Văn bản mới

Bộ Xây dựng ban hành Văn bản hợp nhất về quản lý dự án đầu tư xây dựng

Bộ Xây dựng ban hành Văn bản hợp nhất về quản lý dự án đầu tư xây dựng

Yên Ninh Yên Ninh - 07:00, 07/10/2023

Tạp chí Xây dựng - Bộ xây dựngVăn bản hợp nhất số 14/VBHN-BXD của Bộ Xây dựng đã hợp nhất 2 Nghị định quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Quyết định phê duyệt dự án chỉ cần lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật ĐTXD

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng có hiệu lực ngày 20/6/2023, Bộ Xây dựng ban hành Văn bản hợp nhất số 14/VBHN-BXD ngày 02/10/2023, để hợp nhất Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng (ĐTXD) và Nghị định số 35/2023/NĐ-CP.

Trong đó, đối với công tác phân cấp thẩm quyền thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi (BCNCKT), thẩm quyền thẩm định thiết kế xây dựng (TKXD) triển khai sau thiết kế cơ sở, có một số điểm mới liên quan đến thẩm định BCNCKT, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật ĐTXD của người quyết định đầu tư, quy định tại Điều 12 VBHN cho thấy: Người đề nghị thẩm định có trách nhiệm chuẩn bị hồ sơ trình thẩm định BCNCKT ĐTXD, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật ĐTXD, trình hồ sơ đến cơ quan chủ trì thẩm định theo quy định tại khoản 3 Điều này để tổ chức thẩm định. Kết quả thực hiện thẩm định Báo cáo kinh tế - kỹ thuật ĐTXD tham khảo theo Mẫu số 02a Phụ lục I Nghị định này. Quyết định phê duyệt dự án chỉ cần lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật ĐTXD sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công thực hiện theo Mẫu số 03a Phụ lục I Nghị định này.

Theo yêu cầu riêng của từng dự án, CĐT hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án phải thực hiện các thủ tục, yêu cầu theo quy định của pháp luật có liên quan ở giai đoạn chuẩn bị dự án, trình cơ quan chủ trì thẩm định làm cơ sở xem xét, thẩm định BCNCKT ĐTXD, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật ĐTXD, gồm: (1) Văn bản thoả thuận cấp điện, cấp nước, thoát nước thải, đấu nối giao thông, các văn bản thỏa thuận về kết nối hạ tầng khác (nếu có); (2) Văn bản chấp thuận độ cao công trình theo quy định của Chính phủ về quản lý độ cao chướng ngại vật hàng không và các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời tại Việt Nam (nếu có);

(3) Kết quả thẩm định đối với dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; (4) Văn bản thẩm duyệt hoặc ý kiến về giải pháp phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.

(5) Kết quả thực hiện thủ tục về đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về BVMT; (6) Thông báo kết quả thẩm định BCNCKT của cơ quan chuyên môn về xây dựng; (7) Kết quả thực hiện các thủ tục khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

Xác định thẩm quyền thẩm định theo nhóm dự án, cấp công trình

Về thẩm định BCNCKT ĐTXD của cơ quan chuyên môn về xây dựng, quy định trong Điều 13 VBHN: Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành thẩm định đối với dự án do Thủ tướng Chính phủ giao; dự án nhóm A; dự án nhóm B có công trình cấp đặc biệt, cấp I do người đứng đầu cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và của tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi là cơ quan trung ương) quyết định đầu tư; dự án được ĐTXD trên địa bàn hành chính của 2 tỉnh trở lên; dự án thuộc chuyên ngành quản lý do Bộ quản lý công trình xây dựng; chuyên ngành (mà cơ quan chuyên môn về xây dựng này trực thuộc) quyết định đầu tư; trừ dự án quy định tại điểm c khoản này.

Đối với dự án ĐTXD sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công, cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định đối với dự án từ nhóm B trở lên, dự án có công trình ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng thuộc chuyên ngành quản lý theo quy định tại Điều 109 Nghị định này, cụ thể: Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành thẩm định đối với dự án do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư; dự án nhóm A; dự án nhóm B có công trình cấp đặc biệt, cấp I; dự án được ĐTXD trên địa bàn hành chính của 2 tỉnh trở lên; dự án thuộc chuyên ngành quản lý do Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành (mà cơ quan chuyên môn về xây dựng này trực thuộc) quyết định đầu tư; trừ dự án quy định tại điểm c khoản này.

Đối với dự án PPP, cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định đối với dự án thuộc chuyên ngành quản lý theo quy định tại Điều 109 Nghị định này, cụ thể: Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành thẩm định đối với dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư; dự án do người đứng đầu cơ quan trung ương, Thủ trưởng cơ quan khác theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư phê duyệt dự án; dự án được ĐTXD trên địa bàn hành chính của 2 tỉnh trở lên.

