việc quy định cho phép NSĐP được đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng của Trung ương trên địa bàn và hỗ trợ địa phương khác để thực hiện hoặc tham gia thực hiện đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng có tính chất vùng và liên vùng sẽ nhằm góp phần huy động nguồn lực từ ngân sách của các địa phương có năng lực về tài chính vào các dự án liên vùng để sớm hoàn thành, giúp cải thiện nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, giúp các địa phương trong vùng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định về nội dung này nên nhiều địa phương chưa có căn cứ pháp lý để triển khai thực hiện…
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất lựa chọn giải pháp bổ sung vào khoản 9 Điều 9 Luật Ngân sách nhà nước theo hướng: “Sử dụng vốn đầu tư phát triển của NSĐP để thực hiện hoặc tham gia thực hiện đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng của NSTW trên địa bàn; hỗ trợ địa phương khác để thực hiện hoặc tham gia thực hiện đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng có tính chất vùng và liên vùng”.
Cho phép NSĐP được chi viện trợ
Về việc sử dụng NSĐP để chi viện trợ cho các địa phương nước ngoài, Bộ Tài chính cho biết, trên cơ sở Thỏa thuận ngày 12/12/2011 giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào về quy chế tài chính và quản lý sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Việt Nam dành cho Chính phủ Lào, Thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác Việt Nam - Lào năm 2019 ngày 06/01/2019, để tăng cường quan hệ đối ngoại, hợp tác với nước CHDCND Lào, một số địa phương (Thái Nguyên, Thái Bình, Bắc Ninh…), Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép bố trí từ nguồn NSĐP chi hỗ trợ các tỉnh nước Lào để xây dựng các công trình trường học, bệnh viện. Kinh phí hỗ trợ được lập dự toán, thanh toán, quyết toán chi NSĐP theo quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn.
Tuy nhiên, Thỏa thuận về quy chế tài chính và quản lý sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Việt Nam dành cho Chính phủ Lào ký ngày 06/12/2020 (thay thế Thỏa thuận ký năm 2011) đã bỏ khoản 4, Điều 4 Thỏa thuận năm 2011 nêu trên. Do đó, không còn cơ sở để các địa phương tiếp tục triển khai các khoản viện trợ, dự án, chương trình hợp tác giữa địa phương hai bên, thúc đẩy tăng cường quan hệ đối ngoại, hợp tác với nước CHDCND Lào.
Trong khi đó, hiện nay, một số địa phương (Sơn La, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Thừa - Thiên Huế) đã có các văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề nghị các Bộ, cơ quan trung ương chấp thuận việc cho phép sử dụng NSĐP để hỗ trợ các địa phương nước bạn xây dựng các trường học, công trình văn hóa, giáo dục. Tuy nhiên, do chưa có quy định về nội dung này nên nhiều địa phương khác chưa có căn cứ pháp lý để triển khai thực hiện…
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất lựa chọn giải pháp bổ sung nội dung quy định cho phép NSĐP được chi viện trợ và giao Chính phủ hướng dẫn cụ thể.
Những giải pháp đề xuất lựa chọn trên, được kỳ vọng thể chế hóa các chỉ đạo của Bộ Chính trị liên quan đến liên kết vùng, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương, cho phép các địa phương được sử dụng NSĐP đầu tư cho các dự án vùng, liên vùng; Thể chế hóa các quan điểm, định hướng về thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam và đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia.
Ngày 07/8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Phiên họp thứ 2 Ban chỉ đạo rà soát xử lý vướng mắc trong hệ thống VBQPPL. Trên cơ sở báo cáo tổng hợp của Bộ Tư pháp, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu, xây dựng Luật sửa đổi 07 Luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính, gồm: (1) Luật Chứng khoán; (2) Luật Kế toán; (3) Luật Kiểm toán độc lập; (4) Luật Ngân sách nhà nước; (5) Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; (6) Luật Quản lý thuế; (7) Luật Dự trữ quốc gia.