Kết quả các chỉ số, chỉ tiêu cơ bản tại 3 tỉnh rất tích cực
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo 3 tỉnh đã báo cáo, thông tin đến Đoàn công tác của Chính phủ những kết quả đạt được trong 9 tháng đầu năm 2024 về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng, xuất nhập khẩu trên địa bàn.
Ông Phạm Văn Trọng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, hoạt động sản xuất kinh doanh của tỉnh này trong 9 tháng qua đạt nhiều kết quả tích cực. Sản xuất công nghiệp 9 tháng tăng 11,79% so cùng kỳ, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,6%.
Đến cuối tháng 9/2024, có 111 dự án đầu tư tại khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư là 2,568 tỷ USD và 4.487 tỷ đồng. 68 dự án tổng vốn đầu từ 0,2 tỷ USD và 999 tỷ đồng vào các cụm công nghiệ[; diện tích thuê đất là 45,7 ha, chiếm tỷ lệ 58,9%.
Về xuất khẩu đạt giá trị cao, lũy kế 9 tháng Tiền Giang thực hiện 4.250 triệu USD, đạt 85% kế hoạch, tăng 6,8% so cùng kỳ. Nhập khẩu hàng hóa 9 tháng thực hiện 2.200 triệu USD, đạt 88%, tăng 8,6% so cùng kỳ. 9 tháng có 687 doanh nghiệp thành lập mới, đạt 77.2% kế hoạch năm 2024.
Hiện nay toàn tỉnh có 6.199 doanh nghiệp hoạt động… Đến nay, Tiền Giang đã thu ngân sách đạt 102% kế hoạch năm; tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 33,1%; đã phân bổ 100% vốn đầu tư công năm 2024 cho các đơn vị, địa phương kịp thời (6.190,8 tỷ đồng).
Báo cáo của tỉnh Bình Dương cũng có nhiều “tin vui” như chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng ước tăng 6,31% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ tăng 4,2%); Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ 9 tháng đạt 255.099 tỷ đồng, tăng 12,7%; Hoạt động xuất nhập khẩu có nhiều thuận lợi, xuất khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khả qua.
Cụ thể, xuất khẩu đạt 25.623 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2023; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 18.201 tỷ USD, tăng 13,4%. Thu ngân sách đạt ước 50.120 tỷ đồng, đạt 70% kế hoạch năm và tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 316.514 tỷ đồng, tăng 3,42% so với đầu năm…
Tỉnh Đồng Nai cũng đạt nhiều “tín hiệu vui” về kinh tế như: Trong tháng 9/2024, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tiếp tục tăng trưởng, nhiều doanh nghiệp tiếp tục mở rộng sản xuất, đổi mới quy trình công nghệ sản xuất thích ứng với điều kiện thực tế. Thị trường xuất khẩu thuận lợi, thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước khá ổn định.
Dự ước chỉ số sản xuất công nghiệp trong 9 tháng năm 2024 tăng 7,72% so với cùng kỳ. Trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 7,85%; ngành khai khoáng tăng 4,68%; ngành sản xuất và phân phối điện ước tăng 5,09%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải ước tăng 8,76%.
Hoạt động thương mại dịch vụ, du lịch tiếp tục phát triển tích cực. Thương mại điện tử cũng tiếp tục phát triển và khẳng định vai trò quan trọng, trở thành kênh phân phối chiến lược giúp nhiều doanh nghiệp mở rộng thị trường và phân phối hàng hóa hiệu quả. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ 9 tháng năm 2024 đạt 218,93 ngàn tỷ đồng, tăng 12,8%.
Vượt qua những khó khăn, tính đến hết tháng 9, Đồng Nai đã thu về ngân sách được hơn 43.340 tỷ đồng, đạt 79% so với kế hoạch. Còn hoạt động tín dụng đã huy động được 341.290 tỷ đồng, tăng 6,36% so với cuối năm 2023.
Thẳng thắn trao đổi
Trong không khí thẳng thắn trao đổi, đại diện 3 địa phương đã đưa ra nhiều ý kiến liên quan đến những vấn đề về công tác thẩm định, phê duyệt dự toán chi phí chuẩn bị đầu tư, tài trợ xã hội hóa, chủ trương đầu tư đối với dự án nhà, đặc biệt các vấn đề liên quan đến nhà ở xã hội. Trong quá trình trao đổi, nhiều vướng mắc cũ chưa được các Bộ, ngành tháo gỡ đã được các địa phương “nhắc” lại. Bên cạnh đó, còn có nhiều kiến nghị phát sinh mới.
Ông Hồ Văn Hà - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai cho biết: Thời gian qua, Tổ công tác của Chính phủ đã rất quan tâm, có nhiều văn bản hướng dẫn cho địa phương nhằm giải quyết các khó khăn vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ ngành xây dựng và đầu tư.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện, Đồng Nai vẫn còn gặp một số khó khăn. Đặc biệt, nguồn vật liệu đắp nền các dự án trọng điểm, vì vậy Đồng Nai kiến nghị Chính phủ chỉ đạo 3 tỉnh: Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre sớm hoàn thành các thủ tục pháp lý khai thác mỏ để đảm bảo mục tiêu có được nguồn vật liệu cát đắp nền đường cho dự án xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM trong đó có dự án thành phần 3 của tỉnh Đồng Nai trong thời gian sớm nhất.
