Khoa học công nghệ (KHCN) phải là khâu đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ tạo nền tảng thúc đẩy sự phát triển của những ngành mới, lĩnh vực mới, nhất là kinh tế số, xã hội số và chính phủ số. Có thể nói, Việt Nam muốn đi xa phải đi cùng KHCN. Khu công nghệ cao (KCNC) là cái nôi sản sinh trí tuệ KHCN, thử nghiệm và triển khai công nghệ mới, lần đầu đưa công nghệ mới ra thị trường.
Xuất phát từ thực tế trên, nhóm nghiên cứu của PGS.TS Đặng Thị Phương Hoa tại Viện kinh tế Việt Nam đã thực hiện đề tài: “Các giải pháp phát triển khu công nghệ cao trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0” trong thời gian từ năm 2019 đến năm 2020.
Mục tiêu của đề tài là trên cơ sở nghiên cứu thực trạng phát triển các KCNC ở Việt Nam, tham khảo kinh nghiệm phát triển KCNC quốc gia của Trung Quốc và Hàn Quốc, đề tài đề xuất một số giải pháp chính sách phát triển KCNC trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0.
Các chính sách phát triển KCNC được xây dựng dưa trên việc xác định sứ mệnh/chức năng lõi của KCNC quốc gia, xác định đối tượng của KCNC quốc gia là đi vào những loại công nghệ tiên phong nào trong bối cảnh CMCN 4.0 để đảm bảo nền kinh tế đáp ứng thời đại. Các chính sách được phân thành 2 mảng: chính sách đảm bảo mục tiêu ngắn hạn; chính sách đảm bảo các mục tiêu trung và dài hạn. Chính sách ngắn và trung hạn là những chính sách có thể triển khai ngay hoặc trong một vài năm.
Đó là chính sách đổi mới dịch vụ công, chính sách khuyến khích nghiên cứu và phát triển, thu hút và trọng dụng tài năng KHCN, thương mại hóa sản phẩm công nghệ. Các chính sách dài hạn là những chính sách đảm bảo các mục tiêu dài hạn cho KCNC, gồm chính sách quy định chức năng của các tác nhân chính trong môi trường KCNC, chính sách giáo dục đào tạo chuẩn bị nhân lực KHCN, chính sách tạo dựng quan hệ kết nối mạng lưới trong và ngoài nước.
Trong số các giải pháp đã đề xuất, cần ưu tiên áp dụng sớm hệ sinh thái 3 vòng xoắn Chính phủ - Đại học - Công nghiệp trong hoạt động của KCNC; giải pháp tăng cường truyền thông hoạt động KCNC và đẩy nhanh sự phát triển thị trường KH&CN cần gấp rút nhất. Sự vận hành và quản lý dựa trên nguyên tắc chuyên môn hóa thông minh và quản trị theo kết quả sản phẩm. Công cụ quản lý dựa phần lớn vào các ứng dụng công nghệ 4.0.
Trước mắt, khi mọi chính sách đang chưa đồng bộ, cần tăng cường nền tảng thông tin về chính sách, tiêu chí và thông lệ đánh giá khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Số liệu thống kê nghiên cứu và phát triển và các thông tin có liên quan khác cần được xây dựng chuyên nghiệp, tương thích với quốc tế. Việc đánh giá chính sách KHCN cần được thực hiện một cách hiệu quả, kịp thời, minh bạch và khả thi. Kết quả đánh giá được truyền thông sẽ giúp đưa ra chính sách hiệu quả hơn, minh hoạ rõ nét lợi ích kinh tế và xã hội của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; và việc trao các phần thưởng danh giá cũng sẽ tạo thêm sự quan tâm của công chúng đối với lĩnh vực này.
Cần tăng cường nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo một cách chuyên nghiệp. Giáo dục đào tạo theo hướng đổi mới và giáo dục kỹ năng cần được đưa vào chương trình giáo dục phổ cập thay vì chỉ giáo dục lý thuyết. Quan hệ đối tác công tư cũng sẽ khuyến khích doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào quá trình phát triển nguồn nhân lực quốc gia. Cần khuyến khích doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước và các tập đoàn đa quốc gia, tăng cường đầu tư vào dạy nghề nhằm tài trợ cho những chương trình đào tạo theo nhu cầu và tham gia vào quá trình thiết kế, xây dựng giáo trình và chương trình.
Nguồn: vista.gov.vn