Bộ Xây dựng lấy ý kiến về quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050

16:18 25/11/2022
Chiều 25/11, tại TP Đà Nẵng, Bộ Xây dựng tổ chức Hội thảo góp ý kiến lần thứ nhất về một số nội dung trọng tâm Quy hoach hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng và lãnh đạo các ban, ngành liên quan.

Tại Hội thảo, Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn được xác định là quy hoạch cấp quốc gia thuộc Quy hoạch ngành kết cấu hạ tầng. Việc lập Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một yêu cầu của Chính phủ trong việc triển khai thực hiện Luật Quy hoạch theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.

Để phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ 2021-2030, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ đã ban hành các Chương trình, mục tiêu quốc gia và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội để định hướng xây dựng chính sách phát triển các ngành, lĩnh vực trọng tâm trong thời kỳ mới.

Các vấn đề chính trong quản lý phát triển hệ thống đô thị và nông thôn toàn quốc cần được rà soát, nghiên cứu định hướng để đảm bảo yêu cầu về kiểm soát, quản lý đô thị và nông thôn phù hợp với các định hướng, chính sách phát triển đất nước trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng phát biểu tại Hội thảo.

Đối với ngành Xây dựng, Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở để ngành Xây dựng thống nhất với các ngành trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hệ thống đô thị và nông thôn, hướng dẫn các địa phương lập, điều chỉnh quy hoạch đô thị, nông thôn. Đồng thời cũng là cơ sở để ngành Xây dựng triển khai xây dựng hợp phần Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn trong Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cũng tại Hội thảo, nhiều ý kiến của các đại biểu cho rằng, vị thế của Việt Nam trong bối cảnh trong nước và quốc tế những năm qua, khu vực châu Á - Thái Bình Dương chứng kiến những thay đổi to lớn, mang tính bước ngoặt trong việc định hình cục diện mới.

Trong bối cảnh đó, vị thế quốc gia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong hoạch định chiến lược phát triển của đất nước. Việt Nam là thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ở trung tâm Đông Nam Á, thuộc châu Á - Thái Bình Dương, khu vực phát triển năng động nhất hiện nay, có những lợi thế và điều kiện đặc biệt để phát huy vị thế quốc gia, góp phần vào sự ổn định, phát triển và phồn vinh trong khu vực và trên thế giới.

Việt Nam có địa thế và hình dáng lãnh thổ là nguồn tài nguyên địa - kinh tế - chính trị quan trọng. Nằm ở vị trí huyết mạch của nền kinh tế khu vực nơi có các nền kinh tế phát triển mạnh và năng động, là động lực tăng trưởng của khu vực và thế giới. Là cầu nối giữa hai vùng kinh tế biển và kinh tế lục địa của các nước Đông Nam Á và châu Á, Việt Nam có điều kiện thuận lợi để tăng cường kết nối, thúc đẩy hợp tác và phát triển trong khu vực. 

Hầu hết các đại biểu cho rằng, trong gần 35 năm qua kể từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về mọi mặt, đặc biệt là về kinh tế. Từ một nền kinh tế khép kín, tự cấp, tự túc, theo cơ chế kinh tế kế hoạch hóa, tập trung bao cấp, Việt Nam đã phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tăng trưởng kinh tế đạt mức cao, trở thành nước có thu nhập trung bình. 

Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn được xác định là quy hoạch cấp quốc gia thuộc Quy hoạch ngành kết cấu hạ tầng

Mặc dù chịu ảnh hưởng tác động nặng nề của dịch bệnh COVID-19, trong khi hầu hết các nền kinh tế rơi vào suy thoái, với việc chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt "mục tiêu kép", Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng dương ở mức khá. Theo WB, GDP của Việt Nam năm 2020 ước đạt 2,8%, thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của khu vực và trên thế giới. 

Từ chỗ là một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới, Việt Nam đã phát triển vượt bậc, trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp, với GDP đầu người đạt khoảng 2.800 USD năm 2019, hơn 45 triệu người thoát nghèo; là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao và năng động nhất trong khu vực.

