Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng tư vấn giám sát trong dự án xây dựng

Chất lượng công trình xây dựng phụ thuộc vào công tác tư vấn giám sát. Tuy nhiên, việc đảm bảo chất lượng của đội ngũ tư vấn giám sát vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề có thể ảnh hưởng đến lợi ích của chủ đầu tư.
Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng tư vấn giám sát trong dự án xây dựng
Ảnh minh họa

1. Giới thiệu

Trong những năm gần đây, ở Việt Nam nói chung và tại TP.HCM nói riêng, công nghiệp xây dựng luôn được xếp vào nhóm ngành có đóng góp đáng kể đến sự tăng trưởng của nền kinh tế nước nhà. Tuy nhiên, song song với sự phát triển đó, chất lượng nguồn nhân lực ngành Xây dựng được đánh giá là vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

Nhiều công trình vẫn phụ thuộc vào nhân lực nước ngoài, kể cả lực lượng thiết kế, giám sát, vận hành thiết bị tiên tiến như công trình giao thông ngầm, công trình hóa chất phức tạp, công trình cao trên 50 tầng… Đây là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho việc cạnh tranh của các doanh nghiệp xây dựng trong nước khi tham gia đấu thầu nhiều dự án trong và ngoài nước [1]. 

Dựa trên tình hình và xu thế hiện tại, đặc biệt khi nền kinh tế thị trường phát triển mạnh mẽ, bên cạnh các đơn vị chủ đầu tư và nhà thầu, công tác tư vấn giám sát cũng đóng vai trò rất quan trọng nhằm thúc đẩy và đảm bảo chất lượng, tiến độ, chi phí bỏ ra và lợi nhuận của các dự án xây dựng.

Công việc tư vấn giám sát đòi hỏi cán bộ tư vấn phải có kiến thức chắc, tầm nhìn rộng và nắm bắt được công việc. Ngoài nhiệm vụ giám sát về mặt chất lượng, khối lượng, tiến độ, an toàn lao động và bảo vệ môi trường trong quá trình thi công của các công trình xây dựng thì các nhà tư vấn giám sát còn giúp cho chủ đầu tư có được những đường lối đầu tư tối ưu hóa nhất đối với công trình họ đầu tư xây dựng.

Công tác tư vấn giám sát công trình xây dựng có vai trò đặc biệt quan trọng tại TP.HCM, nơi được xem là trung tâm kinh tế của cả nước. 

Chất lượng của một công trình tuỳ thuộc vào đơn vị tư vấn giám sát vì các hoạt động có liên quan đến xây dựng đều cần có sự giám sát. Đối với những chủ đầu tư, tư vấn giám sát công trình xây dựng đóng vai trò như một người bảo vệ để bảo đảm những quyền lợi tối đa và chất lượng cho chủ đầu tư và công trình [2].

Tư vấn giám sát là một công tác hết sức phức tạp và đòi hỏi yêu cầu cao nhằm mang lại giá trị cốt lõi cho công trình. Trong thời gian qua, hoạt động tư vấn giám sát thi công xây dựng của TP.HCM thường gặp nhiều khó khăn trong công tác tổ chức, cán bộ tham gia tư vấn giám sát thi công xây dựng còn trẻ, thiếu năng lực cũng như kinh nghiệm trong hoạt động xây dựng, do sự thay đổi nhanh chóng của kỹ thuật thi công xây dựng và công nghệ từ quá trình hội nhập quốc tế.

Nhận thức rõ về vấn đề này, việc xác định và xếp hạng các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng của tư vấn giám sát trong các dự án xây dựng là rất cần thiết và mang ý nghĩa thực tiễn đối với các đơn vị tư vấn và chủ đầu tư trong việc đảm bảo và nâng cao chất lượng của các công trình xây dựng. 

2. Tổng quan

Về mặt lý thuyết, tư vấn giám sát là một bộ phận không thể tách rời khỏi công tác xây dựng, được chủ đầu tư giao cho, thông qua hợp đồng kinh tế, thay mặt chủ đầu tư chịu trách nhiệm về chất lượng công trình [3].

