Các lưu ý về chế định nhà tư vấn theo Hợp đồng FIDIC khi áp dụng tại Việt Nam

Chủ đầu tư và nhà thầu có thể gặp những những bối rối và khó khăn nhất định khi sử dụng mẫu Hợp đồng FIDIC. Bài viết đưa ra một số lưu ý và gợi mở để việc sử dụng các mẫu Hợp đồng FIDIC tại Việt Nam được thuận lợi hơn.
Các lưu ý về chế định nhà tư vấn theo Hợp đồng FIDIC khi áp dụng tại Việt Nam
Ảnh minh họa

Đặt vấn đề

Nhà tư vấn là một chủ thể được đề cập tại mẫu hợp đồng xây dựng được ban hành bởi Hiệp hội Quốc tế các Kỹ sư tư vấn (gọi tắt là “FIDIC”), một tổ chức xã hội nghề nghiệp của tất cả các kỹ sư tư vấn trên toàn thế giới.

Theo tinh thần của các mẫu Hợp đồng FIDIC, nhà tư vấn không chỉ hành động như là người đại diện của chủ đầu tư mà còn giữ vai trò như một người trung lập đưa ra các quyết định quản lý hợp đồng một cách công bằng. Pháp luật Việt Nam không có quy định tương tự về một chủ thể có vai trò và vị trí như nhà tư vấn theo FIDIC.

Vì vậy, khi sử dụng mẫu Hợp đồng FIDIC, chủ đầu tư và nhà thầu có thể gặp những những bối rối và khó khăn nhất định. Bài viết này sẽ đưa ra một số lưu ý và gợi mở để việc sử dụng các mẫu Hợp đồng FIDIC tại Việt Nam được thuận lợi hơn. 

1. Nhà tư vấn theo quy định của các mẫu Hợp đồng FIDIC

Nhà tư vấn là chế định được đề cập tại Điều kiện hợp đồng xây dựng cho công trình xây dựng và kỹ thuật do chủ đầu tư thiết kế (“Sách Đỏ”) và Điều kiện hợp đồng xây dựng dùng cho các nhà máy cơ và điện và các công trình xây dựng và kỹ thuật do nhà thầu thiết kế (“Sách Vàng”) và không được đề cập đến trong Điều kiện hợp đồng xây dựng dự án EPC/chìa khóa trao tay.

Do vậy, bài viết này chỉ đề cập đến nhà tư vấn theo quy định của Sách Đỏ và Sách Vàng ở cả hai phiên bản 1999 và 2017. Vì nội dung liên quan đến nhà tư vấn trong Sách Đỏ và Sách Vàng tại các phiên bản 1999 và 2017 đều gần tương tự nhau nên bài viết sẽ tập trung nghiên cứu và phân tích quy định tại Sách Đỏ và Sách Vàng phiên bản 1999 (sau đây gọi chung là “FIDIC 1999”), và chỉ đề cập đến Sách Đỏ và Sách Vàng phiên bản 2017 (sau đây gọi chung là“FIDIC 2017”) nếu có sự khác biệt cơ bản về nội dung. 

Nhà tư vấn được định nghĩa tại Điều 1.1.2.4 FIDIC 1999 như sau: “Nhà tư vấn là người được chủ đầu tư chỉ định là nhà tư vấn nhằm thực hiện mục đích của Hợp đồng và được gọi như vậy trong Phụ lục của Hồ sơ dự thầu, hoặc người khác được chủ đầu tư chỉ định theo từng thời gian và báo cho nhà thầu theo Khoản 3.4 [Thay thế nhà tư vấn].” Ngoài ra, nhà tư vấn còn được liệt kê là một trong các nhân lực của chủ đầu tư trong các mẫu của Hợp đồng FIDIC. 

Hợp đồng FIDIC không quy định cụ thể về điều kiện để trở thành nhà tư vấn mà nêu một cách chung là những kỹ sư/chuyên gia có trình độ phù hợp để thực hiện các nhiệm vụ được nêu trong hợp đồng.

