Bộ Xây dựng sẽ chủ yếu thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước

23:08 22/05/2025
Sau khi thực hiện phân cấp, phân quyền, Bộ Xây dựng sẽ chủ yếu thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước. Các địa phương được quyền chủ động quyết định nhiệm vụ trên địa bàn quản lý.

Chiều 22/5, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến với một số Bộ, ngành, địa phương về Nghị định phân quyền, phân cấp, phân định thẩm quyền trong các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực xây dựng, giao thông khi sắp xếp tổ chức bộ máy và thực hiện tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp về Nghị định phân quyền, phân cấp, phân định thẩm quyền trong các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực xây dựng, giao thông. Ảnh: VGP/Minh Khôi

Dự kiến chuyển 90 nhiệm vụ từ cấp huyện xuống cấp xã

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến nay tổng số văn bản được rà soát là 594 văn bản. Tổng số văn bản đề xuất xử lý thực hiện phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền là 66 văn bản (gồm 9 luật, 1 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 28 nghị định, 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 27 thông tư).

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh cho biết, dự thảo Nghị định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương sẽ chuyển 90 nhiệm vụ từ cấp huyện xuống cấp xã, chuyển 1 nhiệm vụ lên cấp tỉnh, 1 nhiệm vụ phân cấp từ UBND tỉnh sang Sở Xây dựng.

Về lĩnh vực xây dựng, giao thông, Bộ Xây dựng đề xuất phân cấp, phân quyền 21 thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho Bộ trưởng; 3 thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho chính quyền địa phương; phân cấp 28 thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Xây dựng cho chính quyền địa phương.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Minh Khôi

Bộ Xây dựng đã nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng, đề xuất phân cấp, phân quyền triệt để nhằm tạo sự chủ động cho địa phương, giảm tải áp lực cho Thủ tướng Chính phủ. Sau khi thực hiện phân cấp, phân quyền thẩm quyền, chỉ giữ lại để Trung ương thực hiện một số nội dung, nhiệm vụ mang tính tổng thể, an toàn hệ thống, như: Kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, các nội dung kỹ thuật, chuyên môn sâu, không thể phân cấp cho địa phương, những nhiệm vụ liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia, như việc quản lý vùng trời, những thẩm quyền theo quy định của điều ước quốc tế; có lĩnh vực chỉ giữ lại 1-2 nhiệm vụ để Trung ương thực hiện, như lĩnh vực đường bộ (chỉ còn quản lý một số tuyến quốc lộ đặc thù).

Lĩnh vực quy hoạch đô thị, nông thôn sẽ phân cấp, phân quyền 4 nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ cho chính quyền địa phương; 1 nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; 5 nhiệm vụ của Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho chính quyền địa phương; chuyển 14 nhiệm vụ của cấp huyện xuống cấp xã, 1 nhiệm vụ lên sở xây dựng, 1 nhiệm vụ lên UBND cấp tỉnh.

Sau khi thực hiện phân cấp, phân quyền, Bộ Xây dựng sẽ chủ yếu thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước (xây dựng quy hoạch, chiến lược, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật, thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát...). Các địa phương được quyền chủ động quyết định nhiệm vụ trên địa bàn quản lý, không phải xin ý kiến, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ đối với những nhiệm vụ đã được phân cấp.

Làm rõ sự khác biệt giữa phân cấp và phân quyền

Thảo luận tại cuộc họp, lãnh đạo các Bộ, ngành cho rằng cần xây dựng tiêu chí, điều kiện rõ ràng để xác định việc nào giữ lại trên Trung ương, việc nào phân cấp cho địa phương, tránh tùy tiện, bảo đảm hiệu quả và có cơ sở pháp lý rõ ràng.

Tuy nhiên, mỗi ngành, lĩnh vực có đặc thù riêng, phải xây dựng tiêu chí phân cấp cụ thể phù hợp, tránh tùy tiện, đảm bảo hiệu quả, tránh gây khó khăn cho địa phương.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Việc xác định những nhiệm vụ, thẩm quyền giữ lại ở cấp Trung ương (Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng) cần có cơ sở lý luận, thực tiễn, tiêu chí lựa chọn rõ ràng. Ảnh: VGP/Minh Khôi

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục hoàn thiện dự thảo các nghị định, xác định rõ phạm vi phân cấp, phân quyền từ thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng xuống cấp địa phương, hoặc từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho Bộ trưởng, tránh chồng chéo hoặc để khoảng trống.

Trong đó, Bộ Xây dựng phải rà soát, kế thừa những nội dung phù hợp về phân định thẩm quyền, phân cấp, phân quyền đã được điều chỉnh trong các luật liên quan; đồng thời nhấn mạnh yêu cầu phải làm rõ sự khác biệt giữa phân cấp và phân quyền.  

Theo Phó Thủ tướng, cần có một hướng dẫn chung, tiêu chí điều kiện chung và riêng theo ngành về phân cấp, phân quyền do Bộ Tư pháp hoặc Bộ Nội vụ ban hành.

"Quy định phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực xây dựng, giao thông cũng cần đồng bộ với cơ chế, chính sách tài chính, đầu tư", Phó Thủ tướng lưu ý.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng tiếp thu ý kiến của các địa phương tiếp tục bổ sung, làm rõ một số nguyên tắc, tiêu chí cụ thể để xác định những nhiệm vụ giữ lại ở cấp tỉnh; đồng thời giao các địa phương rà soát kỹ, tập trung đóng góp ý kiến vào những nội dung được phân cấp, phân quyền cả về cơ sở pháp lý, lẫn điều kiện thực thi.

Bình luận