Cải tạo xanh góp phần đạt mục tiêu bền vững
Theo ông Nguyễn Thế Phương - Giám đốc EDGE, Khu vực châu Á, việc cải tạo xanh giúp cắt giảm đáng kể phần nào lượng phát thải từ việc vận hành công trình (Operational Emission), mà ở đây xây dựng và vận hành công trình chiếm 39% lượng phát thải CO2 toàn cầu. Đặc biệt, đối với các CĐT có số lượng công trình hiện hữu nhiều và trải dài ở nhiều quốc gia, việc cải tạo xanh sẽ giúp CĐT có thể bước đầu đạt được mục tiêu giảm phát thải đã được đề ra trước đó.
Ngoài ra, những công trình cũ thường có mức độ tiêu thụ năng lượng cao hơn, dẫn đến phát thải nhiều hơn so với các công trình xây mới. Đây cũng chính là một trong những gánh nặng lớn khi toàn cầu đang dần thay đổi nhằm đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Ông Nguyễn Thế Phương dẫn giải, các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước đang “chạy đua” trong việc thực hiện cam kết Net zero. Rất nhiều công trình được xây dựng cách đây 5 - 10 năm đã đến thời hạn cho việc sửa chữa và nâng cấp để nâng cao hiệu suất tiêu thụ năng lượng cũng như giúp doanh nghiệp đạt được các mục tiêu bền vững đã đặt ra.
Để đạt được cam kết ban đầu đặt ra, doanh nghiệp sử dụng các công cụ đánh giá CTX như: EDGE, Green Mark, LEED… để lập kế hoạch và triển khai cải tạo cho các công trình chưa xanh, hoặc thậm chí cho các công trình đã xanh rồi, trở nên xanh hơn, ví dụ như EDGE certified thành EDGE Advanced với mức giảm tiêu thụ lên đến hơn 40%. Việc này giúp doanh nghiệp tiến đến cam kết chung Net Zero gần hơn…
Ông Nguyễn Thế Phương cung cấp thêm thông tin, nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang khuyến khích việc cải tạo xanh mặc dù chưa có nhiều chính sách phổ biến rộng rãi nhằm hỗ trợ việc này.
Tuy nhiên, riêng về tài chính, đã có rất nhiều ngân hàng và các quỹ tài chính quốc tế phát triển các chương trình tài chính xanh nhằm hỗ trợ về mặt tài chính cho các CĐT cải tạo xanh.
Tại Mỹ, các công trình cải tạo xanh liên quan đến việc nâng cấp hiệu quả sử dụng năng lượng hoặc năng lượng tái tạo sẽ được hỗ trợ từ Property Assessed Clean Energy (PACE) hoặc từ Chương trình của The US Department of Energy’s (DOE) Building America.
Hay Standard Chartered Bank (SC) là 1 ví dụ điển hình của ngân hàng cho việc vay cải tạo xanh. SC đã triển khai nhiều gói vay xanh cho các doanh nghiệp phục vụ việc cải tạo công trình. Đi kèm với đó là các điều kiện tương ứng liên quan đến việc nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng của công trình. Dự án Shui On Centre ở Hong Kong cam kết phải cải thiện mức tiết kiệm năng lượng mỗi năm tăng thêm 2% trong 5 năm cải tạo (dựa theo tiêu chuẩn EDGE), từ đó họ sẽ nhận được hỗ trợ tài chính từ SC…
Nhu cầu cải tạo xanh bắt đầu tăng
Vậy, thị trường cải tạo xanh ở Việt Nam hiện nay ra sao trong khi thị trường CTX mới chỉ dừng lại ở con số khoảng 300 công trình? Dưới góc nhìn chuyên gia của một tổ chức quốc tế, ông Nguyễn Thế Phương nhận định, cải tạo xanh cũng là một khía cạnh có thể khai thác để đạt mục tiêu Net Zero, vì hiện trạng Việt Nam có nhiều công trình được xây dựng từ nhiều năm về trước và các công trình này vẫn chưa trải qua việc nâng cấp và cải tạo một cách phù hợp.
Còn dưới góc nhìn của một đơn vị tư vấn CTX trong nước đang đi đầu tư vấn cải tạo xanh cho nhiều dự án tại Việt Nam, ông Đỗ Hữu Nhật Quang, đồng sáng lập Công ty GreenViet cho rằng, vấn đề cải tạo xanh phụ thuộc vào mức độ phát triển của từng quốc gia. Tại Việt Nam, vấn đề liên quan đến cải tạo xanh còn khá sớm, tuy đã bắt đầu.
Dẫn giải về quan điểm này, ông Đỗ Hữu Nhật Quang cho rằng, các quốc gia đã phát triển như Nhật Bản, Singapore… gần như không còn đất để xây dựng mới hoặc còn đất thì nhu cầu xây mới cũng không còn nhiều nữa vì trong mấy chục năm qua đã xây dựng cơ bản xong, nên nhu cầu cải tạo những tòa nhà đang vận hành (đập bỏ để xây mới, cải tạo công năng hoặc cùng công năng nhưng làm mới) rất lớn.
Còn tại Việt Nam, các công trình xây dựng lớn chỉ xuất hiện khoảng hơn 20 năm trở lại đây, trước đó số lượng các công trình lớn được xây dựng rất ít, hoặc có nhưng quy mô nhỏ, nên số lượng các tòa nhà, công trình cần cải tạo thời điểm này ở Việt Nam không nhiều. Đây là điểm khác biệt về cải tạo xanh giữa Việt Nam và các nước phát triển trên thế giới.
Ông Đỗ Hữu Nhật Quang cũng cho biết, tại Việt Nam, chính sách cụ thể cho CTX xây dựng mới cũng chưa rõ ràng nên chính sách cải tạo xanh chắc chắn chưa có, chưa kể cải tạo xanh đương nhiên khó hơn xây dựng CTX mới.
Tuy nhiên, có 2 lý do lớn nhất dẫn đến nhu cầu cải tạo xanh ở Việt Nam bắt đầu tăng trong đó phải kể đến làn sóng Net Zero và áp lực cạnh tranh giữa các dự án xây dựng mới và xây dựng trước đây.
Trước làn sóng Net Zero, nhu cầu chứng chỉ xanh cho các nhà máy, tòa nhà văn phòng, nhà kho là những phân khúc bị áp lực rất lớn do khách thuê phải xuất hàng ra nước ngoài và chịu áp lực từ bên mua yêu cầu bên xuất hàng phải có chứng chỉ xanh, dẫn đến nhu cầu cải tạo xanh diễn ra.
Bên cạnh đó là áp lực từ những CTX xây mới. Những công trình xây mới làm theo chứng chỉ xanh nên những công trình cũ có áp lực phải cải tạo để có chứng chỉ xanh nhằm cải thiện môi trường làm việc, từ đó mới có thể cạnh tranh được với các công trình mới…
Có thể thấy, áp lực phát triển CTX đối với Việt Nam là không nhỏ khi tham gia vào sân chơi toàn cầu. Cần thiết có giải pháp thúc đẩy phát triển nhanh hơn CTX và bên cạnh đó là cải tạo xanh công trình, mới có thể đạt kỳ vọng Net Zero vào năm 2050.