Bù lãi suất 2%/năm cho doanh nghiệp: Làm sao triển khai hiệu quả?

07:01 30/05/2022
Ngân sách sẽ hỗ trợ lãi suất 2%/năm đối với các khoản vay cho DN, HTX, hộ kinh doanh trong 2 năm 2022-2023. Dù quy định rõ 11 nhóm ngành được hưởng chương trình hỗ trợ lãi suất, tuy nhiên DN vẫn lo khó tiếp cận. Còn phía ngân hàng cũng còn những vướng mắc.

Ngân hàng lên phương án triển khai

Tại hội nghị triển khai Nghị định 31/2022/NĐ-CP (Nghị định 31) và Thông tư 03/2022/TT-NHNN (Thông tư 03) hướng dẫn chính sách hỗ trợ 2% lãi suất được tổ chức cuối tuần qua, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú yêu cầu: Tổ chức triển khai ngay việc thực hiện hỗ trợ lãi suất theo quy định trong toàn hệ thống. Đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước (NSNN) trong 2 năm 2022, 2023 và từng năm theo quy định tại Nghị định 31, Thông tư 03 cùng chỉ đạo của NHNN tại văn bản số 3442/NHNN-TD ngày 24/5/2022. Chủ động cân đối nguồn vốn để đầu tư các dự án, phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, nhất là các ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất.

Theo thông tư hướng dẫn vừa được NHNN ban hành, khách hàng được giảm trừ trực tiếp lãi suất đối với kỳ trả nợ lãi từ ngày 20/5 đến hết ngày 31/12/2023, hoặc đến khi gói tín dụng hỗ trợ 40.000 tỷ đồng sử dụng hết. Chẳng hạn, khoản vay được giải ngân từ đầu năm 2022, đến cuối tháng 6 này phải trả 15 triệu đồng tiền lãi. Với chính sách này, khách vay sẽ được hỗ trợ 2% lãi suất, tương ứng với 5 triệu đồng, chỉ phải trả ngân hàng 10 triệu đồng tiền lãi.

Tất nhiên, không phải tất cả DN kinh doanh trong mọi lĩnh vực sẽ được hỗ trợ lãi suất, mà chỉ có 11 nhóm ngành và lĩnh vực mà Chính phủ quy định tại nghị định 31. Đó là các khoản vay vốn ngân hàng của DN, HTX, hộ kinh doanh thuộc các ngành hàng không, vận tải kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo, nông nghiệp...

Theo Phó Tổng giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng, ngày 26/5, ngân hàng này đã bắt đầu triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm trên lãi suất vay thực tế, áp dụng đối với các thoả thuận cho vay, giải ngân từ ngày 1/1/2022 đến 31/12/2023, và đối với nghĩa vụ trả nợ lãi tại các kỳ hạn trả nợ lãi mà thời điểm trả nợ phát sinh từ ngày 20/5 đến 31/12/2023. Agribank sẽ dừng hỗ trợ lãi suất sau thời điểm 31/12/2023 hoặc khi hết nguồn kinh phí (hạn mức hỗ trợ lãi suất) được NHNN thông báo, tuỳ theo thời điểm nào đến trước.

Phó Tổng giám đốc Vietcombank Nguyễn Việt Cường cho hay, 5 tháng đầu năm nay, tín dụng Vietcombank đã tăng trưởng ở mức trên 9%. Hiện tại, dư nợ tín dụng của Vietcombank đạt trên 1 triệu tỷ đồng. Trong đó, các đối tượng được thụ hưởng của chương trình hỗ trợ lãi suất này xấp xỉ 30% tổng dư nợ, với số lượng khách hàng là hơn 30.000.

BIDV cũng có hơn 10.000 khách hàng đáp ứng điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất với gần 200.000 khoản vay. VietinBank đã lên danh sách sơ bộ, ước tính số lượng khách đủ các điều kiện được hỗ trợ lãi suất chiếm 30% tổng quy mô tín dụng của ngân hàng này.

Qua trao đổi, các tổ chức tín dụng (TCTD) kiến nghị trong khi triển khai thực hiện Nghị định 31, Thông tư 03, NHNN và các vụ, cục, NHNN chi nhánh tỉnh TP… tạo điều kiện để TCTD yên tâm triển khai có hiệu quả những chính sách trên.

Doanh nghiệp vẫn kêu khó tiếp cận

Nhiều chủ DN nhỏ và vừa cho biết, họ trông chờ rất nhiều vào gói hỗ trợ lãi suất 2% của Chính phủ trong các năm 2022 - 2023. Nên khi Nghị định 31 về hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước, trong giai đoạn 2022 - 2023 và Thông tư 03 hướng dẫn các ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 được ban hành, họ rất phấn khởi. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất chính là làm thế nào để DN tiếp cận được. Nếu theo luật của các TCTD thì DN tiếp cận được rất ít, một là không có nợ xấu, hai là phải có doanh thu, ba là có lợi nhuận, bốn là có tài sản bảo đảm.