Theo quan điểm của tác giả, với vị trí là một mẫu hợp đồng xây dựng được áp dụng trên toàn thế giới, nếu FIDIC ấn định điều kiện cụ thể để trở thành nhà tư vấn theo FIDIC thì sẽ gây ra những khó khăn cho các bên trong việc áp dụng mẫu hợp đồng này.

Bởi vì, pháp luật mỗi quốc gia có các quy định riêng về điều kiện cần đáp ứng đối với nhà tư vấn. Theo đó, nhà tư vấn là nhân sự của chủ đầu tư, do đó, chủ đầu tư sẽ căn cứ vào quy định pháp luật của quốc gia mình để lựa chọn nhà tư vấn đủ điều kiện, trình độ để bảo đảm việc thực hiện các công việc của nhà tư vấn theo hợp đồng có hiệu quả.  

Nhà tư vấn theo các mẫu Hợp đồng FIDIC giữ vị trí rất quan trọng trong việc thực hiện và vận hành hợp đồng xây dựng giữa chủ đầu tư và nhà thầu, cụ thể được nêu tại các điều khoản sau của các mẫu Hợp đồng FIDIC (bảng 1): 

2. Các chủ thể tương đương nhà tư vấn theo pháp luật Việt Nam 

Để thực hiện một dự án đầu tư xây dựng ngoài chủ đầu tư và nhà thầu, pháp luật Việt Nam có quy định một số chủ thể khác thực hiện các vai trò khác nhau trong quá trình thực hiện dự án như (i) nhà thầu khảo sát xây dựng, (ii) nhà thầu thiết kế xây dựng, (iii) nhà thầu tư vấn lập dự án, (iv) nhà thầu quản lý dự án đầu tư xây dựng (“tư vấn quản lý dự án”), (v) nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình (“tư vấn giám sát”),… Xem xét vai trò của nhà tư vấn theo hợp đồng FIDIC, tác giả cho rằng chủ thể theo pháp luật Việt Nam có thể đóng vai trò tương tự như nhà tư vấn theo FIDIC bao gồm cả tư vấn quản lý dự án và tư vấn giám sát (Sau đây gọi chung là “bên thứ ba”).

Thứ nhất, về tư vấn quản lý dự án 

Tư vấn quản lý dự án là tổ chức, cá nhân ký kết hợp đồng tư vấn quản lý dự án với chủ đầu tư, có đủ điều kiện năng lực hoạt động xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng 20141 để thực hiện một, một số hoặc toàn bộ công việc quản lý dự án. Tổ chức tham gia hoạt động tư vấn quản lý dự án xây dựng phải đáp ứng đáp ứng các điều kiện tương ứng với các hạng năng lực I, II và III theo quy định tại Điều 94 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP2.

Nội dung quản lý dự án bao gồm: quản lý về phạm vi, kế hoạch công việc; khối lượng công việc; chất lượng xây dựng; tiến độ thực hiện; chi phí đầu tư xây dựng; an toàn trong thi công xây dựng; bảo vệ môi trường trong xây dựng; lựa chọn nhà thầu và hợp đồng xây dựng; quản lý rủi ro; quản lý hệ thống thông tin công trình và các nội dung cần thiết khác được thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng 2014. Tùy theo nội dung hợp đồng ký kết với chủ đầu tư, Tư vấn Quản lý dự án có thể thực hiện một hoặc tất cả các công việc quản lý dự án nêu trên. 

Thứ hai, về tư vấn giám sát 

Tư vấn giám sát là tổ chức, cá nhân ký kết hợp đồng giám sát thi công với chủ đầu tư để thực hiện việc giám sát thi công công trình xây dựng. Tổ chức tham gia hoạt động tư vấn giám sát thi công xây dựng phải đáp ứng các điều kiện tương ứng với các hạng năng lực I, II và III được quy định tại Điều 96 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP. 