Đối với dự án ĐTXD sử dụng vốn khác, cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định đối với dự án quy mô lớn quy định tại khoản 8 Điều 3 Nghị định này, dự án có công trình ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng thuộc chuyên ngành quản lý theo quy định tại Điều 109 Nghị định này, cụ thể: Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành thẩm định đối với dự án do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư; dự án nhóm A; dự án nhóm B có công trình cấp đặc biệt, cấp I; dự án được ĐTXD trên địa bàn hành chính của 2 tỉnh trở lên.

Đối với dự án gồm nhiều công trình với nhiều loại và cấp khác nhau, thẩm quyền thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng được xác định theo chuyên ngành quản lý quy định tại Điều 109 Nghị định này đối với công trình chính của dự án hoặc công trình chính có cấp cao nhất trong trường hợp dự án có nhiều công trình chính.

Trường hợp các công trình chính có cùng một cấp, CĐT được lựa chọn trình thẩm định tại cơ quan chuyên môn về xây dựng theo một công trình chính của dự án.

Đối với dự án ĐTXD được phân chia thành các dự án thành phần thì thẩm quyền thẩm định BCNCKT ĐTXD của cơ quan chuyên môn về xây dựng được xác định theo nhóm của dự án thành phần và cấp của công trình thuộc dự án thành phần. Trường hợp dự án thành phần gồm nhiều công trình với nhiều loại và cấp khác nhau, thẩm quyền thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng đối với dự án thành phần được xác định theo quy định tại khoản 5 Điều này.

Đồng thời thực hiện thủ tục về PCCC, bảo vệ môi trường

Về hồ sơ trình thẩm định BCNCKT ĐTXD tại cơ quan chuyên môn về xây dựng quy định tại Điều 14 VBHN, hồ sơ trình thẩm định BCNCKT ĐTXD gồm: Tờ trình thẩm định theo quy định tại Mẫu số 01 Phụ lục I Nghị định này, hồ sơ BCNCKT và các tài liệu, văn bản pháp lý kèm theo.

Trong đó, văn bản ý kiến về giải pháp PCCC của thiết kế cơ sở; văn bản kết quả thực hiện thủ tục về đánh giá tác động môi trường hoặc giấy phép môi trường theo quy định của pháp luật về BVMT (nếu có yêu cầu theo quy định của pháp luật về PCCC, BVMT).

Các thủ tục về PCCC, BVMT được thực hiện theo nguyên tắc đồng thời, không yêu cầu bắt buộc xuất trình các văn bản này tại thời điểm trình hồ sơ thẩm định, nhưng phải có kết quả gửi cơ quan chuyên môn về xây dựng trước thời hạn thông báo kết quả thẩm định 5 ngày làm việc.

Trường hợp CĐT có yêu cầu thực hiện thủ tục lấy ý kiến về giải pháp PCCC của thiết kế cơ sở theo cơ chế một cửa liên thông khi thẩm định BCNCKT ĐTXD tại cơ quan chuyên môn về xây dựng thì CĐT nộp bổ sung 1 bộ hồ sơ theo quy định của pháp luật về PCCC.

Đối với quy trình thẩm định BCNCKT ĐTXD tại cơ quan chuyên môn về xây dựng quy định tại Điều 15 VBHN, điểm đáng chú ý là hồ sơ trình thẩm định sau khi chỉnh sửa, hoàn thiện được cơ quan chuyên môn về xây dựng kiểm tra, đóng dấu xác nhận các nội dung đã được thẩm định trên các bản vẽ có liên quan của 1 bộ hồ sơ bản vẽ TKXD. Mẫu dấu thẩm định theo quy định tại Mẫu số 08 Phụ lục I Nghị định này.

Các bản vẽ đã đóng dấu thẩm định được giao lại cho người đề nghị thẩm định; người đề nghị thẩm định có trách nhiệm lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ và đáp ứng kịp thời yêu cầu của cơ quan chuyên môn về xây dựng khi cần xem xét hồ sơ lưu trữ này.

Người đề nghị thẩm định có trách nhiệm nộp bản chụp (định dạng .PDF) tài liệu BCNCKT, TKXD đã đóng dấu thẩm định cho cơ quan chuyên môn về xây dựng trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đã đóng dấu thẩm định. Trường hợp không thực hiện được việc lưu trữ theo bản định dạng .PDF, cơ quan chuyên môn về xây dựng yêu cầu người đề nghị thẩm định nộp bổ sung 1 bộ bản vẽ để đóng dấu lưu trữ.

Bên cạnh đó, trong quá trình thẩm định, trường hợp cần thiết, cơ quan chuyên môn về xây dựng được yêu cầu người đề nghị thẩm định lựa chọn tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực để thẩm tra các nội dung cần thiết phục vụ thẩm định. Trong đó, đối với các dự án thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật về đấu thầu, việc lựa chọn tổ chức, cá nhân thẩm tra TKXD được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Ý kiến của bạn