“Chi phí vốn được giảm 2%/năm giúp DN có thêm nguồn tài chính để đầu tư, khôi phục sản xuất kinh doanh. Nhưng nếu điều kiện đặt ra là DN không có nợ đang được cơ cấu, nợ xấu mới được tiếp cận chính sách hỗ trợ này thì sẽ rất khó khăn cho DN”- bà Lê Thị Thương, đại diện Công ty CP Đào tạo và Du lịch Việt Nam quan ngại.

Giám đốc Mai Linh Hà Nội Nguyễn Công Hùng khẳng định, đối với DN, chính sách giảm lãi suất rất tốt, nhưng giờ này các DN vận tải vẫn đang điêu đứng. Hơn 2 năm dịch bệnh nhiều DN không tránh khỏi tình trạng nợ xấu hay nhảy nhóm. Chưa kể giá xăng dầu tăng cao, chi phí vận hành khiến DN rất khó khăn.

Rất nhiều DN bị ảnh hưởng bởi dịch đang vướng nợ xấu, nếu không hạ chuẩn tín dụng thì những đơn vị gặp khó khăn do dịch sẽ khó có cơ hội tiếp cận. Mặt khác, dù ngân hàng rất muốn hỗ trợ DN nhưng nếu chính sách không rõ ràng thì ngân hàng không dám cho vay bởi sợ trách nhiệm sau này.

Nguyên tắc triển khai hỗ trợ là phải minh bạch khách quan, rõ ràng, tránh lợi dụng, rủi ro cho cả ngân hàng thực hiện và khách vay. Đặc biệt phải có giải pháp để theo dõi được dòng tiền là vay và được hỗ trợ lãi suất đúng đối tượng phục vụ sản xuất kinh doanh. Không thể hỗ trợ lãi suất ưu đãi của Nhà nước cho khoản vay sai mục đích. Các ngân hàng thương mại cho vay cũng có trách nhiệm giám sát, theo dõi mục đích sử dụng vốn vay. NHNN, Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT sẽ lập tổ giám sát hoạt động này. Nếu bị phát hiện vốn được hỗ trợ lãi suất sử dụng sai mục đích, người vay phải trả lại số tiền đã được cấp bù lãi suất, ngân hàng thương mại cho vay phải có trách nhiệm thu hồi khoản hỗ trợ sai đối tượng.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú

Ngoài việc cần nới lỏng các điều kiện được hưởng chính sách này, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Chí Thanh cho rằng, thời gian hỗ trợ 2 năm là quá ngắn, đặc biệt lĩnh vực đầu tư nhà ở.

“Để hoàn thiện được các thủ tục, ngân hàng xem xét tài trợ tín dụng nhanh nhất cũng phải vài tháng, thậm chí tính bằng năm. Như vậy, DN chưa kịp “xoay sở” xong thủ tục về dự án và trình ngân hàng vay vốn thì chính sách đã hết hiệu lực rồi. Tôi nghĩ rằng nên gia hạn mới có thể hỗ trợ được cho DN" - ông Nguyễn Chí Thanh nói.

Nhiều ngân hàng thương mại cũng cho rằng, Nghị định 31 đã quy định rõ 11 nhóm ngành được hưởng chương trình hỗ trợ lãi suất. Nhưng ngân hàng rất khó xử trong chuyện cho vay, không phải ngân hàng không hỗ trợ, mà các tiêu chí giải ngân vẫn phải đạt chuẩn, tránh tình trạng nợ xấu, ngân hàng sẽ phải chịu trách nhiệm.

Những đối tượng khách hàng của các ngân hàng là rất đa dạng và phong phú. Nếu các TCTD không cung cấp được những hướng dẫn cụ thể thì sẽ rất dễ xảy ra sai phạm trong quá trình triển khai. Do đó, cần có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết từ NHNN để các TCTD thực hiện triển khai. Bên cạnh đó, đại diện các ngân hàng cũng đề nghị chi nhánh NHNN các tỉnh thống nhất trong cách truyền thông, không để mỗi ngân hàng lại giải thích một kiểu. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng cũng xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ, hạn chế tối đa các sai phạm trong quá trình triển khai, quyết toán hỗ trợ lãi suất.

Đại diện Ngân hàng Standard Chartered cho biết, về quy trình nội bộ, dự kiến trong tuần sau sẽ triển khai đến toàn bộ hệ thống phòng ban. “Khi triển khai nếu có vướng mắc, chúng tôi sẽ nhờ Vụ Tín dụng hỗ trợ thêm để có thể giải đáp các thách mắc của khách hàng”, đại diện ngân hàng cho hay.

“Đối với Thông tư 03, đây là giải pháp tối ưu để Ngân hàng Shinhan nói riêng và các ngân hàng thương mại nói chung có thể tiếp cận, có mối quan hệ tốt hơn với khách hàng và tăng trưởng tín dụng. Trong quá trình triển khai thực hiện, đương nhiên sẽ có những vướng mắc, khó khăn phát sinh, chúng tôi mong NHNN có kênh trao đổi online thay vì offline để có thể kịp thời xử lý” - Ngân hàng Shinhan kiến nghị.

Nguồn: Báo Kinh tế& Đô thị

Bình luận