Ngày 20/3, tại tỉnh Đồng Nai, đoàn công tác của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh làm Trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Hồng Minh cho biết, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, các địa phương đã nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để đạt được các chỉ tiêu tăng trưởng 2 con số, lãnh đạo các tỉnh cần có báo cáo cụ thể, nêu rõ các mục tiêu đã đạt được và những mục tiêu chưa đạt, được nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Báo cáo với đoàn công tác, ông Võ Tấn Đức - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh vẫn đang nỗ lực để đạt mục tiêu tăng trưởng 10%. Trong đó, nông - lâm nghiệp, thủy sản đặt mục tiêu tăng trưởng 3,38%; công nghiệp - xây dựng tăng 11,24%; dịch vụ tăng 10,36%; thuế sản phẩm tăng 7,57%.
Tỉnh Đồng Nai cũng chủ động tháo gỡ vướng mắc về các thủ tục đầu tư đất đai, xây dựng, huy động nguồn lực đầu tư công, đẩy nhanh giải ngân, mở rộng thị trường, thúc đẩy đầu tư tư nhân. "Với những thế mạnh sẵn có, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, tạo bứt phá cho công nghiệp chế biến. Đồng thời, đẩy nhanh hoàn thành Dự án nhiệt điện khí Nhơn Trạch 3 và 4, thủy điện Phú Tân 2… bổ sung thêm 5 khu công nghiệp, đặc biệt dự án sân bay Long Thành dự kiến hoàn thành năm 2025 được kỳ vọng sẽ giúp tăng trưởng kinh tế", ông Võ Tấn Đức nhấn mạnh.
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, hiện nay, hạ tầng giao thông của tỉnh đang được đầu tư như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Vành đai 3 TP.HCM, cao tốc Bến Lức - Long Thành, cùng với đó là hệ thống cảng logistics được đầu tư xây dựng mạnh mẽ. Do đó, tỉnh sẽ tập trung mở rộng xuất khẩu sang các thị trường lớn, khai thác tối đa các hiệp định thương mại tự do, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu hỗ trợ doanh nghiệp…
Ông Võ Tấn Đức thông tin thêm, tỉnh Đồng Nai sẽ xin phép thành lập khu thương mại tự do gần sân bay Long Thành và cảng Phước An rộng 2.000 ha, thành lập khu công nghệ cao tại huyện Cẩm Mỹ gần 500 ha và khu công nghệ thông tin tập trung tại Long Thành rộng 100 ha; đồng thời kiến nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án khu dân cư thương mại và cơ chế đặc thù tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản.
Đối với các dự án giao thông, tỉnh Đồng Nai sẽ triển khai xây dựng cầu Mã Đà và 2 tuyến giao thông kết nối dài 78 km để phát triển liên vùng; kiến nghị mở thêm đường nối vào cao tốc Dầu Giây - Tân Phú; mở rộng QL51 đoạn từ ngã tư Vũng Tàu đến cổng 11 theo hình thức PPP; cải tạo nút giao QL51 và cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, nút giao với đường 25B; đầu tư đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành…

Liên quan đến kiến nghị của tỉnh Đồng Nai, Bộ trưởng Trần Hồng Minh cho rằng đây là những nội dung rất thiết thực. Việc đầu tư cầu Mã Đà nối Đồng Nai và Bình Phước là hợp lý. Tuy nhiên, các đơn vị liên quan cần có báo cáo cụ thể, ghi nhận thực tế, thống kê loại cây bị ảnh hưởng bởi dự án, đặc biệt là ảnh hưởng đến rừng tự nhiên, sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp…
Trong khi đó, đại diện Bộ Tài chính đề nghị các tỉnh có báo cáo chi tiết cho từng dự án, làm căn cứ xem xét dự án cấp bách, để báo cáo, phân bổ vốn.
