Các trường đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực cho dự án đường sắt tốc độ cao

09:59 28/03/2025
Dự án ĐSTĐC trục Bắc - Nam dự kiến cần tới hàng trăm nghìn kỹ sư, công nhân kỹ thuật để phục vụ công tác xây dựng, vận hành. Hiện nay, công tác đào tạo, liên kết đào tạo nguồn nhân lực đang được các trường đại học gấp rút thực hiện để đáp ứng nhu cầu lao động khi dự án ĐSTĐC đi vào triển khai.
Trường Đại học Giao thông vận tải và Công ty CP Tư vấn công nghệ, thiết bị và Kiểm định xây dựng - CONINCO liên kết đào tạo kỹ sư ngành kỹ thuật xây dựng công trình giao thông chuyên ngành đường sắt.

Nhu cầu nguồn nhân lực rất lớn

Dự án đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) Bắc - Nam đòi hỏi kỹ thuật cao, sử dụng nhiều máy móc hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng. ĐSTĐC khác với đường sắt thông thường, lực lượng công nhân kỹ thuật, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ phải chuẩn xác trong quá trình nghiên cứu và thực hiện, không được phép sai sót.

Theo tính toán của Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (nay là Học viện Chiến lược, Bồi dưỡng cán bộ xây dựng) của Bộ Xây dựng, nhu cầu nhân lực cần khoảng trên 250.000 lao động phục vụ đầu tư xây dựng, vận hành ĐSTĐC. Phần lớn nguồn nhân lực yêu cầu phải có tay nghề cao, gồm nhiều ngành như: Cơ khí chế tạo, tự động hóa, công nghệ ĐSTĐC, công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, công nghệ BIM trong xây dựng công trình, giao thông thông minh, công nghệ vi mạch bán dẫn, công nghiệp xây dựng và chế tạo các loại vật liệu cần thiết cho việc xây dựng đường sắt (bê tông, thép, các cấu kiện hạ tầng như cầu, cống, đường hầm).

Cập nhật chương trình đào tạo hiện đại

Thời gian qua, các trường đại học không ngừng hoàn thiện, cập nhật chương trình đào tạo theo yêu cầu thực tiễn của ngành và xu hướng quốc tế, đảm bảo cập nhật thông tin mới và phù hợp với xu hướng phát triển của hệ thống đường sắt hiện đại. Đồng thời, chú trọng mở rộng và nâng cao chất lượng các ngành nghề, phát triển đội ngũ giảng viên, đầu tư vào cơ sở vật chất và đổi mới phương pháp giảng dạy, tạo nền tảng vững chắc cho đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Hiện nay, Trường Đại học GTVT là cơ sở duy nhất tại Việt Nam đào tạo đại học và sau đại học đầy đủ 5 chuyên ngành đường sắt. Để đáp ứng nhu cầu thực tiễn nguồn nhân lực cho dự án ĐSTĐC trên trục Bắc - Nam và đường sắt đô thị, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng Trường Đại học GTVT cho biết, là cơ sở đào tạo đại học và sau đại học, nghiên cứu các chuyên ngành đường sắt. Nhà trường có đội ngũ giảng viên, nhà khoa học được đào tào bài bản trong và ngoài nước của 5 lĩnh vực chuyên ngành đường sắt; cùng với đó là đội ngũ giảng viên chuyên ngành gần, có khả năng chuyển sang giảng dạy về đường sắt khi cần thiết.

Những năm qua, Trường Đại học GTVT chủ động xây dựng về chiến lược đào tạo, tham khảo và tiếp thu những mô hình đào tạo tiên tiến từ châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc; tích hợp công nghệ 4.0, IoT, trí tuệ nhân tạo (AI)... giải mã các công nghệ cốt lõi trong lĩnh vực đường sắt. Bên cạnh đó, trong kết cấu chương trình đào tạo tăng cường thời lượng thực tập, thí nghiệm và thực nghiệm. Thời gian qua, Nhà trường đã cử nhiều đoàn giảng viên đi học tập tại các nước có hệ thống đường sắt phát triển để cập nhật kiến thức mới.

Các trường đang đẩy mạnh liên kết đào tạo nguồn nhân lực cho dự án đường sắt tốc độ cao.