Nội dung thực hiện giám sát thi công xây dựng công trình theo quy định tại Điều 19.1 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP3 như: Kiểm tra sự phù hợp năng lực của nhà thầu thi công xây dựng công trình so với hồ sơ dự thầu và hợp đồng xây dựng, bao gồm: nhân lực, thiết bị thi công, phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng, hệ thống quản lý chất lượng của nhà thầu thi công xây dựng công trình; kiểm tra và chấp thuận vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình; giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý an toàn trong thi công xây dựng công trình; giám sát các biện pháp đảm bảo an toàn đối với công trình lân cận, công tác quan trắc công trình; đề nghị chủ đầu tư tổ chức điều chỉnh thiết kế khi phát hiện sai sót, bất hợp lý về thiết kế; yêu cầu nhà thầu tạm dừng thi công khi xét thấy chất lượng thi công xây dựng không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, biện pháp thi công không đảm bảo an toàn, vi phạm các quy định về quản lý an toàn lao động làm xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động; kiểm tra, đánh giá kết quả thí nghiệm kiểm tra vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng trong quá trình thi công xây dựng và các tài liệu khác có liên quan phục vụ nghiệm thu; kiểm tra và xác nhận bản vẽ hoàn công; tổ chức thí nghiệm đối chứng, kiểm định chất lượng bộ phận công trình, hạng mục công trình, công trình xây dựng theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP; thực hiện các công tác nghiệm thu theo quy định tại các Điều 21, 22, 23 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP; kiểm tra và xác nhận khối lượng thi công xây dựng hoàn thành. 

3. Các lưu ý về chế định nhà tư vấn theo các mẫu Hợp đồng FIDIC khi áp dụng tại Việt Nam

Thứ nhất, nhà tư vấn theo FIDIC là chủ thể thực hiện vai trò của nhiều chủ thể khác nhau theo quy định của pháp luật Việt Nam

Như đã đề cập ở trên, theo quy định của pháp luật Việt Nam không có một chủ thể nào cùng lúc đảm nhận vị trí, vai trò rộng lớn và bao trùm như nhà tư vấn theo FIDIC 1999 và FIDIC 2017. Do đó, chủ đầu tư, nhà thầu muốn sử dụng mẫu Hợp đồng FIDIC để ký kết thực hiện xây dựng công trình xây dựng tại Việt Nam cần đặc biệt lưu ý về vấn đề này, tránh trường hợp các bên có thể cho rằng nhà tư vấn hoặc chỉ là tư vấn quản lý dự án hoặc chỉ là tư vấn giám sát.

Khi nhận định như vậy, các bên có thể cho rằng nhà tư vấn chỉ cần đáp ứng đủ điều kiện của hoặc là tư vấn quản lý dự án hoặc tư vấn giám sát khiến cho việc vận hành hợp đồng, chuẩn bị và hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu, hoàn công chưa bảo đảm đủ điều kiện theo quy định pháp luật Việt Nam.

Ví dụ, Điều 120.1 Luật Xây dựng 2014 quy định: Công trình xây dựng phải được giám sát về chất lượng, khối lượng, tiến độ, an toàn lao động và bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng. Như vậy, việc tham gia của Tư vấn Giám sát là bắt buộc theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Khi sử dụng mẫu hợp đồng FIDIC, nếu chủ đầu tư cho rằng nhà tư vấn chỉ là có vai trò như tư vấn quản lý dự án và chỉ yêu cầu tư vấn quản lý dự án đáp ứng các điều kiện của tư vấn quản lý dự án theo quy định của pháp luật Việt Nam mà thực tế là nhà tư vấn lại thực hiện cả các chức năng của tư vấn giám sát.

Khi đó, dự án xây dựng có rủi ro không thể được nghiệm thu và đưa vào sử dụng được (tất nhiên trừ trường hợp chủ đầu tư đủ điều kiện để thực hiện vai trò của tư vấn giám sát), bởi vì, Biên bản nghiệm thu yêu cầu phải có chữ ký của tư vấn giám sát theo Điều 23.7(b) Nghị định số 06/2021/NĐ-CP. 

