Đặt vấn đề
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là dự án hạ tầng mang tính chiến lược của đất nước, có tính khả thi cao là trục xương sống của hàng lang kinh tế Bắc - Nam, với quy mô siêu liên kết vùng qua 20 tỉnh/thành phố từ Hà Nội - TP.HCM, chiếm 49% dân số, 61% GDP cả nước, 55% cảng biển lớn, 67% khu kinh tế ven biển, đáp ứng kỳ vọng hình thành trục vận tải khối lượng lớn trên đất liền, kết nối các trung tâm kinh tế tạo thành trục động lực phát triển nhảy vọt mới cho kinh tế - xã hội của đất nước và các địa phương trên hành lang kinh tế Bắc - Nam; giúp tăng trưởng đồng đều giữa các vùng miền, góp phần bảo đảm an ninh - quốc phòng và hội nhập quốc tế.
Với tổng mức đầu tư dự kiến trên 60 tỷ USD, có lẽ bài toán lớn nhất lúc này của việc xây dựng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là làm thế nào để huy động được nguồn vốn siêu lớn này?
1. TMĐT, cơ cấu vốn, phân kỳ đầu tư và giải pháp thực hiện dự án
Tổng mức đầu tư của Dự án (TMĐT) 61,67 tỷ USD, tương đương 1,42 triệu tỷ VND, bao gồm vốn Nhà nước 52,59 tỷ USD, chiếm 85,28% (được huy động từ nguồn đấu giá đất tại 50 TOD là 38,95 tỷ USD chiếm 63,16%; Vốn đầu tư công 13,64 tỷ USD chiếm 22,12%), được huy động từ vốn đầu tư phát triển từ ngân sách TW, vốn ưu đãi ODA hoặc vốn vay thương mại ưu đãi, vốn trái phiếu công trình. Vốn đầu tư tư nhân là 9,08 tỷ USD chiếm 14,72%.
Vốn tư nhân được huy động để đầu tư đầu máy toa xe, xây dựng 6 nhà ga cao 10 tầng tạo biểu tượng cho các trung tâm đô thị lớn (các ga: Ngọc Hồi, Vinh, Huế, TP Đà Nẵng, Nha Trang và Thủ Thiêm). Đối tác tư sẽ nhận được một số nhượng quyền về quản lý cơ sở hạ tầng, trả phí sử dụng cơ sở hạ tầng, phí duy tu bảo dưỡng hạ tầng, thiết bị hàng năm, chịu trách nhiệm khai thác, duy tu và vận hành tuyến trong suốt thời gian của hợp đồng PPP.
2. Phân kỳ đầu tư
- Thời gian triển khai Dự án dự kiến là 18 năm, chia thành 3 giai đoạn đầu tư và 2 năm chuẩn bị, gồm:
- Thời gian chuẩn bị dự án (2024-2025): Khảo sát, lập dự án đầu tư, hoàn thiện khung kỹ thuật, khung pháp lý cho dự án.
- Giai đoạn 1 (2025-2031), TMĐT 16,58 tỷ USD: Triển khai GPMB toàn bộ tuyến và TOD; xây dựng đoạn tuyến Thủ Thiêm - Nha Trang với tổng chiều dài 361,01 km (chiếm 23,94% dự án); xây dựng hạ tầng TOD để đấu giá đất tạo nguồn vốn cho dự án. Tổng kết đánh giá, hoàn thiện công nghệ xây dựng, quản lý dự án từ đó kiểm soát tốt hơn về chi phí và TMĐT và tăng tốc xây dựng cho giai đoạn 2 và giai đoạn 3.
- Giai đoạn 2 (2031-2038), TMĐT 26,44 tỷ USD: Xây dựng đoạn tuyến Hà Nội - Đà Nẵng dài 677,20 km (chiếm 44,91% dự án).
- Giai đoạn 3 (2038-2041), TMĐT 18,65 tỷ USD: Tăng tốc xây dựng đoạn tuyến Đà Nẵng - Nha Trang dài 469,85 km (chiếm 31,15% dự án) và thông toàn tuyến.
3. Giải pháp thực hiện dự án
Kiến nghị mô hình thực hiện dự án đối tác công - tư (PPP):
- Đối tác công (Công ty đầu tư và quản lý hạ tầng ĐSTĐC) sẽ huy động vốn đầu tư (53,78 tỷ USD) và quản lý xây dựng cơ sở hạ tầng; Bảo trì và bảo dưỡng kết cấu hạ tầng; Điều hành vận tải trên toàn hệ thống.
