Các giải pháp cân đối nhu cầu sử dụng cát sông hướng đến phát triển bền vững

07:01 28/11/2023
Theo các nhà khoa học, cần sử dụng đá nghiền, cát biển, tro xỉ thải làm vật liệu thay thế cát sông, bên cạnh đó nên thay đổi kết cấu công trình, xây dựng các công trình đường cao tốc trên cầu cạn, mở rộng giao thông đường thủy… để cân đối lại nhu cầu sử dụng nguồn cát sông.

Báo Đại đoàn kết vừa tổ chức tọa đàm “Vật liệu nào thay thế cát sông?”. Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng với nhu cầu cát ngày càng lớn cho các công trình đường cao tốc, nếu tiếp tục tình trạng khai thác cát như hiện nay sẽ gây nên các tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên như: sụt lún, sạt lở... Vì vậy, việc cần thiết phải sớm tìm ra được giải pháp và vật liệu thay thế cát sông.

Theo tính toán của các chuyên gia, với tình trạng cát ngày càng khan hiếm, nếu tăng khai thác thì vài năm sau sẽ gia tăng sạt lở nghiêm trọng, trong khi đó nhu cầu xây dựng, nhất là tại các công trình giao thông trọng điểm ngày càng tăng. Mặc dù các Bộ, ngành đã đưa ra các giải pháp, các địa phương cũng có cam kết việc đảm bảo nguồn cung cát sông cho các công trình trọng điểm cũng như quản lý việc khai thác hợp lý hơn. Tuy nhiên, đến năm 2025, ĐBSCL cần hoàn thành khoảng 400km đường cao tốc, cần tới 39 triệu m3 cát san lấp, chưa kể các công trình công cộng, công trình dân sinh khác nên nhu cầu san lấp cát là rất lớn. Nếu tiếp tục khai thác quá mức sẽ gây sạt lở, sụt lún.

Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, 2 cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 đi qua địa phương đang cần một lượng lớn cát. Tuy nhiên, lượng cát của Cần Thơ hiện tại không đủ cung cấp cho 2 dự án này, qua nghiên cứu đánh giá trữ lượng hiện nay Cần Thơ chỉ có khoảng 5,3 triệu m3, chất lượng cát tại địa phương cũng không đủ quy chuẩn để làm đường cao tốc.. Qua tìm hiểu, nghiên cứu và đưa ra giải pháp trước mắt là nhờ sự hỗ trợ của các tỉnh như An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long… để đủ vật liệu san lấp cho các công trình hiện tại.

PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Viện Dragon Mekong) - Đại học Cần Thơ cho rằng, các chuyên gia đã cảnh báo cầu tăng nhưng cung ngày càng giảm, điều này sẽ gây ra tổn thương không thể tránh khỏi. Do đó, có thể tìm ra nguồn vật liệu thay thế khác sắt thép cho các công trình, kết cấu công trình, thay vì làm nền đường cao tốc. Hay các đoạn cao tốc thiết kế cầu cạn để giảm bớt lượng cát, đồng thời cần xem xét các dự án địa phương, dự án nào sử dụng cát quá nhiều nên dừng lại hay bỏ đi…

Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, sử dụng các nguồn vật liệu khác như: Cát nhân tạo (đá nghiền), tro xỉ, sắt thép... có thể thay thế cát sông để đảm bảo cung cấp cho các công trình xây dựng. Các nhà khoa học và nhà thầu xây dựng nên tính toán để tìm giải pháp thỏa đáng.

Ông Võ Tấn Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ cát sạch Mekong cho biết, đã thử nghiệm tuyển rửa cát biển thay thế cho cát sông và phân tích chi phí theo giải pháp tuyển rửa cát biển Sóc Trăng và Trà Vinh, sau khi tuyển rửa cấp lên đến mặt bằng công trình bình quân các công đoạn thì chi phí thấp hơn cát sông vùng nước ngọt khoảng 10.000 đồng/m3 (do tạp chất khi khai thác tại mỏ cát biển ít hơn so với tạp chất của cát sông)…

Ông Tống Văn Nga, Chủ tịch Hiệp hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho rằng, cần tập trung nạo vét khai thác các cửa sông. Bởi việc sử dụng cát biển sẽ gây ra tác động tiêu cực đến môi trường biển. Ông cũng đưa ra quan điểm không muốn đắp đường bằng cát và không lấy cát để đắp đường…

Đánh giá về tính khả thi của các nguồn vật liệu, TS Trần Hữu Hiệp cho rằng, không chỉ nhìn nhận ở góc độ kinh tế tài chính, mà còn đặt quan tâm đến vấn đề môi trường. Đồng thời, công trình nghiên cứu cát sạch cần tiếp tục có chính sách, tài chính thuế để khuyến khích ứng dụng; cần công bố tiêu chuẩn Việt Nam về công trình giao thông liên quan tới tiêu chuẩn vật liệu mới.

Đặc biệt ở TP Cần Thơ, Quốc hội đã có cơ chế về việc nạo vét luồng biển Định An, như vậy nếu có tiêu chuẩn về cát biển thì nhà đầu tư mới có thể bán được sản phẩm cát biển cho các dự án sử dụng.

Bình luận