Hệ thống công viên chưa phát triển xứng tầm quy mô đô thị
Sáng 26/6, tại Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn chủ trì Hội thảo “Xây dựng chính sách quản lý cây xanh, công viên đô thị”, với sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức quốc tế và các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực cây xanh đô thị.
Nói về sự cần thiết, phù hợp của việc ban hành Nghị định mới về quản lý cây xanh đô thị sau hơn 13 năm triển khai Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 về quản lý cây xanh đô thị, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn cho biết, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Xây dựng đã tổ chức nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định về quản lý cây xanh, công viên đô thị thay thế Nghị định số 64/2010/NĐ-CP.
Việc tổ chức Hội thảo nhằm lấy ý kiến các đại biểu để Bộ Xây dựng tiếp tục hoàn thiện các nội dung Nghị định, giúp các quy định đầy đủ hơn, đi vào thực tiễn, tạo điều kiện cho việc phát triển cây xanh, công viên đô thị trên phạm vi các đô thị trong cả nước.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn, qua đánh giá thực tiễn cho thấy, các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương ngày càng quan tâm đến phát triển cây xanh, công viên đô thị. Việc ban hành các chính sách, các đề án, các chương trình liên quan đến quản lý cây xanh, công viên đô thị ngày càng được chú trọng hơn.
Tuy nhiên, hệ thống công viên, cây xanh đô thị chưa phát triển tương xứng với quy mô đô thị và nhu cầu của người dân đô thị. Nguồn lực dành cho phát triển cây xanh, công viên đô thị còn hạn chế.
Pháp luật chuyên ngành về quản lý cây xanh, công viên đô thị trong Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, đặc biệt là Nghị định số 64/2010/NĐ-CP bộc lộ những điểm hạn chế trong thực tiễn quản lý, đặc biệt là thiếu các quy định quản lý công viên; chưa có quy định hướng dẫn quản lý, sử dụng tài sản hạ tầng cây xanh, công viên đô thị để cụ thể hóa quy định về quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017… Cho thấy, sự cần thiết ban hành Nghị định mới về quản lý cây xanh, công viên nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Đề xuất dự án phát triển cây xanh thực hiện như một dự án độc lập
Tại Hội thảo, nhiều góp ý của đại diện các Sở Xây dựng TP Hà Nội, TP Hải Phòng và các tỉnh: Hải Dương, Hà Nam, Nghệ An, Vĩnh Phúc…, của doanh nghiệp (Tập đoàn Ecopark, Công ty TNHH MTV Công viên Thống Nhất), được cơ quan chủ trì soạn thảo ghi nhận, phản hồi, tiếp thu tại Hội thảo và trong quá trình hoàn thiện dự thảo Nghị định.
Đáng chú ý, ông Nguyễn Công Hồng - TGĐ Công ty TDH Ecoland, thuộc Tập đoàn Ecopark nêu quan điểm, việc ban hành chính sách quản lý cây xanh, công viên đô thị phải gắn chặt với mục tiêu phát triển đô thị theo chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và định hướng chinh sách trong dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị.
Bên cạnh đó, trong quá trình phát triển, các đô thị ở Việt Nam đã và đang gặp phải những thách thức rất lớn về bảo vệ môi trường, thích ứng với BĐKH; đặc biệt là thiếu các công viên cây xanh để nâng cao chất lượng môi trường sống, điều hoà không khí và tạo không gian cảnh quan. Do đó, mục tiêu hàng đầu của việc ban hành chính sách quản lý cây xanh, công viên đô thị là nhằm tạo ra được cơ chế chính sách để huy động được các nguồn lực để tham gia vào quá trình phát triển (đầu tư, xây dựng, bảo vệ…) cây xanh, công viên đô thị.
Ông Nguyễn Công Hồng cho biết, thực tế chỉ tiêu cây xanh bình quân đầu người rất thấp, đặc biệt ở các đô thị loại I, đô thị đặc biệt chỉ tiêu cây xanh bình quân đầu người thấp hơn rất nhiều so với Quy chuẩn hiện hành. Trong đó, Hà Nội mới đạt 2 m2/người, TP.HCM chưa đạt 1 m2/người, TP Đà Nẵng 2,4 m2/người, TP Hải Phòng 3,41 m2/người… trong khi Quy chuẩn yêu cầu đô thị loại I, loại đặc biệt phải đạt tối thiểu 6-7 m2/người.
Nguyên nhân chính của thực trạng này được ông Nguyễn Công Hồng chỉ ra là do không tạo ra được nguồn lực và không huy động được nguồn lực đầu tư xây dựng các công viên theo quy hoạch được duyệt.
Điển hình là trường hợp quận Bình Tân, TP.HCM, theo Quy hoạch đến năm 2020 có 5 công viên đô thị với diện tích khoảng 163 ha. Tuy nhiên, đến hết năm 2020, chưa có bất kỳ công viên nào trong Quy hoạch được đầu tư xây dựng do kinh phí bồi thường, GPMB và kinh phí đầu tư xây dựng rất lớn…
Để giải quyết vướng mắc này, ông Nguyễn Công Hồng đề xuất bổ sung quy định về các loại hình dự án phát triển cây xanh, công viên đô thị vào Nghị định về quản lý cây xanh, công viên đô thị theo hướng tương tự như quy định về loại hình dự án đầu tư xây dựng NƠXH theo pháp luật về nhà ở. Trong đó, dự án phát triển cây xanh, công viên đô thị có thể được thực hiện theo một dự án độc lập hoặc là một hạng mục/dự án thành phần của dự án phát triển đô thị theo quy định của pháp luật về quản lý phát triển đô thị và pháp luật khác có liên quan…