Tuy nhiên, so sánh với các nền kinh tế trong khu vực, Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn. Thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam hiện nay vẫn thuộc loại trung bình thấp so với các nước trong khu vực, chỉ cao hơn các quốc gia khác như Timor Leste, Campuchia và Myanmar.

So với các nước ASEAN-6, mức thu nhập này có khoảng cách khá xa, chỉ bằng 4,5% của Singapore, 8,4% của Brunei, 23% của Malaysia, 34,2% của Thái Lan, 65% của Indonesia, 79,2% của Philippines. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam đang có những biểu hiện “chậm chân” so với các nước trong khu vực.

Đại diện Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam góp ý tại Hội thảo.

Những thập kỷ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng ở Việt Nam song hành với quá trình đô thị hóa và chuyển đổi không gian. Quá trình đô thị hóa và chuyển đổi không gian lãnh thổ ở Việt Nam trong hơn 3 thập kỷ vừa qua gắn liền với quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đất đai, dân số và phúc lợi xã hội.

Đặc điểm chính là: Không gian kinh tế chuyển đổi nhanh chóng bởi sự tăng trưởng các khu vực công nghiệp và dịch vụ trên phạm vi lãnh thổ, hiện đóng góp khoảng 85% GDP quốc gia. Quá trình chuyển đổi kinh tế gắn với chuyển đổi không gian đô thị hoá, được định hình bởi ba lĩnh vực chính: (1) dịch chuyển lao động; (2) quy hoạch đô thị và sử dụng đất; và (3) chính sách tài khóa và tài trợ; tạo điều kiện tăng trưởng kinh tế trên diện rộng với đặc trưng là không có bất bình đẳng lớn giữa các vùng.

Lao động từ lĩnh vực nông nghiệp đã chuyển sang công nghiệp và dịch vụ trong nội bộ khu vực nông thôn. Mặc dù việc làm được tạo ra có thể không có giá trị gia tăng cao, nhưng năng suất của người lao động trong những việc làm này vẫn cao hơn nhiều so với việc làm nông nghiệp trước đó.

Công nghiệp hóa gắn liền đô thị hoá và biểu hiện ở hai cấp độ không gian lãnh thổ: Cấp độ 1, là hai vùng kinh tế - xã hội có mức độ đô thị hoá cao, gồm vùng Đồng bằng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng. Trong đó, Hà Nội, TP.HCM và khu vực bao quanh đại diện cho khoảng 70% việc làm công nghiệp và dịch vụ, sản xuất và lợi nhuận. Cấp độ 2 là bốn vùng còn lại gồm: Trung du miền núi Bắc Bộ, Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long.

Các đại biểu dự Hội thảo cũng cho rằng, điểm nghẽn trong tổ chức không gian đô thị hoá của Việt Nam: (1) Tính kinh tế nhờ tích tụ yếu và khó có khả năng chuyển sang các hoạt động kinh tế có giá trị gia tăng cao hơn; (2) Thiếu nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của dân số đô thị; (3) Phát triển không gian dàn trải, mở rộng nhanh chóng các khu vực đô thị làm cho đô thị hoá đất đai tăng nhanh hơn đô thị hoá dân số do chính nâng cấp đô thị;

Đô thị hoá là quá trình lịch sử tự nhiên, cùng với chính sách chuyển đổi các ngành kinh tế từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp diễn ra mạnh mẽ ở các khu vực đô thị trên phạm vi quốc gia. Từ đó, làm thay đổi nhanh chóng về quy mô, chất lượng và năng lực hội nhập toàn cầu.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Đô thị hóa Việt Nam là quá trình tất yếu và được coi là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Trong đó, các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ đã trở thành các trụ cột phát triển của đất nước và cạnh tranh quốc tế mạnh mẽ.

Nhiều thành phố, đô thị tỉnh lỵ cũng đã và đang là trụ cột phát triển của các vùng miền. Dân số đô thị năm 2020 chiếm 33,8% tổng dân số, GDP đóng góp của khu vực đô thị chiếm khoảng 70% nền kinh tế quốc dân, quá trình dịch cư từ nông thôn ra đô thị tiếp tục gia tăng trong giai đoạn 2021-2030. Đô thị hoá là điều kiện quan trọng thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước thời kỳ 2021-2030.

Bình luận