Bộ Xây dựng: Thị trường bất động sản không còn tình trạng tăng nóng, “sốt” cục bộ

11:30 27/10/2022
Bộ Xây dựng vừa công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý III/2022. Theo đó, trong quý III, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ thông qua việc ban hành nhiều các cơ chế chính sách đã giúp cho thị trường bất động sản được điều chỉnh.

Chính sách điều hành phát huy hiệu quả

Bộ Xây dựng cho biết, tại các địa phương không còn tình trạng bất động sản (BĐS) tăng nóng, “sốt” cục bộ như những tháng đầu năm. Nhiều địa phương đã có các giải pháp kịp thời để kiểm tra, ngăn chặn việc chia tách, "phân lô, bán nền" tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng. Hoạt động của các sàn giao dịch BĐS, các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới BĐS được tăng cường kiểm soát.

Đồng thời, các địa phương đã kịp thời chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay, "thổi giá" gây nhiễu loạn thông tin thị trường BĐS. Qua đó, các tồn tại, bất cập của thị trường BĐS đã từng bước được khắc phục.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Xây dựng, thị trường BĐS vẫn còn có nhiều khó khăn, bất cập, chưa thực sự lành mạnh, bền vững. Cụ thể, nguồn cung về BĐS chưa có sự cải thiện nhiều, nguồn cung về nhà ở thương mại từ các dự án mới được bổ sung không nhiều, nguồn cung nhà ở trong quý chủ yếu vẫn từ những dự án đã được triển khai và đang được mở bán. Nguồn cung nhà ở xã hội rất hạn chế, căn hộ giá rẻ hầu như không ghi nhận nguồn cung mở bán mới trong quý.

Bộ Xây dựng nhận định, nguồn cung BĐS, nhà ở sẽ còn hạn chế do lượng dự án được mở mới giảm so với các năm trước, trong khi nhiều dự án đã được chấp thuận gặp vướng mắc trong thủ tục đầu tư, pháp lý (đặc biệt là việc giao đất, tính tiền sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch và cấp phép xây dựng…).

Cùng đó, giá nhà ở riêng lẻ, đất nền, căn hộ chung cư vẫn giữ ở mức cao đã được thiết lập tại thời điểm cuối quý II/2022 ảnh hưởng đến tính thanh khoản và lượng giao dịch của thị trường, đặc biệt là thị trường thứ cấp.

“Trong quý III/2022, các nguồn vốn bao gồm nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, cổ phiếu dành cho lĩnh vực BĐS đều gặp khó khăn, giảm so với các quý trước (một số cá nhân, doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh BĐS có sai phạm trong hoạt động huy động vốn, trái phiếu, cổ phiếu đã bị xử lý gây ảnh hưởng đến thị trường và niềm tin của nhà đầu tư). Nhiều địa phương đã có các giải pháp kịp thời để kiểm tra, ngăn chặn việc chia tách, “phân lô, bán nền” tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng” – Bộ Xây dựng cho biết.

Giá BĐS sản cơ bản ổn định

Theo Bộ Xây dựng, tổng hợp số liệu từ Sở Xây dựng các địa phương có báo cáo, lượng giao dịch BĐS trong quý III đối với căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ là 51.003 giao dịch thành công (tập trung chủ yếu tại Hải Phòng, Long An, Đà Nẵng, TP.HCM). Tổng lượng giao dịch bằng khoảng 73,8% so với quý II/2022 và bằng khoảng 439% so với cùng kỳ năm 2021.

Cụ thể, đối với căn hộ chung cư, tại miền Bắc có 9.627 giao dịch; miền Trung có 17.425 giao dịch; miền Nam có 23.951 giao dịch; riêng tại Hà Nội có 1.508 giao dịch thành công; tại TP.HCM có 2.144 giao dịch thành công.

Ảnh minh họa: Internet.

Trong khi đó, lượng giao dịch đất nền đạt 115.129 giao dịch thành công, tổng lượng giao dịch bằng khoảng 54% so với quý II/2022. Cụ thể, tại miền Bắc có 21.806 giao dịch; miền Trung có 18.789 giao dịch; miền Nam có 74.534 giao dịch.

Báo cáo về giá nhà ở và một số loại BĐS của Bộ Xây dựng cho thấy, qua tổng hợp tại các địa phương giá giao dịch căn hộ chung cư trong quý III/2022 cơ bản ổn định so với quý trước. Đáng chú ý, giá nhà ở chung cư tại một số khu vực tại TP Hà Nội, TP.HCM tăng hơn so với quý II.

Theo Bộ Xây dựng, các dự án nhà ở thương mại tại khu vực trung tâm của các đô thị hầu như không có căn hộ với mức giá dưới 25 triệu đồng/m². Căn hộ có mức giá này chỉ có tại một số ít các dự án tại khu vực quận, huyện xa trung tâm.

Đối với nhà ở riêng lẻ, đất nền, Bộ Xây dựng cho biết, giá giao dịch thứ cấp nhà ở riêng lẻ và đất nền trong quý III có xu hướng giảm nhẹ, khoảng 2-3% so với quý trước.

Một số khu vực có mức giá giao dịch giảm nhiều trong quý như: quận Hà Đông, huyện Thanh Trì, Hoài Đức (Hà Nội); quận 12, huyện Củ Chi (TP.HCM); huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu); quận Sơn Trà, Liên Chiểu (Đà Nẵng); TP Biên Hòa, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai)…

Cũng theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong quý III/2022, có 18.885 căn nhà ở đủ điều kiện đưa vào giao dịch.

Qua đánh giá cho thấy, trong quý III không tạo ra lượng BĐS tồn kho mới từ thị trường sơ cấp. Nhìn chung, trong 9 tháng đầu năm 2022, số lượng nhà ở trong các dự án đưa ra giao dịch (nguồn cung) hạn chế trong khi nhu cầu đầu tư, mua sử dụng của người dân vẫn cao.

Để thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, Bộ Xây dựng kiến nghị một số giải pháp, trong đó khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực BĐS bảo đảm đồng bộ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh.

Cùng đó, xây dựng hệ thống thông tin thị trường BĐS gắn với thông tin đất đai, hoàn thiện cơ sở pháp lý và tăng cường thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch BĐS. Theo đó, đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 6 năm 2023.

Nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến phát triển và quản lý nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở cho người thu nhập thấp, lưu ý tới nhà ở cho các chuyên gia, nhà khoa học tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao.

Trước hết là các văn bản quy phạm thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ, ngành và địa phương đảm bảo đồng bộ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển nhà ở cho các đối tượng này.

Nghiên cứu, hoàn thiện chính sách thuế phù hợp thực tế đối với BĐS nhằm góp phần khuyến khích sử dụng nhà, đất có hiệu quả, góp phần hạn chế đầu cơ nhà, đất, đảm bảo động viên nguồn thu hợp lý, ổn định cho ngân sách nhà nước, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Nghiên cứu, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cương quyết cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết trong thủ tục đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư các dự án nhà ở, BĐS để hỗ trợ, tăng nguồn cung cho thị trường.

Bình luận