Do đó, theo quan điểm của tác giả, đối chiếu với pháp luật Việt Nam, nhà tư vấn khi thực hiện nhiệm vụ, vai trò của mình theo mẫu Hợp đồng FIDIC sẽ thực hiện vai trò, vị trí của tư vấn quản lý dự án và tư vấn giám sát, có thể lấy một vài ví dụ như sau:

- Theo FIDIC, nhà tư vấn thực hiện phê duyệt chương trình tiến độ do nhà thầu đệ trình (Điều 8.3 FIDIC 1999 và FIDIC 2017) hay gia hạn thời gian hoàn thành (Điều 8.4 FIDIC 1999 và Điều 8.5 FIDIC 2019) thuộc nội dung quản lý dự án đầu tư xây dựng về kế hoạch công việc và tiến độ thực hiện như được nêu tại Điều 66.1 Luật Xây dựng 2014;

- Theo FIDIC, nhà tư vấn thực hiện kiểm định về khối lượng (Điều 7.3 FIDIC 1999 và FIDIC 2017) hay nghiệm thu công trình và hạng mục công trình (Điều 10.1 FIDIC 1999 và FIDIC 2017) thuộc nội dung giám sát thi công công trình xây dựng cụ thể là thực hiện các công tác nghiệm thu; kiểm tra và xác nhận khối lượng thi công xây dựng hoàn thành được quy định tại Điều 19.1 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP.

Vì vậy, chủ đầu tư có thể sẽ ký hợp đồng với tư vấn quản lý dự án và tư vấn giám sát và bổ nhiệm họ thành nhà tư vấn của hợp đồng. Khi cần thực hiện nghĩa vụ của nhà tư vấn mà tương ứng với nghĩa vụ của nhà thầu nào thì nhà thầu đó sẽ thực hiện các nghĩa vụ tương ứng.

Phương án này cũng phù hợp với cách tiếp cận tại Điều 13 [Quyền và nghĩa vụ của nhà thầu tư vấn (áp dụng đối với trường hợp chủ đầu tư ký hợp đồng thuê tư vấn quản lý dự án)] và Điều 14 [Quyền và nghĩa vụ của nhà thầu tư vấn (áp dụng đối với trường hợp chủ đầu tư ký hợp đồng thuê tư vấn giám sát thi công xây dựng)] trong mẫu hợp đồng thi công xây dựng được ban hành kèm theo Thông tư số 02/2023/TT-BXD.

Ngoài ra, đối với các dự án không thuộc trường hợp bắt buộc phải thực hiện thủ tục đấu thầu theo quy định của pháp luật đấu thầu, chủ đầu tư cũng có thể chỉ định nhà tư vấn là một tổ chức, theo đó, tổ chức này sẽ đáp ứng đủ điều kiện là tư vấn quản lý dự án và tư vấn giám sát theo quy định của pháp luật Việt Nam4

Thứ hai, mối quan hệ giữa nhà tư vấn - chủ đầu tư và bên thứ ba - chủ đầu tư

Tại các mẫu Hợp đồng FIDIC đều quy định chủ đầu tư phải chỉ định nhà tư vấn, là người sẽ thực hiện các nhiệm vụ được giao trong hợp đồng. Ngoài ra, không có quy định nào về việc chủ đầu tư có thể trực tiếp là nhà tư vấn hay không. Trong các bản hướng dẫn chính thức của FIDIC cũng không có quy định cụ thể về vấn đề này.

Thực tế vấn đề này cũng có nhiều quan điểm khác nhau giữa các học giả trên thế giới khi nghiên cứu về các mẫu hợp đồng FIDIC. Theo quan điểm của hai tác giả Axel-Volkmar Jaeger và Dr. Gotz - Sebastian Hok tại sách “FIDIC - A Guide for Practitioners” (tạm dịch “FIDIC - Sách hướng dẫn cho Luật sư hành nghề”) cho rằng: Tòa án trọng tài ICC đã xét xử trong một vụ việc liên quan đến việc thay thế một nhà tư vấn độc lập bằng một nhà tư vấn thuộc bộ phận chuyên môn của chủ đầu tư (là một Nhà nước), điều này dẫn đến việc hợp đồng không thể thực hiện được.

Vì vậy, các quyết định của nhà tư vấn này đã không ràng buộc các bên trong hợp đồng. Do đó, vụ việc này đưa ra chỉ dẫn rõ ràng để ủng hộ quan điểm rằng việc chủ đầu tư và nhà tư vấn không thể xuất phát từ cùng một tổ chức (Nhấn mạnh được thêm vào).