Một số hoạt động chung mà tư vấn giám sát tham gia vào công trình xây dựng phải kể đến như: nghiệm thu xác nhận khi công trình đã thi công bảo đảm đúng thiết kế, theo quy chuẩn, tiêu chuẩn; xây dựng và bảo đảm chất lượng và tiến độ hay chưa; yêu cầu nhà thầu thi công xây dựng thực hiện theo đúng những điều khoản trên hợp đồng; từ chối nghiệm thu khi công trình không đạt yêu cầu chất lượng; đề xuất với chủ đầu tư xây dựng công trình những bất hợp lý về thiết kế để kịp thời sửa đổi.

Cụ thể, về mặt chất lượng, đơn vị tư vấn giám sát cần bảo đảm các hạng mục công trình được thi công đúng kỹ thuật và bản vẽ thiết kế. Về mặt khối lượng và giá thành nguyên vật liệu, đơn vị tư vấn giám sát cần theo dõi, thống kê số lượng, khối lượng đầu vào và đầu ra, đáp ứng các vật tư, vật liệu theo tiến độ công trình.

Liên quan đến an toàn lao động, đơn vị tư vấn giám sát cần bảo đảm đơn vị thi công có trang bị đầy đủ những dụng cụ, thiết bị, đồng phục theo đúng tiêu chuẩn an toàn lao động; về vấn đề vệ sinh môi trường, cần phải đảm bảo nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng đến những khu vực lân cận công trình trong suốt quá trình thi công.

Về mặt tiến độ thi công, đơn vị tư vấn giám sát cần bảo đảm công trình thực hiện theo đúng tiến độ đề ra ban đầu theo từng giai đoạn, hạng mục, và toàn công trình.

Một số công trình nghiên cứu đã được tiến hành trên một số quốc gia liên quan đến việc quản lý chất lượng của các công trình xây dựng. Nghiên cứu của Oakland và Aldridge (1995) đã xem xét các vấn đề quản lý chất lượng trong lĩnh vực tư vấn kỹ thuật kết cấu và dân dụng được áp dụng như thế nào trong bối cảnh rộng hơn cho toàn ngành công nghiệp xây dựng bằng việc sử dụng phương pháp luận, phương pháp phỏng vấn, phương pháp so sánh nội dung dựa trên các thành phần của mô hình Oakland (1933) [4].

Điểm cốt lõi của mô hình là chuỗi chất lượng khách hàng - nhà cung cấp, cả bên ngoài và bên trong, và bao gồm số quá trình nhất định. Chuỗi chất lượng khách hàng phải được củng cố bởi sự cam kết về chất lượng thông qua chính sách được hỗ trợ tốt, thông điệp chất lượng được truyền đạt thông qua khả năng lãnh đạo hiệu quả, và thừa nhận sự cần thiết phải thay đổi văn hóa của hầu hết tổ chức nhằm tạo ra chất lượng tổng thể.

Mỗi công ty xây dựng cần đảm bảo những điểm này để có thể tăng hiệu quả cạnh tranh và cải thiện sự hài lòng của khách hàng. Bên cạnh đó, việc nhận biết và xác định tầm quan trọng tương đối của các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng xây dựng ở Ai Cập cũng được tiến hành (Razek, 1998) [5].

Nghiên cứu có sự tham gia của 159 chuyên gia đại diện cho ngành xây dựng bao gồm chủ đầu tư, chuyên gia tư vấn, nhà thầu và các giáo sư đại học. Kỹ thuật Delphi được sử dụng và kết quả cho thấy có 16 yếu tố ảnh hưởng và tầm quan trọng tương đối của từng yếu tố cũng đã được xác định.

Việc cải thiện các khía cạnh của công việc được chỉ định trong những yếu tố này có thể giải quyết một số vấn đề liên quan đến thiết kế và quy hoạch trong giai đoạn tiền xây dựng, dần dần giúp nâng cao chất lượng xây dựng ở Ai Cập.

Ngoài ra, Tang và Kam (1999) đã thực hiện một cuộc khảo sát về việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 9001 trong các công ty tư vấn kỹ thuật tại Hồng Kông [6]. Các bảng câu hỏi đã được gửi đến các nhà quản lý đảm bảo chất lượng (QAMs) cho các công ty tư vấn kỹ thuật được duyệt bởi chính phủ Hồng Kông nhằm đảm bảo năng lực và kinh nghiệm của họ trong việc thực hiện và duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9001.