- Đối tác tư (Công ty đầu tư và khai thác ĐSTĐC) được đối tác công lựa chọn và nhượng quyền khai thác trong một thời hạn nhất định. Đối tác tư có trách nhiệm huy động vốn 9,08 tỷ USD để đầu tư phương tiện vận tải và đầu tư 6 nhà ga cao 10 tầng. Đối tác tư sẽ thành lập bộ máy vận hành khai thác và trả phí khấu hao cơ sở hạ tầng đã đầu tư (thời gian khấu hao 75 năm, mỗi năm dự kiến là 700 triệu USD) và trả phí bảo dưỡng hạ tầng, phí điều hành vận tải cho đối tác công.
- Mô hình dự án chìa khóa trao tay - Turnkey project, đây là giải pháp giúp đơn giản hóa quá trình thực hiện một cách đáng kể cho Dự án. Nhà thầu chính (tổng thầu EPC+F) được giao trách nhiệm từ thiết kế (sau thiết kế FEED) đến xây dựng và thu xếp vốn thực hiện xây dựng. Đối tác công chỉ cần nghiệm thu tổng thầu hoàn thành công việc và thanh quyết toán, bàn giao cho đối tác tư quản lý vận hành khai thác theo hợp đồng nhượng quyền PPP. Lợi thế của mô hình này là kiểm soát tốt về tiến độ thực hiện dự án và tổng mức đầu tư. Đối tác công sẽ đóng vai trò quản lý nhà nước về các thủ tục pháp lý của dự án, nghiệm thu, phê duyệt các giai đoạn của dự án theo quy định của hợp đồng.
4. Đề xuất cơ chế tạo nguồn vốn cho dự án từ nguồn lực đất đai
Bắt đầu từ những năm 1930, một hướng đi mới trong quy hoạch xây dựng đô thị đã được hình thành gọi tắt là TOD (Transit Oriented Development), với định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành mạng lưới giao thông phân tán. Có rất nhiều nước và vùng lãnh thổ sau chiến tranh thế giới thứ hai đã phát triển thành công mô hình TOD như: Nhật Bản, Thuỵ Điển, Pháp, Hà Lan, Đan Mạch, Singapore và Hồng Kông.
Vai trò chủ đạo của TOD là kiến tạo không gian phát triển mới tại các nhà ga mà tuyến đi qua bằng việc mở rộng, xây dựng mới đô thị và bố trí nơi ở cho lượng dân cư ngày càng tăng một cách bền vững. TOD được xem là một chiến lược quản lý phát triển đô thị tối ưu hóa và sử dụng hiệu quả đất đai trong khu vực xung quanh các ga nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống.
Áp dụng mô hình TOD cho các đô thị nhà ga của dự án ĐSTĐC Bắc - Nam:
ĐSTĐC Bắc - Nam sẽ là cơ sở thúc đẩy phát triển các đô thị nhà ga TOD với mật độ dân cư cao. Sử dụng các công cụ chính sách của nhà nước để quy hoạch tái phân vùng, tạo giá trị cao cho BĐS tại khu vực nhà ga TOD và khai thác một phần giá trị gia tăng từ đất (Land Value Capture - LVC) từ đấu giá để tạo nguồn lực đầu tư cho dự án ĐSTĐC Bắc - Nam.
Trình tự thực hiện khai thác giá trị gia tăng từ đất tại các nhà ga TOD, bao gồm:
Bước 1: Xác định kế hoạch sử dụng đất để phát triển hành lang ĐSTĐC và TOD, xây dựng quy hoạch tổng thể 1/2000, xác định khối lượng cần GPMB, tái định cư.
Bước 2: Xây dựng quy hoạch chi tiết 1/500 và lập dự án đầu tư khu vực TOD theo mô hình tái điều chỉnh đất để phát triển đô thị TOD. Đây là giải pháp phát triển đô thị gắn kết bao gồm chia lại lô đất có mục đích sử dụng kém hiệu quả thành các lô đất có giá trị sử dụng cao hơn, người dân có quyền tái định cư tại chỗ, sử dụng quyền sử dụng đất ban đầu của mình để quy đổi sang quyền sở hữu của công trình mới sau khi tái điều chỉnh đất.