Tuy nhiên, trong vụ này, điều kiện hợp đồng FIDIC bao gồm một điều khoản rõ ràng về tính công bằng5. Trong khi đó, theo quan điểm của nhóm tác giả mà đứng đầu là ông Ellis Baker được nêu tại sách “FIDIC Contract - Law and Practice” (tạm dịch “Hợp đồng FIDIC - Luật và Thực tiễn”) lại cho rằng: Mặc dù việc áp dụng vai trò kép của người quản lý hợp đồng như được quy định trong các mẫu FIDIC đã được thiết lập và chấp nhận trong các hệ thống pháp lý thông luật, cần lưu ý rằng việc chấp nhận vai trò này không phải là phổ biến và có thể gây ra khó khăn, đặc biệt nếu người ta dự đoán rằng nhà tư vấn hoặc đại diện của chủ đầu tư có thể là nhân viên của chủ đầu tư 6 (Nhấn mạnh được thêm vào).

Trong khi đó pháp luật Việt Nam quy định rất rõ ràng rằng chủ đầu tư nếu đáp ứng đủ điều kiện thì có thể đảm nhận vị trí của tư vấn quản lý dự án (Điều 66.2 Luật Xây dựng 2014) và tư vấn giám sát (Điều 121.1(a) Luật Xây dựng 2014).

Theo đó, chủ đầu tư cũng có thể đảm nhận một phần công việc của tư vấn quản lý dự án và một phần công việc của tư vấn giám sát và chỉ ký kết hợp đồng giao cho các chủ thể này một phần công việc quản lý dự án hoặc giám sát thi công.

Do đó, theo quy định pháp luật Việt Nam không nhất thiết phải lúc nào cũng có sự hiện diện của nhà tư vấn/bên thứ ba độc lập nếu chủ đầu tư đáp ứng đủ các điều kiện để làm bên thứ ba theo quy định của pháp luật. 

Do đó, mặc dù Điều 3.5 FIDIC 1999 và Điều 3.7 FIDIC 2017 quy định về việc trường hợp nếu các bên có những mâu thuẫn, bất đồng mà Nhà tư vấn không thể trao đổi với các bên để đạt được thỏa thuận thì nhà tư vấn phải đưa ra một quyết định khách quan theo hợp đồng, tuy nhiên đa phần các quyết định của nhà tư vấn khó có thể thực sự bảo đảm được tính khách quan, công bằng cho các bên trong hợp đồng.

Nhận thức thực tế này, các nhà thầu nên có tư duy đúng đắn trong quá trình thực hiện hợp đồng, đó là trong mối quan hệ với nhà tư vấn cần xem xét nhà tư vấn là nhân sự của chủ đầu tư hành động vì mục đích bảo đảm quyền lợi của chủ đầu tư hơn là bên thứ ba trung lập đưa ra quyết định các vấn đề bất đồng/mâu thuẫn (nếu có) giữa chủ đầu tư và nhà thầu như tinh thần của các mẫu Hợp đồng FIDIC. 

Thứ ba, nhà tư vấn trong FIDIC có quyền giải thích và làm rõ một số nội dung của hợp đồng trong khi bên thứ ba theo pháp luật Việt Nam không có quy định rõ ràng về vấn đề này. 

Theo quy định của Điều 1.5 FIDIC 1999 và FIDIC 2017, nhà tư vấn được các bên trao quyền giải thích hoặc chỉ dẫn nếu có sự không rõ ràng hoặc không nhất quán trong các tài liệu hợp đồng. Tuy nhiên, theo pháp luật Việt Nam không có quy định cụ thể nào trao cho bên thứ ba quyền giải thích hợp đồng như trong các mẫu Hợp đồng của FIDIC, bao gồm cả mẫu hợp đồng thi công xây dựng được ban hành theo Thông tư số 02/2023/TT-BXD. 

Trường hợp, có sự không nhất quán trong các tài liệu hợp đồng, các bên tuân theo quy định của mẫu Hợp đồng FIDIC yêu cầu nhà tư vấn giải thích hoặc chỉ dẫn thì sự chỉ dẫn, giải thích này có được công nhận hiệu lực theo quy định của pháp luật Việt Nam hay không.

