Cần giao Thủ tướng Chính phủ chỉ định thầu
Sáng 10/6, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư 2 dự án Đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và đường vành đai 3 TP.HCM.
Phát biểu tranh luận với đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH TP.HCM tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Thân - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng Dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM là 2 công trình “để đời cho con cháu” cần giao Thủ tướng Chính phủ “cầm trịch”, nếu giao cho các địa phương sẽ dễ dẫn tới tình trạng “xôi đỗ” và không đồng nhất; đồng thời cũng nên dành nguồn vốn thích đáng cho hai dự án này, trong đó phải tìm đơn vị thiết kế có tiếng trên thế giới để thiết kế và tư vấn.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Thân, làm được hai khâu này, phần thi công sẽ đỡ hơn rất nhiều. Không cần quá vội vàng triển khai và hoàn thành dự án, có thể kéo dài nếu cần để nghiên cứu kỹ tổng thể dự án, công tác GPMB, công tác thiết kế và tư vấn.
Bên cạnh đó, khi giao cho các nhà đầu tư cần cân nhắc đến các doanh nghiệp tư nhân. Thực tế đã chứng minh nhiều doanh nghiệp tư nhân làm rất tốt, bởi nếu chúng ta có thiết kế và tư vấn tốt sẽ có cơ chế kiểm tra, kiểm soát, nhưng cũng không kiểm tra, kiểm soát quá nhiều để các đơn vị có điều kiện thời gian triển khai dự án.
Tranh luận với đại biểu Lê Hoài Trung - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế về việc cần có sự tham gia của các cơ quan bảo vệ pháp luật như công an, thanh tra, kiểm toán, vào quá trình xây dựng và triển khai 2 Dự án trên, đại biểu Lê Thanh Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau cho rằng, Nhà nước được tổ chức trên nguyên tắc có phân công kiểm soát quyền lực trên cơ sở phân định rạch ròi chức năng, nhiệm vụ của mỗi loại cơ quan. Việc tổ chức xây dựng các dự án đó là cơ quan hành chính nhà nước, trong đó có phân ra các cơ quan kiểm tra, kiểm soát nội bộ, đó là thanh tra, điều tra. Nếu như mỗi lần làm dự án lại đưa cả các cơ quan công an, thanh tra, kiểm toán vào sẽ trái với nguyên lý tổ chức vận hành của bộ máy Nhà nước và chúng ta sẽ không khắc phục được tình trạng vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, đại biểu Lê Thanh Vân đồng tình với ý kiến của đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng cần xây dựng các dự án đô thị, các khu công nghiệp trên tuyến kết nối dự án đường vành đai 3 và vành đai 4 và cho rằng, hiệu quả của đầu tư công không chỉ là về giao thông, đằng sau là địa tô chênh lệch do Nhà nước tạo ra từ hoạt động đầu tư công.
Đại biểu Lê Thanh Vân khẳng định, lâu nay chúng ta không đánh giá vấn đề này nên làm mất đi nguồn lực quan trọng thu được chênh lệch địa tô từ tác động kinh tế của dự án. Đề nghị Chính phủ cần phải song hành với việc triển khai dự án và xây dựng các dự án liên kết để khai thác quỹ đất ở hành lang của các dự án giao thông này, đặc biệt là khu công nghiệp, khu đô thị và những khu vực đất cho thuê để khai thác giá trị địa tô thu về cho ngân sách bù đắp cho chi phí làm đường.
Sứ mệnh tái cấu trúc hình thái đô thị
Đại biểu Nguyễn Phi Thường - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho biết, cả hai dự án đều đầy đủ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn và đã được phân tích rất kỹ. Tuy nhiên, về quy hoạch và hình thái đô thị vùng Thủ đô và vùng TP.HCM đều chưa phát huy được hiệu quả với hạt nhân hai siêu đô thị đang có dấu hiệu phát triển chậm lại, hụt hơi với những điểm nghẽn.
Đại biểu Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh, một trong những sứ mệnh quan trọng mang tầm chiến lược của Dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô là tái cấu trúc lại hình thái đô thị của Hà Nội và định hình sự phát triển của vùng Thủ đô với 10 tỉnh, thành. Đây không phải là bài toán riêng của vùng Thủ đô hay vùng TP.HCM gặp phải. Đây là vấn đề của rất nhiều siêu đô thị trên thế giới đều phải hình thành nên vùng Thủ đô phát triển ra đô thị vệ tinh, đưa sản xuất, tạo việc làm, hút dân cư ra ngoài.
Liên quan đến phát triển không gian mới xung quanh các vành đai cao tốc, đại biểu Nguyễn Phi Thường lưu ý cần tính toán quy hoạch không chỉ đô thị mà còn công nghiệp và đặc biệt là logistic, cảng cạn để nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế.
Đề nghị cân nhắc thêm về chỉ định thầu để đảm bảo tiến độ thì cho chỉ định thầu với các gói thầu tư vấn di dời hạ tầng kỹ thuật, bồi thường, GPMB, tái định cư.
Cần cơ chế thống nhất toàn tuyến
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Trúc Anh - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho biết, việc cấu trúc đô thị với hệ thống đường vành đai và xuyên tâm là mô hình phổ biến trên thế giới đang áp dụng. Các cấu trúc vành đai và xuyên tâm kết hợp với vùng lõi là ô bàn cờ với các tuyến xuyên tâm vành đai kết hợp các tuyến giao thông công cộng, vận chuyển hành khách lớn như Metro, BRT… Các trung tâm đô thị và các đô thị vệ tinh được bố trí theo các hệ đường vành đai và xuyên tâm kết hợp với các trung tâm lõi mạnh là tầm nhìn vào các cấu trúc của đô thị hiện đại, văn minh của các đô thị trên thế giới.
Trong vùng thành phố lớn như Thủ đô Hà Nội và TP.HCM, vành đai 3, vành đai 4 có ý nghĩa vô cùng quan trọng và cần thiết phải đầu tư ngay. Vành đai 4 - Vùng Thủ đô kết nối với các tỉnh phát triển năng động nhất trong vùng kinh tế trọng điểm như Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hà Nam và trực tiếp chạy qua Hưng Yên, Bắc Ninh và kết nối một số vùng đậm nét văn hóa, nhất là văn hóa kinh bắc với quỹ đất và không gian phát triển vô cùng tiềm năng cho phát triển du lịch, văn hóa, công nghiệp, dịch vụ và đô thị.
Đại biểu Nguyễn Trúc Anh nhấn mạnh, yếu tố quan trọng để làm nên thành công của dự án là các công trình trọng điểm, đặc biệt là các công trình qua nhiều tỉnh, vì vậy cần có một cơ chế thống nhất về đền bù, GPMB, tái định cư trên toàn tuyến.
Đặc biệt, phải có ban chỉ đạo trực tiếp quyết định các vấn đề quan trọng và đủ thẩm quyền. Theo kinh nghiệm, trong quá trình triển khai dự án sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Do đó, kiến nghị Quốc hội trao thêm quyền cho ban chỉ đạo này, với các vấn đề phát sinh mới chỉ cần báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.