Với vai trò là trường đại học lớn đào tạo nhân lực hàng đầu về kỹ sư xây dựng, kỹ sư cầu đường… những năm qua, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã trực tiếp và cử nhiều đoàn công tác đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và châu Âu để tìm hiểu về ĐSTĐC. Để tận dụng tối ưu các lợi thế sẵn có, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế, học hỏi từ các quốc gia tiên tiến và tiếp thu những bài học thực tiễn từ các dự án tương tự, cùng với đó sẽ tạo ra các chương trình đào tạo chuyên sâu kết hợp thực tiễn doanh nghiệp, giúp sinh viên và người học nắm vững kiến thức cũng như kỹ năng cần thiết.

Chia sẻ chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cho dự án ĐSTĐC, PGS.TS Hoàng Tùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện tại Nhà trường đã và đang cử nhiều giảng viên được cử đi đào tạo trực tiếp theo đúng các chuyên ngành về ĐSTĐC tại Đại học Giao thông Tây Nam (Trung Quốc). Bên cạnh đó, cũng có một số giáo viên được đào tạo tại Pháp, Nhật Bản…, việc chuẩn bị nhân lực cho hoạt động giảng dạy đã được chủ động từ nhiều năm trước. Về giáo trình giảng dạy liên quan đến ĐSTĐC, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội chủ động dùng tài liệu của nước ngoài và biên soạn chỉnh sửa cho phù hợp.

Bên cạnh đó, Trường Đại học Công nghệ GTVT, Trường Đại học GTVT TP Hồ Chí Minh… cũng đang đẩy mạnh đào tạo, liên kết với doanh nghiệp đào tạo các chuyên ngành đường sắt để phục vụ cho dự án ĐSTĐC.  

Trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án ĐSTĐC trên trục Bắc - Nam đã tính toán chi phí cho đào tạo, phát triển nguồn nhân lực khoảng 486 triệu USD, bao gồm: 340 triệu USD để đào tạo 13.880 nhân sự quản lý, vận hành, bảo trì; 8 triệu USD để đào tạo 700 nhân sự cho cơ quan quản lý dự án; 8 triệu USD để đào tạo nhân sự cho các cơ quan quản lý nhà nước; 4 triệu USD để đào tạo đội ngũ giảng viên các cơ sở đào tạo; khoảng 36 triệu USD để đào tạo cho các kỹ sư chuyên ngành đặc thù như cơ khí, điện tử viễn thông, tự động hóa...; khoảng 40 triệu USD xây dựng phòng thí nghiệm dùng chung phục vụ cho quá trình đầu tư và vận hành khai thác.

Để đảm bảo nguồn nhân lực triển khai đầu tư xây dựng, vận hành Dự án ĐSTĐC Bắc - Nam, Bộ Xây dựng đã yêu cầu các cơ sở đào tạo chủ động nghiên cứu, tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, trung tâm nghiên cứu trong và ngoài nước để xây dựng các chương trình đào tạo nhân lực đường sắt; đặc biệt nhân lực phục vụ Dự án ĐSTĐC trên trục Bắc - Nam, các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia theo các quy hoạch, kế hoạch phát triển mạng lưới đường sắt đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đồng thời, rà soát, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo; chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài nước tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý và chuyên gia đầu ngành về đường sắt đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ các dự án đường sắt. Nghiên cứu, quyết định theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định các cơ chế, chính sách phù hợp để đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đường sắt đáp ứng yêu cầu phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam.

Cần có khung chương trình đào tạo chuẩn

Từ thực tiễn, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng kiến nghị cần xây dựng hệ thống đào tạo đường sắt ở Việt Nam thống nhất do nhà nước quản lý; trong đó, cần giao nhiệm vụ cho một đơn vị đứng vai trò dẫn dắt để chịu trách nhiệm khung chương trình đào tạo và học liệu toàn diện, liên thông tất cả các cấp, bậc đào tạo từ nghiệp vụ, cao đẳng, đại học đến thạc sĩ và tiến sĩ.

Trong hệ thống này, Trường Đại học GTVT sẵn sàng hỗ trợ và chia sẻ các chương trình đào tạo đã hoàn thiện với các cơ sở đào tạo khác có nhu cầu. Đầu tư trọng điểm để xây dựng đội ngũ giảng viên và thu hút sinh viên theo học ngành đường sắt. Bên cạnh đó, cần có chính sách miễn, giảm học phí và đảm bảo đầu ra cho sinh viên ngành đường sắt. Có cơ chế thu hút các chuyên gia, nhà khoa học ở những nước phát triển vào làm việc tại Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Bình luận