Kết quả khảo sát chứng minh rằng các công ty tư vấn kỹ thuật đã cải thiện công việc thiết kế và quản lý doanh nghiệp do thực hiện hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9001 nhưng kết quả đạt được nằm dưới mức mong đợi ban đầu.

Mặt khác, Shaw (2019) cũng đã có nghiên cứu về tính ảnh hưởng hai mặt của công tác tư vấn đến sự thay đổi cách thức tổ chức của dự án [7]. Nghiên cứu được tiến hành bằng phương pháp xem xét tài liệu về tư vấn quản lý và thay đổi tổ chức trong 30 năm, phỏng vấn các chuyên gia tư vấn và khảo sát bảng câu hỏi.

Nghiên cứu kết luận rằng các yêu cầu mà các chuyên gia tư vấn phải đối mặt trong việc điều hành và đảm bảo sự thành công cho các doanh nghiệp có ảnh hưởng đến việc phải thay đổi tổ chức của dự án, từ đó có thể mở rộng phương hướng nghiên cứu trong tương lai để hiểu sâu hơn về các vấn đề đang gặp phải.

Các vấn đề liên quan đến việc quản lý chất lượng giám sát, thi công của các công trình xây dựng cũng được thể hiện ở một số nghiên cứu trong nước. Nghiên cứu của Phạm (2007) về nâng cao hiệu quả giám sát thi công xây dựng công trình vừa và nhỏ tại Hà Tây đã cho thấy tình trạng thực tế của công tác giám sát vẫn còn tồn đọng nhiều hạn chế và bất cập [8].

Trên cơ sở xem xét và phân tích thực tại công tác tư vấn giám sát, nghiên cứu đã đề xuất ra các giải pháp về cơ cấu, quy trình quản lý thi công xây dựng nhằm nâng cao vài trò của công tác giám sát thi công xây dựng công trình, đồng thời khuyến khích việc áp dụng mô hình quản lý chất lượng theo ISO 9000-2000, không chỉ ở các doanh nghiệp mà ở các cơ quan quản lý hành chính.

Một phân tích khác về vấn đề nâng cao năng lực tư vấn xây dựng của Viện quy hoạch và thiết kế xây dựng tỉnh Quảng Ninh được thực hiện bởi Trần (2015) đã góp phần đưa ra các cơ sở lý luận và thực tiễn có thể áp dụng vào công tác tư vấn xây dựng của các doanh nghiệp và đơn vị tư vấn xây dựng trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế [9]. Bằng phương pháp điều tra, phân tích và tổng hợp lý thuyết, phương pháp phân loại, hệ thống hóa lý thuyết vào nghiên cứu, kết quả đã cho thấy được những ưu điểm và vấn đề tồn tại xung quanh năng lực tư vấn xây dựng của Viện Quy hoạch và thiết kế xây dựng Quảng Ninh.

Trên khía cạnh nâng cao năng lực tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình tại Viện Khoa học công nghệ xây dựng - IBST, Hoàng (2016) đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu lý thuyết, thống kê, phân tích hệ thống, kết hợp phân tích định tính và định lượng cùng với nghiên cứu thực tiễn [10].

Kết quả nghiên cứu góp phần nâng cao hiệu quả năng lực tư vấn giám sát thi công xây dựng của Trung tâm tư vấn thiết kế và xây dựng (CDCC), mang lại lợi ích kinh tế cho Trung tâm của Viện nói riêng và Viện Khoa học công nghệ xây dựng nói chung.

Từ đó, kết quả nghiên cứu giúp giải quyết được các vấn đề về nhân sự, phát triển sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm tư vấn. Ngoài ra, Hồ (2017) nghiên cứu về vấn đề nâng cao năng lực quản lý của chủ đầu tư trong công tác đảm bảo chất lượng các dự án giao thông tại khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi [11].

Số liệu được điều tra, thu thập từ các dự án đường giao thông qua các hồ sơ dự án và báo cáo của chủ đầu tư, các khảo sát về công tác quản lý chất lượng đường giao thông đối với các cá nhân.

Bằng kinh nghiệm trong thực tiễn về công tác quản lý chất lượng đường giao thông, hình ảnh hiện trường kết hợp với các phép phân tích, thống kê, so sánh nhằm làm sáng tỏ thực trạng công tác quản lý chất lượng qua việc thanh tra, kiểm toán các đơn vị chủ đầu tư, nhà thầu và tư vấn giám sát trên địa bàn tỉnh.