Bởi vì, đặc thù của pháp luật Việt Nam, chủ đầu tư có thể đóng vai trò của bên thứ ba hay nói cách khác vừa là tư vấn quản lý dự án vừa là tư vấn giám sát. Do đó, nếu bên thứ ba có quyền này có thể gây bất lợi cho nhà thầu. 

Theo quan điểm của tác giả, nếu một trong các bên có khiếu nại/tranh chấp về việc giải thích, chỉ dẫn của nhà tư vấn thì hiệu lực của việc giải thích, chỉ dẫn của nhà tư vấn có thể xác định như sau:

- Thứ nhất, nhà tư vấn đưa ra giải thích và chỉ dẫn thực hiện được cả chủ đầu tư và nhà thầu chấp nhận và thực hiện theo. Khi đó, giải thích, chỉ dẫn của nhà tư vấn được thực hiện đó sẽ xem như chủ đầu tư và nhà thầu thỏa thuận thống nhất làm rõ sự không nhất quán trong tài liệu đó. 

- Thứ hai, nhà tư vấn đưa ra giải thích và chỉ dẫn thực hiện nhưng một trong hai bên hoặc cả hai bên không đồng thuận thì khi đó việc giải thích sự không nhất quán đó áp dụng thứ tự tài liệu ưu tiên theo Điều 1.5 mẫu Hợp đồng FIDIC, trường hợp nếu vẫn chưa thể làm rõ được thì tuân theo các nguyên tắc giải thích hợp đồng được nêu tại Điều 404 Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13, có hiệu lực ngày 01/01/2017.

 

1 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành có hiệu lực ngày 01/01/2015 và được sửa đổi bổ sung bởi Luật số 62/2020/QH14 có hiệu lực ngày 01/01/2021 (Sau đây gọi chung là “Luật Xây dựng 2014”).
2 Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định chi tiết về một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng có hiệu lực ngày 03/03/2021 (“Nghị định số 15/2021/NĐ-CP”).
3 Nghị định 06/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng có hiệu lực ngày 26/01/2021 (“Nghị định số 06/2021/NĐ-CP”).
4 Theo Điều 3.2(a) Nghị định 24/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số Điều và Biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn Nhà thầu có hiệu lực ngày 27/02/2024, nhằm bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu thì nhà thầu tham dự thầu gói thầu dịch vụ tư vấn phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các nhà thầu tư vấn khác mà có phần công việc liên quan trực tiếp tới gói thầu. Theo Điều 3.24 Luật Xây dựng 2014, quản lý dự án và giám sát thi công đều là thuộc hoạt động tư vấn đầu tư xây dựng. Do đó, đối với dự án thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật về đấu thầu thì Tư vấn Quản lý dự án và Tư vấn Giám sát phải độc lập về tài chính và pháp lý với nhau.  
5 Nội dung tiếng anh cụ thể như sau: “The ICC arbitration court has held in a case concerning the replacement of an independent engineer by an engineer belonging to the service department of the employer (who was in fact a state), that this amounted to frustration of contract. Thus the determinations of the engineer were not binding (Glavinis 1993, note 500). Hence this case provides strong indications to support the view that it is not acceptable for the employer and the engineer to stem from the same organisation. However, in this case the FIDIC conditions included an expressed clause of impartiality.” (tại trang 222, chương 10 về nhà tư vấn [Engineer] của sách “FIDIC- Guide for Practitioners” (tạm dịch “FIDIC - Hướng dẫn cho Người thực hành”) xuất bản năm 2010).
6 Nội dung tiếng anh cụ thể như sau: “Although the application of the dual role of the contract administrator as envisaged by the FIDIC forms is established and accepted in common law jurisdictions, it must be noted that its acceptance is not universal and may give rise to difficulties, particularly if it is anticipated that the Engineer or Employer’s Representative may be an employee of the Employer.”(tại mục 6.91, trang 288 chương về Người quản lý hợp đồng và các yêu cầu [Contract Administration and Claims]) của sách “FIDIC Contract - Law and Practice” (tạm dịch “Hợp đồng FIDIC - Luật và Thực tiễn”), xuất bản năm 2009.)

Bình luận