Các nước chưa bắt kịp tốc độ phát triển của năng lượng mặt trời

16:50 12/11/2024
Một năm sau khi cam kết tăng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo, mục tiêu của các Chính phủ vẫn không thay đổi, dù triển vọng của năng lượng mặt trời đã tăng lên.
Các nước chưa bắt kịp tốc độ phát triển của năng lượng mặt trời
Ảnh minh hoạ. Nguồn: ITN.

Một báo cáo mới phát hành ngày 12/11, từ Tổ chức nghiên cứu năng lượng Ember - một nhóm nghiên cứu năng lượng với mục tiêu đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch bằng dữ liệu và chính sách đến từ Anh cho thấy, một năm sau khi mục tiêu toàn cầu nhằm tăng gấp 3 lần năng lượng tái tạo được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh COP28, các mục tiêu quốc gia của các Chính phủ vẫn gần như không thay đổi, chỉ đủ để đạt mức tăng hơn gấp đôi công suất năng lượng tái tạo toàn cầu vào năm 2030.

Để đạt mục tiêu, cần lắp đặt thêm 3.758 GW

Trong thời gian này, triển vọng của năng lượng mặt trời đã cải thiện, dẫn đến các dự báo thị trường năng lượng tái tạo vào năm 2030 được nâng cấp.

Tại COP28, hơn 130 quốc gia đã ký cam kết đóng góp để tăng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo toàn cầu và tăng gấp đôi tốc độ cải thiện hiệu quả năng lượng trung bình hàng năm vào năm 2030.

Tuy nhiên, đến tháng 10/2024, chỉ có 8 quốc gia cập nhật mục tiêu năng lượng tái tạo của họ, với tổng công suất tăng thêm toàn cầu chỉ 4 GW.

Tổng cộng các mục tiêu năng lượng tái tạo quốc gia cho năm 2030 hiện đạt 7.242 GW, tăng 2,1 lần so với công suất 3.379 GW ghi nhận vào năm 2022.

Để đạt được mục tiêu tăng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo toàn cầu, cần lắp đặt thêm 3.758 GW công suất vào năm 2030.

Như vậy, các Chính phủ vẫn chưa bắt kịp tốc độ phát triển của năng lượng mặt trời, dù sự tăng trưởng ấn tượng của nó đã khiến các tổ chức hàng đầu điều chỉnh lại dự báo của họ.

Các dự báo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) trong 12 tháng qua cho năm 2030 đã được nâng cấp 22%, với tổng công suất điện mặt trời năm 2030 hiện vừa đủ vượt mức tăng gấp 5 lần cần thiết để đạt mục tiêu tăng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo toàn cầu.

So sánh với phân tích của Ember, mục tiêu năng lượng mặt trời cho năm 2030 của các quốc gia chỉ đạt 3.011 GW, chỉ tăng 2,5 lần so với công suất năng lượng mặt trời năm 2022.

Đối với năng lượng gió, mục tiêu quốc gia tổng cộng chỉ đủ để tăng gấp đôi công suất vào năm 2030.

Các dự báo cho thấy, công suất năng lượng gió toàn cầu vào năm 2030 sẽ đạt khoảng 2.100 GW, tương đương với tổng mục tiêu hiện tại của các quốc gia, nhưng thấp hơn mức tăng gấp 3 lần cần thiết để đạt được mục tiêu toàn cầu.

Cần hành động nhanh, tăng hiệu quả công nghệ

Báo cáo của Ember cũng đã phân tích các mục tiêu công suất năng lượng tái tạo quốc gia cho năm 2030 của 96 quốc gia và EU với tư cách là một khối.

Các quốc gia này chiếm 96% công suất năng lượng tái tạo toàn cầu, 95% nhu cầu của ngành điện và 94% lượng phát thải của ngành năng lượng toàn cầu.

Trong số 96 quốc gia này, 83 quốc gia có mục tiêu công suất năng lượng tái tạo cho năm 2030.

Các khu vực chính trên thế giới bao gồm: Trung Đông và Bắc Phi (MENA), châu Phi hạ Sahara, Á - Âu, Mỹ Latinh và châu Á có khoảng cách lớn giữa mục tiêu khu vực tổng thể và những gì cần thiết để đạt được mục tiêu tăng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030.

Trong khi các quốc gia đã cam kết tăng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo toàn cầu tại COP28, Chủ tịch của COP29 sắp tới đã đặt ra tầm nhìn cho mục tiêu toàn cầu là tăng công suất lưu trữ năng lượng lên gấp 6 lần so với năm 2022, đạt 1.500 GW vào năm 2030, được G7 ủng hộ hồi đầu năm nay.

Báo cáo của Ember cũng cho thấy, chỉ có 30 trong số 96 quốc gia được đánh giá có một số dạng mục tiêu lưu trữ quốc gia.

Tổng các mục tiêu lưu trữ cho năm 2030 của họ đạt 284 GW, thấp hơn 1.216 GW so với mục tiêu lưu trữ toàn cầu là 1.500 GW, và thấp hơn 492 GW so với dự báo thị trường của Bloomberg NEF cho năm 2030.

Theo Ember, để đạt được mục tiêu tăng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo cần có hành động nhanh chóng. Trong đó, tốc độ của thị trường, giá thành giảm và hiệu quả công nghệ tăng của năng lượng tái tạo nên là cơ sở để các Chính phủ tự tin nâng cao tham vọng và cập nhật mục tiêu của mình.

COP29 và bản cập nhật Đóng góp do quốc gia tự xác định (NDC) vào năm 2025 tới là cơ hội lý tưởng để thu hẹp khoảng cách giữa mục tiêu quốc gia hiện tại và những gì cần thiết để đạt được hoặc vượt qua mục tiêu tăng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo toàn cầu.

Bình luận