Kết quả đã đánh giá được thực trạng công tác quản lý chất lượng các dự án giao thông tại khu kinh tế Dung Quất, làm rõ một số vấn đề bất cập, hạn chế dẫn đến thất thoát và lãng phí vốn đầu tư.

Những nghiên cứu trên cho thấy việc xác định các yếu tố gây ảnh hưởng đến chất lượng của tư vấn giám sát trong các dự án xây dựng tại Việt Nam vẫn chưa được triển khai cụ thể.

Do đó, nghiên cứu này xác định các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng của công tác tư vấn giám sát công trình xây dựng, nhằm giúp các đơn vị tư vấn giám sát và chủ đầu tư nắm được tình hình thực tế và có các đề xuất hợp lý nhằm nâng cao năng lực đội ngũ tư vấn giám sát của đơn vị, đáp ứng vấn đề đảm bảo chất lượng công trình theo yêu cầu của chủ đầu tư và tạo lợi thế cho doanh nghiệp nâng cao được khả năng cạnh tranh khi tham gia vào các dự án trong nước cũng như quốc tế. 

Anh minh họa.

3. Phương pháp nghiên cứu

Dựa trên sự tìm hiểu từ các nghiên cứu trước, các bài báo khoa học trong và ngoài nước, cùng với việc tham khảo ý kiến của những đối tượng có kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn xây dựng, bảng câu hỏi trắc nghiệm được thành lập bao gồm 16 yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng của công tác tư vấn giám sát.

Thang đo Likert 5 mức độ được sử dụng để đánh giá các mức độ từ 1 (không ảnh hưởng) đến 5 (ảnh hưởng rất nhiều). Kết quả kiểm định hệ số Cronbach’s Alpha của toàn bộ mục hỏi (tất cả yếu tố) là 0.942 > 0.8, đồng thời hệ số Cronbach’s Alpha của từng yếu tố đều lớn hơn 0.8. Điều đó chứng tỏ thang đo lường là phù hợp [12].

Đối tượng thực hiện bảng khảo sát là những người có số năm kinh nghiệm từ dưới 3 đến trên 10 năm và đã từng tham gia thực hiện các dự án xây dựng tại TP.HCM. Dữ liệu được thu về theo phương pháp lấy mẫu thuận tiện.

Bảng khảo sát được thực hiện thông qua hai phương thức: trực tiếp (phỏng vấn/gửi bản cứng) và gián tiếp (gửi đường link biểu mẫu) đến các cá nhân thuộc các đơn vị chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, tư vấn quản lý dự án, tư vấn giám sát và nhà thầu.

Dữ liệu phân tích trong nghiên cứu bao gồm dữ liệu khảo sát của các bảng câu hỏi, được tiến hành trên địa bàn TP.HCM trong khoảng thời gian cho phép. Số lượng phản hồi hợp lệ nhận được là 149 bảng khảo sát.

Phương pháp chỉ số quan trọng tương đối (RII) được sử dụng để xác định mức độ quan trọng của các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng tư vấn giám sát công trình xây dựng. Phần mềm SPSS 22.0 và Microsoft Excel là 2 công cụ được dùng để phân tích và xử lý dữ liệu.

4. Kết quả nghiên cứu

Dựa vào dữ liệu thu thập từ khảo sát được xử lý phân tích thống kê, kết quả cho thấy 16 yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng công tác tư vấn giám sát đều có giá trị trung bình (Mean) lớn hơn 3, chứng tỏ các yếu tố này đều có mức độ ảnh hưởng đến đối tượng nghiên cứu. Xếp hạng các yếu tố theo từng mức độ ảnh hưởng thông qua chỉ số quan trọng tương đối (RII) được thể hiện cụ thể trong Bảng 1.

