Buôn Ma Thuột - đô thị xanh trên cao nguyên

13:35 27/02/2023
Nhiều chuyên gia quy hoạch, phát triển đô thị cho rằng, Buôn Ma Thuột có tiềm năng và xuất phát điểm đủ mạnh để vươn mình trở thành một đô thị giàu bản sắc, trong đó yếu tố “xanh” được chú trọng và đặt lên hàng đầu nhằm gây ấn tượng cho mọi người khi đến đây.

Những gợi mở

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lê Hùng, đến nay, TP Buôn Ma Thuột đã có nhiều công viên, lâm viên được quy hoạch bài bản bên cạnh không gian xanh tự nhiên (là rừng phòng hộ đầu nguồn, bến nước, thảm thực vật, ao hồ, sông suối trong các buôn làng người dân tộc thiểu số tại chỗ), khiến toàn cảnh của thành phố này - nhìn từ trên cao xuống mang lại nhiều thiện cảm đối với mọi người. Kiến trúc đô thị Buôn Ma Thuột được quy hoạch, xây dựng trong hơn ba thập kỷ qua đã gây ấn tượng tốt về tính lành mạnh và sự mới mẻ về kiểu cách, tính thẩm mỹ cao… làm nền tảng vững chắc cho việc hướng tới mục tiêu trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên trong tương lai gần.

Buôn Ma Thuột có đầy đủ điều kiện, tiềm năng để xây dựng, phát triển trở thành một đô thị “xanh. Ảnh: Hoàng Gia

Trong nhiều cuộc hội thảo khoa học về quy hoạch, phát triển đô thị Buôn Ma Thuột được các cấp, ngành tổ chức trong thời gian qua, nhiều chuyên gia, nhà quản lý về lĩnh vực này gợi mở: Buôn Ma Thuột có đầy đủ điều kiện, tiềm năng để xây dựng, phát triển trở thành một đô thị “xanh” đúng nghĩa với quỹ đất dồi dào kết hợp với nền kinh tế nông - lâm nghiệp hữu cơ công nghệ cao.

“Trải qua gần 120 năm, kể từ khi Trung tâm tỉnh lỵ Đắk Lắk ở vùng đất Buôn Đôn chuyển về buôn của tù trưởng Ama Thuột vào năm 1904 đến nay, đô thị này luôn định hướng mục tiêu phát triển dựa trên những yếu tố địa lý, văn hóa, lịch sử và nhân văn đặc thù. Nhờ vậy, theo thời gian - dù dưới bất kỳ thể chế nào, định hướng phát triển trên luôn được quan tâm, chú trọng nên diện mạo đô thị Buôn Ma Thuột vẫn giữ được bản sắc riêng của mình” – KTS. Nguyễn Phú Hữu.

TS. KTS Phạm Thúy Loan, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị (Trường ĐH Xây dựng TP. Hồ Chí Minh) cho rằng: Về xanh cảnh quan, đô thị này có hệ thống suối, hồ, rừng, vườn tược khá lý tưởng - và đó là những yếu tố cần được nhận diện như những vùng sinh thái đặc biệt để có thể xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành đô thị xanh độc đáo và tiêu biểu. Còn xanh về kinh tế, thì thế mạnh của Buôn Ma Thuột là công nghiệp chế biến và dịch vụ gắn với nông - lâm nghiệp, trong đó chú trọng gầy dựng, phát triển các ngành nghề dịch vụ, du lịch xanh như tham quan vườn cà phê, cắm trại trong rừng, trải nghiệm với đời sống, sinh hoạt của cộng đồng các dân tộc tại chỗ. Nói tóm lại, những vùng sinh thái xanh trong lòng thành phố này - nếu được gắn kết với nền kinh tế xanh bao bọc chung quanh, cùng với bản sắc văn hóa, kiến trúc đặc trưng bản xứ, chắc chắn sẽ tạo nên một đô thị độc đáo, đậm đà bản sắc mà không phải thành phố nào cũng sở hữu được.

KTS Nguyễn Phú Hữu (Chi hội KTS Đắk Lắk) nhìn nhận: Buôn Ma Thuột có địa hình, địa mạo phong  phú và đặc sắc; có tài nguyên nhân văn hết sức đặc trưng, được cộng đồng các dân tộc ở đây sản sinh, gìn giữ từ bao đời nay; kết hợp với khát vọng và sức bật mạnh mẽ của cư dân các vùng miền khác trên cả nước đến đây sinh cơ, lập nghiệp và hình thành thêm những giá trị văn hóa mới - nếu được kiểm soát tốt và đi theo đường hướng trên thì thành phố này sẽ có gương mặt, vóc dáng đầy thiện cảm, xứng đáng là đô thị hạt nhân vùng Tây Nguyên.

Cũng từ nhận diện cơ bản và cốt yếu này, trong tham luận tại Hội thảo khoa học “Quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị Buôn Ma Thuột” được tổ chức vào tháng 3/2017, KTS Hoàng Đạo Kính - Ủy viên Ban Chấp hành Hội KTS Việt Nam, Ủy viên Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam nhận xét: Đặc điểm nổi trội trong bức tranh kiến trúc đô thị này là đang trong quá trình mở rộng vượt tầm một đô thị hàng tỉnh, trở thành đô thị trung tâm vùng, nên một khi vươn ra các không gian mới, cần phải tuân thủ yếu tố truyền thống vốn có, kết hợp với sự sáng tạo hiện đại dựa trên đặc trưng nhân văn, cảnh quan và hình thái học đô thị nói chung mới giải quyết được thách thức trong việc “chuyển hóa mềm” các không gian đô thị hiện hữu và mới mẻ (có mật độ xây dựng đặc hay loãng) một cách nhuần nhuyễn và khoa học dựa trên những biến thái của địa hình, địa mạo gắn với kiến trúc đa dạng của từng đường phố và khu phố được xác lập.

Những mảng xanh ở hồ Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Hoàng Gia

Tổ chức, kiến tạo không gian xanh

Theo KTS Nguyễn Phú Hữu, nhờ tuân thủ ý tưởng trên nên hình thái đô thị Buôn Ma Thuột trở nên hài hòa, thân thiện hơn giữa hai chiều truyền thống và hiện đại. Diện mạo bao trùm và dễ thấy nhất ở TP Buôn Ma Thuột là những không gian xanh được cộng đồng người bản xứ kiến tạo nên hơn trăm năm trước. Trong không gian ấy, gồm rừng tự nhiên, sông suối, bến nước… là những sinh thể quan trọng, khác biệt để mỗi cộng đồng tại chỗ duy trì sự sống vốn gắn bó mật thiết với thiên nhiên. Chính trên nền tảng này mà trong quá trình đô thị hóa ở đây - từ trước đến nay đã giúp các cơ quan hoạch định chính sách dễ dàng tổ chức không gian đô thị mang tính chất miền núi đặc trưng cho Buôn Ma Thuột. Có nghĩa là những không gian xanh nói trên luôn được tôn trọng, gìn giữ như báu vật để từ đó từng bước xác lập bản sắc cho đô thị này trong quá khứ, cũng như hiện tại và tương lai.

 

Bình luận