Cải tạo hạng mục công trình trong dự án bảo vệ môi trường không quá 15 tỷ đồng/nhiệm vụ

06:00 28/10/2024
Theo Nghị định 134/2024/NĐ-CP ngày 24/10/2024, hoạt động cải tạo hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường có chi phí tối đa không quá 15 tỷ đồng/nhiệm vụ.
Cải tạo hạng mục công trình trong dự án bảo vệ môi trường không quá 15 tỷ đồng/nhiệm vụ
Ảnh minh hoạ. Nguồn: ITN.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 134/2024/NĐ-CP ngày 24/10/2024 quy định việc lập dự toán, quản lý sử dụng chi thường xuyên NSNN để mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng.

Phạm vi điều chỉnh của Nghị định là các hoạt động mua sắm tài sản, trang thiết bị theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; Cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Tuy nhiên, Nghị định không điều chỉnh các hoạt động này liên quan đến lĩnh vực an ninh, quốc phòng, thiên tai, thảm hoạ, dịch bệnh, các cơ quan của Việt Nam ở nước ngoài, hay trong các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Theo đó, Nghị định điều chỉnh các hoạt động trên liên quan đến các dự án đã đầu tư xây dựng sử dụng kinh phí chi thường xuyên trong lĩnh vực công nghệ thông tin, khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường và các lĩnh vực khác.

Đáng chú ý, Điều 4 Nghị định quy định cụ thể về nguyên tắc bố trí dự toán, quản lý sử dụng và quyết toán kinh phí chi thường xuyên NSNN.

Trong đó, việc bố trí kinh phí chi thường xuyên NSNN để thực hiện các nhiệm vụ được thực hiện theo nguyên tắc không trùng lắp với các nhiệm vụ có cùng nội dung của đơn vị đã được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn theo quy định của pháp luật về đầu tư công, cần phải thực hiện ngay trong năm ngân sách để đảm bảo hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị và phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh phí thực hiện theo quy định của pháp luật.

Việc lập dự toán, phân bổ dự toán, quản lý sử dụng và quyết toán kinh phí chi thường xuyên thực hiện nhiệm vụ được thực hiện theo quy định của pháp luật về NSNN, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về xây dựng và pháp luật có liên quan, trong đó đối với nhiệm vụ mua sắm phải căn cứ quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, trang thiết bị phục vụ hoạt động của cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật của ngành. Việc phân bổ dự toán kinh phí chi thường xuyên thực hiện nhiệm vụ không được vượt quá tổng dự toán chi thường xuyên được giao của cơ quan, đơn vị trong năm ngân sách.

Đối với nhiệm vụ cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình phải căn cứ quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng… để lập dự toán, tối đa không quá 15 tỷ đồng/nhiệm vụ. Việc phân bổ dự toán kinh phí chi thường xuyên không được vượt quá tổng dự toán chi thường xuyên được giao của cơ quan, đơn vị trong năm ngân sách.

Việc bố trí kinh phí chi thường xuyên NSNN để thực hiện nhiệm vụ trong các dự án đã đầu tư xây dựng thuộc ngân sách cấp nào do ngân sách cấp đó đảm bảo.

Theo Bộ Tài chính, quy định hạn mức tối đa kinh phí chi thường xuyên thực hiện nhiệm vụ không quá 15 tỷ đồng/nhiệm vụ để phù hợp với yêu cầu sửa chữa, cải tạo các công trình nhỏ, chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, phát sinh cấp thiết phải thực hiện ngay trong năm ngân sách. Việc bố trí nguồn NSNN chi thường xuyên phù hợp với khả năng cân đối của NSNN và khả năng giải ngân trong năm.

Bình luận