Bảng 1. Bảng xếp hạng các yếu tố ảnh hưởng theo chỉ số quan trọng tương đối (RII)
 

Thông qua bảng xếp hạng cho thấy yếu tố “Tư vấn giám sát nắm rõ vai trò và trách nhiệm của mình” xếp hạng 1 (RII = 0,827). Điều này có nghĩa là tư vấn giám sát cần nắm rõ toàn bộ quy trình quản lý, kiểm tra, giám sát công tác thi công của các hạng mục trên công trình nhằm đảm bảo đơn vị thi công xây dựng thực hiện đúng theo bản vẽ thiết kế được phê duyệt; đồng thời theo dõi và giám sát chặt chẽ về mặt tiến độ, phương pháp thi công, trang thiết bị kỹ thuật, tay nghề nhân công của đơn vị thi công; giám sát thật chặt chẽ chất lượng nguyên vật liệu đầu vào, cùng các trang thiết bị sử dụng trên công trình mà đơn vị thi công đưa vào để sử dụng; nghiệm thu theo từng giai đoạn, từng hạng mục xây dựng và thực hiện xác nhận bản vẽ hoàn công cho công trình.

Yếu tố “Tư vấn giám sát làm việc công tâm, đề cao đạo đức nghề nghiệp” xếp hạng 2 (RII = 0,826). Theo đó, tư vấn giám sát cần đảm bảo nhà thầu phải luôn tuân thủ chặt chẽ các quy định về an toàn lao động và vệ sinh môi trường; tuyệt đối không nhận tiền thù lao của nhà thầu thi công để bỏ qua các sai sót cho nhà thầu thi công; đánh giá những điểm sai sót, bất hợp lý trong bản vẽ thiết kế, đồng thời tham mưu cho chủ đầu tư và phối hợp cùng đơn vị thiết kế thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công và đề xuất chỉnh sửa những hạn chế khiếm khuyết.

Yếu tố “Tư vấn giám sát ham học hỏi, cập nhật, nâng cao kiến thức chuyên môn” xếp hạng 3 (RII = 0,825). Trong hoạt động giám sát, đơn vị tư vấn cần phải luôn luôn cập nhật các quy chuẩn, tiêu chuẩn, luật, thông tư, nghị định để đưa ra các phương pháp giải quyết làm sao có lợi nhất có thể cho chủ đầu tư; nghiên cứu các biện pháp thi công phù hợp với công trình để tham mưu cho chủ đầu tư nhằm giúp cho công trình phù hợp với xu thế thời đại; trau dồi vốn ngoại ngữ chuyên ngành nhằm tìm kiếm các loại máy móc thiết bị hiện đại đưa vào sử dụng cho công trình giúp đem lại hiệu quả tối ưu cho chủ đầu tư vì phần lớn các máy móc hiện đại đều được nhập khẩu từ nước ngoài.

Yếu tố “Tư vấn giám sát có tinh thần trách nhiệm trong công việc” xếp hạng 4 (RII = 0,824). Trên thực tế, tư vấn giám sát cần phải có mặt theo dõi và kiểm tra nhà thầu thi công ở các giai đoạn quan trọng của dự án như: các đêm đổ bê tông sàn, vệ sinh và kê thép sàn và dầm; thường xuyên tổ chức các cuộc họp ít nhất một tuần một lần với ban chỉ huy công trình để giải quyết vấn đề đã được thực hiện cũng như còn tồn tại để sớm thực hiện; đồng thời chịu trách nhiệm với mọi quyết định cũng như các văn bản hay biên bản do mình kí và phê duyệt.

Yếu tố “Tư vấn giám sát có khả năng hợp tác với các bên liên quan để giải quyết vấn đề” được xếp ở vị trí thứ 5 (RII = 0,814). Các đơn vị tư vấn giám sát cần phải cập nhật tình hình ở ngoài công trường, kết hợp chỉ đạo các thành viên trong ban quản lý dự án các công việc triển khai nhanh chóng cũng như các tình huống có thể xảy ra; truyền đạt lại cho chủ đầu tư đúng tình hình sự việc của các công việc nhà thầu làm để trách sự hiểu lầm đáng tiếc xảy ra; yêu cầu các đơn vị thi công phải trình được biện pháp thi công trước khi thi công một số công tác quan trọng như: thi công đường cấp thoát nước ra môi trường, thi công đổ bê tông vách hầm theo ranh đất,… 

5. Kết luận

Nghiên cứu đã nhận dạng được 5 yếu tố chính gây ảnh hưởng đến chất lượng của tư vấn giám sát công trình xây dựng và tiến hành phân tích dữ liệu để xếp hạng các nhân tố này dựa trên kết quả tính toán theo phương pháp chỉ số quan trọng tương đối:

(1) Tư vấn giám sát nắm rõ vai trò và trách nhiệm của mình;

(2) Tư vấn giám sát làm việc công tâm, đề cao đạo đức nghề nghiệp;

(3) Tư vấn giám sát ham học hỏi, cập nhật, nâng cao kiến thức chuyên môn;

(4) Tư vấn giám sát có tinh thần trách nhiệm trong công việc;

(5) Tư vấn giám sát có khả năng hợp tác với các bên liên quan để giải quyết vấn đề. Ngoài ra, các yếu tố như: tư vấn giám sát có kinh nghiệm thực tế ở các công trình tương tự; làm việc ở công ty có quy trình đào tạo tư vấn giám sát chuyên nghiệp; có khả năng kiểm soát chi phí, tiến độ và chất lượng công trình; có tác phong làm việc chuyên nghiệp; có chứng chỉ hành nghề phù hợp với loại công trình; không nhận bồi dưỡng của nhà thầu; có động lực làm việc cao…cũng được xác định có ảnh hưởng nhỏ đến chất lượng của công tác tư vấn giám sát tại các dự án xây dựng. Đơn vị tư vấn giám sát đóng vai trò nòng cốt trong việc đề xuất phương pháp, đảm bảo chất lượng, tiến độ thi công công trình.

Do đó, các yếu tố ảnh hưởng này có thể được xem như là cơ sở lý luận để nâng cao chất lượng của công tác tư vấn giám sát. Các bên tham gia tư vấn giám sát, chủ đầu tư dự án xây dựng cũng như các đối tượng liên quan đến công tác này có thể tập trung nguồn lực và các biện pháp để tác động đến các yếu tố đã được xác định, từ đó triển khai các hành động hỗ trợ các bộ phận liên quan và phối hợp thực hiện tốt các công việc nhằm hạn chế các sai sót trong quá trình thi công. 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Nhân lực ngành Xây dựng: Thiếu số lượng, yếu chất lượng, tại:
http://baodansinh.vn/thuc-trang-nhan-luc-nganh-xay-dung-63948.htm
[2]. Luận bàn về tư vấn giám sát xây dựng, tại: 
http://ticc.com.vn/tu-van-giam-sat/tu-van-giam-sat-xay-dung-la-gi-170.html.
[3]. Thông tư hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng, tại: 
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/xay-dung-do-thi/Thong-tu-08-2019-TT-BXD-giam- sat-quan-ly-chat-luong-cong-trinh-theo-hinh-thuc-doi-tac-cong-tu-428749.aspx
[4]. Oakland, J. S., & Aldridge, A. J. (1995). Quality management in civil and structural engineering consulting. International Journal of Quality & Reliability Management. https://doi.org/10.1108/02656719510084763
[5]. Abdel‐Razek, R. H. (1998). Factors affecting construction quality in Egypt: identification and relative importance. Engineering, Construction and Architectural Management. https://doi.org/10.1108/eb021076
[6]. Tang, S. L., & Kam, C. W. (1999). A survey of ISO 9001 implementation in engineering consultancies in Hong Kong. International Journal of Quality & Reliability Management. https://doi.org/10.1108/02656719910249810
[7]. Shaw, D. (2019). Partners and plagiarisers: Dualities in consultants’ influence on organisational change projects. Journal of Organizational Change Management. https://doi.org/10.1108/JOCM-01-2018-0011
[8]. Quản lý chất lượng công trình, tại: 
http://10.1.1.57:8080/dspace/handle/hau/4433
[9]. Trần (2015). Nghiên cứu về nâng cao năng lực tư vấn xây dựng của Viện quy hoạch và thiết kế xây dựng Quảng Ninh.
[10]. Hoàng (2016). Nghiên cứu về nâng cao năng lực tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình tại Viện Khoa học công nghệ xây dựng - IBST.
[11]. Hồ (2017). Nghiên cứu về nâng cao năng lực quản lý của chủ đầu tư trong công tác đảm bảo chất lượng các dự án giao thông tại khu kinh tế Dung Quất tỉnh Quảng Ngãi.
[12]. Hoàng, T. và Chu, M. N. (2008). Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS Tập 1, 2, NXB Hồng Đức.

Bình luận