Biểu đồ Pareto được xây dựng dựa trên học thuyết Pareto (tên của một nhà kinh tế học người Ý). Tiến sĩ Juran (Mỹ) đã ứng dụng phương pháp này vào lĩnh vực quản lý chất lượng để phân loại các vấn đề về chất lượng thành vấn đề trọng yếu và thứ yếu. Ông chỉ ra rằng, phần lớn khuyết tật và chi phí chất lượng cho các khuyết tật này xuất phát từ một số ít nguyên nhân trong số nhiều nguyên nhân.
Biểu đồ Pareto sử dụng các cột để minh họa những hiện tượng và nguyên nhân, nhóm lại các dạng như là khuyết tật, tái sản xuất, sửa chữa, khiếu nại, tai nạn và hỏng hóc. Đường gấp khúc được thêm vào để chỉ ra tần suất tích luỹ. Biểu đồ Pareto sắp xếp các dạng khuyết tật trên trục X theo tần số, số khuyết tật hoặc tổng sai lỗi và tổng tích luỹ của chúng trên trục Y.
Biểu đồ Pareto được sử dụng rộng rãi để lựa chọn các vấn đề và đối tượng nghiên cứu và khảo sát tại giai đoạn lập kế hoạch của quá trình giải quyết vấn đề về chất lượng và để xác nhận kết quả của hoạt động khắc phục khi các hành động này đã được thực hiện.
Từ biểu đồ Pareto cho thấy: Hạng mục nào quan trọng nhất; Hiểu được mức độ quan trọng; Để nhận ra tỉ lệ một số hạng mục trong số các hạng mục; Mức cải tiến đạt được sau khi thực hiện hoạt động cải tiến; Dễ dàng thuyết phục về một vấn đề nào đó khi chỉ cần nhìn trên biểu đồ.
Áp dụng biểu đồ doanh nghiệp cần thực hiện 9 bước. Bước 1, xác định vấn đề cần nghiên cứu (Ví dụ các hạng mục khuyết tật), dữ liệu cần thu thập, phương pháp và thời gian thu thập dữ liệu (Ví dụ dạng khuyết tật, vị trí, quá trình, máy móc, con người và phương pháp).
Bước 2, sắp xếp bảng dữ liệu theo các hạng mục; Bước 3, điền vào bảng tính dữ liệu và tính toán tổng số.
Bước 4, lập bảng dữ liệu cho biểu đồ Pareto theo các hạng mục, tổng số từng hạng mục, tổng số tích luỹ, phần trăm tổng thể và phần trăm tích luỹ.
Bước 5, sắp xếp các hạng mục khuyết tật theo số lượng giảm dần và điền vào bảng dữ liệu; Bước 6, vẽ trục tung và trục hoành. Trục tung: Bên trái trục tung, đánh dấu vào trục, chia từ 0 đến tổng số các khuyết tật; Bên phải trục tung, đánh dấu vào trục, chia từ 0% đến 100%. Trục hoành: Chia trục hoành thành các khoảng theo số các loại khuyết tật đã được phân loại;
Bước 7, xây dựng biểu đồ cột.
Bước 8, vẽ đường cong tích luỹ. Đánh dấu các giá trị tích lũy (tổng tích lũy hay phần trăm tích lũy) ở phía trên bên phải khoảng cách của mỗi hạng mục, nối các điểm bằng một đường cong.
Bước cuối, viết các chi tiết cần thiết trên biểu đồ. Các chi tiết liên quan tới biểu đồ: Tiêu đề, các con số quan trọng, đơn vị, tên người vẽ biểu đồ. Các hạng mục liên quan tới dữ liệu: thời gian thu thập dữ liệu, chủ đề và địa điểm nghiên cứu, tổng số dữ liệu.
Nguồn: VietQ.vn