Bước 3: Đấu thầu lựa chọn Nhà đầu tư PPP để thực hiện GPMB và xây dựng hạ tầng TOD theo hình thức tổng thầu EPC + F (tự thu xếp tài chính trong giai đoạn triển khai) để triển khai các hạng mục: Đền bù GPMB khu vực TOD và tuyến ĐSTĐC; đầu tư san lấp mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng và xây dựng nhà ga và trung tâm thương mại.
Bước 4: Xây dựng các thể chế, cơ chế về đấu giá BĐS tại các nhà ga TOD. Phần ngân sách thu được từ đấu giá BĐS sẽ trả cho nhà đầu tư PPP đã xây dựng hạ tầng TOD. Phần thuế chuyển đổi mục đích sử dụng đất sẽ được chuyển vào ngân sách địa phương, phần còn lại chuyển vào Quỹ đầu tư xây dựng dự án ĐSTĐC Bắc - Nam.
Dựa vào các đề xuất trên, nhóm chuyên gia thẩm tra quốc tế đã tiến hành phân tích tính toán tiềm năng BĐS tại 50 TOD dọc tuyến với tổng diện tích 11.875,73 ha (diện tích đấu giá đất dự kiến 6.500 ha). Nguồn vốn phân bổ cho dự án ĐSTĐC từ đấu giá BĐS dự kiến là 38,95 tỷ USD (tương đương với chênh lệch địa tô là 13,8 triệu đồng/m2), đây là một mức giá hấp dẫn trên thị trường BĐS hiện nay.
Kết quả đề tài “BĐS trong nền kinh tế Việt Nam - vai trò và khuyến nghị chính sách” năm 2021 đã lượng hóa quy mô tài sản BĐS của Việt Nam giai đoạn 2020-2030: Năm 2020, tỷ trọng BĐS/tổng tài sản toàn nền kinh tế chiếm 20,8% (BĐS: 205,26 tỷ USD, tổng tài sản: 986,82 tỷ USD); năm 2025 chiếm 21,2% (BĐS: 462,7 tỷ USD tổng tài sản: 2.183,09 tỷ USD) và đến năm 2030 chiếm 22,0% (BĐS: 1.232,29 tỷ USD, tổng tài sản: 5.601,31 tỷ USD).
Theo số liệu Ngân hàng Nhà nước công bố đến hết tháng 8/2023, tổng tiền gửi của các tổ chức ở mức 6,013 triệu tỷ đồng gấp 4,3 lần tổng vốn cần huy động cho dự án ĐSTĐC Bắc - Nam, tăng hơn 1% so với cuối năm 2022 là do thiếu kênh đầu tư ổn định và tin cậy.
Như vậy, với mô hình TOD để huy động tạo nguồn vốn 38,95 tỷ USD cho dự án từ nguồn lực đất đai trong thời gian 10 - 14 năm, mỗi năm từ 2,8 - 3,9 tỷ USD là hoàn toàn khả thi.
5. Đề xuất giải pháp huy động vốn đầu tư công
- Huy động vốn vay nước ngoài: 8 tỷ USD. Nguồn vốn này có thể huy động từ gói tài chính tăng trưởng xanh bằng việc sử dụng điện năng lượng tái tạo để dự án có đủ điều kiện tiếp cận nguồn tài chính tăng trưởng xanh với lãi suất ưu đãi < 2%/năm từ gói tài chính 100 tỷ USD cam kết cho tăng trưởng xanh hoặc các nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư hạ tầng bao gồm vốn ODA thế hệ mới hoặc vốn vay thương mại ưu đãi lãi suất.
- Vốn trái phiếu xây dựng công trình: 3 tỷ USD. Trái phiếu xây dựng công trình sẽ được phát hành và thanh toán bằng đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ, được hoán đổi sang tài khoản thẻ thanh toán dịch vụ ĐSTĐC (Thẻ thành viên của ĐSTĐC) tương tự như thẻ thành viên của các hãng khai thác đường sắt tốc độ cao trên thế giới (China Rail Pass, Eurail passes, THSR Pass, BahnCard…) để sử dụng các ưu đãi dịch vụ trên tuyến ĐSTĐC. Dự kiến mệnh giá tối thiểu cho trái phiếu xây dựng công trình đầu tư cho dự án Bắc - Nam là 500 - 1.000 USD dự kiến thu hút 3 - 6 triệu thành viên tham gia (2028-2035) là hoàn toàn khả thi.