Đối với việc triển khai đường xuyên rừng Mã Đà nối Đồng Nai - Bình Phước, Bộ NN&MT cho biết vẫn phải xem xét theo quy định pháp luật để tháo gỡ các khó khăn liên quan.
Đối với việc phát triển NƠXH Bộ trưởng Trần Hồng Minh khẳng định, thời gian qua nhiều cơ chế chính sách đã được triển khai để tháo gỡ khó khăn, tăng số lượng nhà ở xã hội. Thời gian tới, lãnh đạo Chính phủ sẽ tăng cường làm việc với các nhà đầu tư, địa phương để đẩy nhanh xây dựng NƠXH.
Về giao thông, Bộ trưởng Trần Hồng Minh nhấn mạnh: “Tuyến đường sắt vào Bình Dương, Đồng Nai sau đó đi xuống Long Thành mới hoàn chỉnh được hệ thống và tính hợp lý nên cần có đề xuất hợp lý, có nhà đầu tư càng tốt”.
Đại diện tỉnh Bình Dương, ông Bùi Minh Trí - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Giai đoạn tới, địa phương sẽ tiếp tục quan tâm phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ, thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy đầu tư công để đạt mục tiêu tăng trưởng 10,5%.
"Tỉnh Bình Dương đã xây dựng 2 nhóm giải pháp ngắn hạn và dài hạn để phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Về ngắn hạn: tập trung chỉ đạo, hoàn thành đầu tư công, phát triển doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, quan tâm giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm để tăng kết nối nhanh giữa các địa phương. Giải pháp dài hạn: phát triển thị trường toàn diện, thu hút đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực...", ông Bùi Minh Trí cho biết.
Ông Bùi Minh Trí cũng kiến nghị tháo gỡ vướng mắc về dự án nhà ở, đó là vấn đề xác định nghĩa vụ tài chính và thu hút đầu tư. Ông Trí cũng cho biết, trên địa bàn đang triển khai hàng loạt dự án giao thông lớn và sẽ nỗ lực giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án.
Đại diện tỉnh Tiền Giang, ông Trần Văn Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết: Địa phương đang đẩy nhanh đầu tư hạ tầng giao thông, cầu, cao tốc… Trong đó, công tác giải phóng mặt bằng đã được triển khai nhanh. Tỉnh cũng giám sát chặt chẽ quá trình thi công để đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình. Lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu tăng tốc thi công.
Ông Trần Văn Dũng thông tin: Giai đoạn hiện nay, địa phương quan tâm phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ để đạt mục tiêu tăng trưởng 8%. Địa phương cố gắng tạo ra các giải pháp tích cực để đạt được mục tiêu. Tiền Giang kiến nghị bổ sung khoảng 3.000 tỷ đồng trong năm 2025 để đủ đáp ứng triển khai các dự án lớn tại địa phương; đồng thời đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ để nâng cao chất lượng xuất khẩu sầu riêng, tăng tỷ trọng cho ngành nông nghiệp.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Hồng Minh đề nghị ba địa phương thống kê những khó khăn, vướng mắc, cũng như các kiến nghị để các Bộ, ngành xem xét tháo gỡ, hướng dẫn nhanh nhất, dễ triển khai nhất. Những nội dung về các dự án thì các địa phương cần làm rõ, giai đoạn triển khai cụ thể để xem xét tính cấp bách của từng dự án mà lựa chọn để triển khai ngay.

Bộ trưởng cũng ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của các địa phương trong thời gian qua để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là nỗ lực đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chính sách, cơ chế mở, cải thiện môi trường đầu tư để thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư về địa phương.
Bộ trưởng đề nghị Bộ NN&MT xem xét trả lời ngay nội dung triển khai cầu Mã Đà, đường xuyên rừng để có quyết sách phù hợp. "Muốn làm đường dưới đất hay trên cao phải xem xét ngay, muốn triển khai phải làm ngay, chú ý không được sợ khó, không được chần chừ", Bộ trưởng Trần Hồng Minh nhấn mạnh.