Liên quan đến lĩnh vực đất đai, đại diện của tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị Chính phủ sớm hướng dẫn cụ thể các dự án có sử dụng đất thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất tại Điều 79 của Luật Đất đai, không sử dụng vốn ngân sách nhà nước (trừ trường hợp quy định tại khoản 27 Điều 79 Luật Đất đai) mà thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực, thì nhà đầu tư có được thực hiện dự án thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 127 Luật Đất đai hay không và thời điểm để thực hiện thủ tục nhận chuyển nhượng để thực hiện dự án của nhà đầu tư đối với trường hợp trên khi nào?
Tỉnh Đồng Nai kiến nghị thêm, Chính phủ cần có hướng dẫn cho những dự án phát triển nhà ở thương mại không thuộc trường hợp phải đấu giá quyền sử dụng đất và phải đấu thầu thì được thực hiện theo hình thức, cơ sở nào, trình tự, thủ tục thực hiện như thế nào?
Cũng có những khó khăn vướng mắc về các thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai, đại diện tỉnh Bình Dương đã tiếp tục đề nghị Bộ TN&MT tháo gỡ cho một số vấn đề “tồn đọng” như việc thu hồi hơn 1.000ha đất đã hết thời hạn sử dụng đất của Xí nghiệp Visorutex, Chính phủ Nga có trách nhiệm chuyển giao toàn bộ khu đất về phía Việt Nam. UBND tỉnh Bình Dương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giao khu đất trên về địa phương để quản lý, phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, UBND tỉnh vẫn chưa nhận được ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tại Hội nghị lần này, Bình Dương đã kiến nghị thêm: Hiện nay, địa phương có nhu cầu cải tạo, nâng cấp, mở rộng các dự án đã đầu tư xây dựng từ nguồn kinh phí chi thường xuyên. Tuy nhiên, trong triển khai thực hiện gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc do Trung ương chưa có văn bản quy định, hướng dẫn chi tiết nội dung này. Hay như, vấn đề liên quan đến kiểm soát thanh toán vốn đầu tư công; việc triển khai thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất của nhà đầu tư được chấp thuận theo quy định của pháp luật về đầu tư…
Đại diện tỉnh Tiền Giang cũng có nhiều kiến nghị như: Tiền Giang đang “đợi” Chính phủ chỉ đạo hướng dẫn để có đủ 15,95 triệu m3 cát cho các dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Tiền Giang cần hỗ trợ từ nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2024 để thực hiện đoạn đê biển còn lại (6,8km) trên địa bàn huyện Gò Công Đông với kinh phí khoảng 336 tỷ đồng theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ…
Bên cạnh đó, Tiền Giang còn kiến nghị đến các Bộ, ngành về từng vấn đề cụ thể. Trong đó, có những vấn đề chưa được giải quyết dứt điểm như cho Tiền Giang bổ sung thêm công suất điện gió trong giữa kỳ quy hoạch các dự án; việc phân bổ công suất điện mặt trời mái nhà cho từng đối tượng, như: doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh (chiếm bao nhiêu %), phần còn lại là dành cho các hộ gia đình, cơ quan công sở (chiếm bao nhiêu %); Điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có liên kết, đấu nối với hệ thống điện quốc gia được lắp công suất tối đa bao nhiêu kWp và mỗi cơ sở, doanh nghiệp được lắp bao nhiêu hệ thống điện mặt trời mái nhà; Hướng giải quyết đối với trường hợp nhu cầu đăng ký lắp đặt điện mặt trời mái nhà của các tổ chức, cá nhân vượt công suất đã được phân bổ là 22 MW đến năm 2030…
Tiền Giang còn cho biết thêm hiện đang gặp khó khăn trong công tác triển khai công trình cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, kiến nghị Bộ Xây dựng, Bộ NN&PTNT hướng dẫn làm cơ sở triển khai thực hiện.
Các kiến nghị của địa phương được cơ bản giải quyết
Tại buổi làm việc, trên cơ sở các kiến nghị của tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Tiền Giang, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, thành viên Đoàn công tác đã trả lời cụ thể từng vấn đề, câu hỏi của đại biểu đặt ra.
Trọng tâm xoay quanh các nội dung liên quan đến Luật Đầu tư công, quy định việc lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà tái định cư, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có quyền sử dụng đất, chấp thuận chủ trương đầu tư... đã được đại diện các Bộ trả lời và lấy dẫn chứng trả lời cụ thể.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định: Những kết quả của 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang đạt được trong 9 tháng qua đã góp phần tích cực vào sự phát triển chung của cả nước, tạo tiền đề cho sự phát triển vững chắc của mỗi tỉnh ở hiện tại và trong thời gian tới.
Liên quan đến nhiều nội dung các địa phương kiến nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, nhiều kiến nghị đã được Đoàn công tác gửi đến Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan, trong đó, nhiều nội dung về khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội đã được xử lý giải quyết kịp thời.
Từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 24/4/2023, đến nay, Đoàn công tác đã nhiều lần làm việc trực tiếp và trực tuyến để tổng hợp, xử lý và tiếp thu các đề xuất, kiến nghị của địa phương gửi đến, đôn đốc các cơ quan liên quan hướng dẫn, trả lời.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đánh giá, việc kịp thời tiếp thu các kiến nghị về khó khăn vướng mắc trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và tinh thần khẩn trương, nghiêm túc trong quá trình xử lý tháo gỡ của Đoàn công tác đã góp phần tích cực trong việc thực hiện thành công mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại 3 tỉnh trong 2 năm qua (2023 - 2024).
“Những kiến nghị chưa được giải quyết thì đề nghị các Bộ, ngành, địa phương nói rõ lý do. Đoàn công tác sẽ phối hợp tổng kết lại, báo cáo Thủ tướng chính phủ xin ý kiến chỉ đạo, tiến tới xử lý kịp thời theo quy định”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh.
Nguồn: Báo Xây dựng