Thông tin về nhà ở và thị trường BĐS tại buổi họp báo thường kỳ quý 1 của Bộ Xây dựng sáng 26/4, ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, cho biết, trong quý I, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, quyết liệt đối với các Bộ, ngành, địa phương nhằm cụ thể hóa các biện pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn chung cho doanh nghiệp và thị trường BĐS.
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, thị trường BĐS đã có phản ứng tích cực với những chỉ đạo, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành.
Về nguồn cung mới BĐS, ông Hoàng Hải cho biết, đối với dự án nhà ở thương mại, trong quý có 10 dự án được hoàn thành, với quy mô khoảng 4.706 căn; 19 dự án được cấp phép mới, với quy mô khoảng 9.774 căn và 38 dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai với quy mô khoảng 5.527 căn.
Trong quý 1, lượng giao dịch trong phân khúc đất nền, căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong có xu hướng tăng so với quý IV/2023. Trong đó, lượng giao dịch chung cư và nhà ở riêng lẻ bằng khoảng 129,9% so với quý IV/2023.
Báo cáo về nhà ở và thị trường BĐS của Bộ Xây dựng đánh giá, thị trường căn hộ chung cư vẫn tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhóm đối tượng có nhu cầu ở thực và các nhà đầu tư trung và dài hạn.
Theo khảo sát của một số tổ chức nghiên cứu cho thấy, giá bán trung bình một số dự án tại TP Hà Nội và TP.HCM dao động khoảng 50 - 70 triệu đồng/m2. Bên cạnh đó, nhu cầu tìm kiếm nhà ở riêng lẻ, đất nền đã tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, giá bán tại Hà Nội tăng khoảng từ 5 - 15% so với cuối năm 2023. Trong đó, giá bán dao động trong khoảng từ 80 - 220 triệu đồng/m2 và tại TP.HCM giá bán dao động trong khoảng từ 90 - 250 triệu đồng/m2.
Quý 1, có 35.853 căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ được giao dịch thành công; 97.659 giao dịch đất nền thành công.
Để tiếp tục thúc đẩy thị trường BĐS thời gian tới phát triển, Chính phủ, Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan các địa phương, doanh sẽ tiếp tục tập trung thực hiện một số nhiệm vụ giải pháp.
Trong đó, tiếp tục tập trung tháo gỡ vướng mắc trong tổ chức thực hiện các dự án BĐS tại các địa phương, nhất là khâu giải phóng mặt bằng, giao đất, xác định giá đất ... để tiếp tục triển khai thực hiện tăng nguồn cung cho thị trường.
Mặt khác, tập trung điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, chắc chắn, kịp thời, hiệu quả, điều hành tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và dự án BĐS.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS Hoàng Hải, các Bộ, ngành, sẽ tập trung xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở..., bảo đảm đủ điều kiện để trình Quốc hội cho phép sớm thi hành các Luật này trong tháng 7/2024.
Các địa phương cần tập trung rà soát, sửa đổi văn bản thuộc thẩm quyền để có thể áp dụng Luật Đất đai ngay sau khi có hiệu lực, nhất là xây dựng bảng giá đất; Tiếp tục rà soát, tháo gỡ các hạn chế, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật theo thẩm quyền, kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với các vấn đề vượt thẩm quyền;
Đẩy mạnh hoạt động của Tổ công tác theo Quyết định số 1435/QĐ-TTg, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thủ tục pháp lý; đôn đốc các địa phương giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các dự án BĐS; Thực hiện có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân KCN giai đoạn 2021-2030"; triển khai hiệu quả Chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng.
Đối với các địa phương, tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành hành động quyết liệt, thực hiện có hiệu quả và tập trung xử lý theo thẩm quyền; chủ động nghiên cứu, ban hành các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn.
Giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc của các dự án BĐS đã được Tổ công tác của Thủ tướng rà soát và có văn bản chỉ đạo, hoàn thành.
Đối với doanh nghiệp, chủ động rà soát về thủ tục pháp lý nêu cụ thể các khó khăn, vướng mắc của từng dự án để đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết theo đúng chức năng, thẩm quyền. Đồng thời, tái cấu trúc, cơ cấu lại danh mục dự án, sản phẩm để bảo đảm phù hợp với khả năng triển khai thực hiện của doanh nghiệp và điều kiện thực tế của thị trường.