Bộ Xây dựng đề xuất giải pháp phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long

06:46 04/01/2022
Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường về tình hình thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP phát triển bền vững ĐBSCL. 

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 70/TB-VPCP, Bộ Xây dựng tiếp tục thực hiện Đề án phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 438/QĐ-TTg ngày 25/3/2021); Đề án được thực hiện tại các đô thị ven biển, đồng bằng có nguy cơ ngập lụt, có nguy cơ cao chịu tác động của lũ quét, sạt lở đất của các vùng trên cả nước trong đó cỏ vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), cụ thể thực hiện tại các thành phố: Cần Thơ, Rạch Giá, Hà Tiên, Vị Thanh, Ngã Bảy, Sóc Trăng, Bến Tre, Tân An, Hồng Ngự, Long Xuyên, Bạc Liêu, Cà Mau, các thị xã: Vĩnh Châu, Ngã Năm, Trần Đề, Bình Minh, Kiến Tường, Gò Công và các thị trấn: Vũng Liêm, Trà Ôn, Duyên Hải, Năm Căm.

Về tình hình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp có liên quan nêu tại Nghị quyết số 120/NQ-CP và Quyết định số 417/QĐ-TTg, Bộ Xây dựng cho biết:

Đối với nhóm nhiệm vụ rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển vùng đô thị và điểm dân cư nông thôn phù hợp với đặc điểm tự nhiên cụ thể của từng vùng và tiểu vùng sinh thái thích ứng với BĐKH và nước biển dâng, về cơ bản đã được Bộ Xây dựng tổ chức thực hiện đúng thời hạn. Cụ thể đã hoàn thành đồ án Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 15/01/2018, đồ án Quy hoạch cấp nước Vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050(Quyết định số 2140/QĐ-TTg ngày 08/11/2016); Quy hoạch xây dựng khu xử lý chất thải rắn Vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL đến năm 2020 (Quyết định số 1873/QĐ-TTg ngày 11/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ); Quy hoạch thoát nước Vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL đến năm 2020 (Quyết định số 2066/QĐ-TTg ngày 12/11/2010).

Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu thí điểm phát triển đô thị vùng ĐBSCL thông minh.

Về đầu tư, nâng cấp hệ thống cấp thoát nước khu vực ĐBSCL, Bộ Xây dựng tiếp tục hỗ trợ vùng ĐBSCL trong nghiên cứu, thúc đẩy và triển khai các dự án cấp nước, nhằm bảo đảm cấp nước an toàn trong bối cảnh hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng diễn biến phức tạp; đã tổ chức lập và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 02/3/2021 phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch cấp nước vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đây là cơ sở để thúc đẩy triển khai Dự án “Trạm bơm nước thô Cái Bè và hệ thống tuyến ống truyền tải” nhằm bảo đảm nguồn nước cho các nhà máy sản xuất và cung cấp nước sạch hiện hữu và tương lai dọc tuyến trên địa bàn 3 tỉnh Tiền Giang, Long An, Bến Tre trong giai đoạn đến năm 2025.

Về thoát nước xử lý nước thải, Bộ Xây dựng đã hướng dẫn và phối hợp với các địa phương vùng ĐBSCL trong việc thúc đẩy triển khai các dự án thoát nước và xử lý nước thải tại các thành phố: Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang), Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh), Cà Mau (tỉnh Cà Mau), Sa Đéc, Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp), Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang),... Đồng thời phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (G1Z) hướng dẫn triển khai nhân rộng mô hình thoát nước bền vững; nghiên cứu lập Đề án chống ngập úng đô thị; tổ chức lập, phê duyệt giá, lộ trình giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải.

Đối với nhóm nhiệm vụ đề xuất các giải pháp phát triển đô thị, nông thôn vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu; đề xuất các giải pháp cung cấp nước sạch sinh hoạt cho toàn vùng, trong đó cần có giải pháp để đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách để đầu tư; đề xuất giải pháp sử dụng tro xỉ nhiệt điện và các vật liệu xây dựng thay thế cát, sỏi lòng sông.

Bộ Xây dựng tiếp tục thực hiện Đề án phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu (Đề án 2623). Qua rà soát, các địa phương Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Long An đã chủ động, rà soát lồng ghép các vấn đề liên quan đến ứng phó biến đối khí hậu trong quy hoạch, phát triển đô thị. Tất cả 13 tỉnh, thành phố thuộc vùng ĐBSCL đã ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; đề xuất các giải pháp để ứng phó thuộc các lĩnh vực quản lý có liên quan thông qua các cơ chế chính sách, các dự án, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Một số địa phương đang cập nhật Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Hiện nay, Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu thí điểm phát triển đô thị vùng ĐBSCL thông minh.

Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, Bộ Xây dựng đã tổ chức nhiều chuyến kiểm tra công tác phòng, chống dịch ở các tỉnh phía Nam (trong đó có vùng ĐBSCL) theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ xây dựng; đồng thời báo cáo đề xuất đến Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 một số nội dung trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL ngày càng phát triển.

Giải pháp trước mắt, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương trong việc cung ứng, duy trì các dịch vụ hạ tầng kỹ thuật phục vụ người dân trong vùng dịch (cấp nước, thoát nước, thu gom, xử lý chất thải, hỏa táng,...). Tuy nhiên, về lâu dài, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Đề nghị Chính phủ xem xét bổ sung chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo và phòng tránh bão, lụt khu vực ven biển theo hướng có sự hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách trung ương cho hộ dân; tăng mức vay ưu đãi, cũng như đề nghị các địa phương hỗ trợ thêm từ các nguồn xã hội hóa và lồng ghép việc hỗ trợ với nguồn vốn từ Quỹ vì người nghèo do Ủy ban MTTQ Việt Nam quản lý; tăng diện tích tối thiểu của ngôi nhà được hỗ trợ xây dựng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội giai đoạn tiếp theo.

Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định mới về hỗ trợ cải thiện nhà ở đối với người có công với cách mạng và thân nhân và thân nhân liệt sĩ giai đoạn 2021-2025 với mức hỗ trợ dự kiến cao hơn mức hỗ trợ theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg, phương thức hỗ trợ vừa trực tiếp vừa gián tiếp.

Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính đẩy mạnh công tác xây dựng và hoàn thiện các công cụ pháp luật nhằm thúc đẩy việc phân bổ và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công cho quy hoạch và phát triển đô thị đảm bảo kịp thời, đúng tiến độ và phù hợp đối tượng trong bối cảnh phòng, chống dịch.

Tăng cường hiệu quả hoạt động của Ban điều phối vùng trong việc nắm bắt nhu cầu địa phương về sử dụng vốn, lồng ghép các nhu cầu về vốn đầu tư vào Kế hoạch, Chương trình phát triển đô thị, phát triển nhà ở của các địa phương.

 

Bình luận