Kiến tạo các thành phố thân thiện với môi trường
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Hoàng Vĩnh Hưng - Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia cho biết, quy hoạch, quản lý phát triển đô thị và hạ tầng xanh là cách tiếp cận để kiến tạo các thành phố thân thiện với môi trường bằng cách giảm chất thải và khí thải, thúc đẩy việc tạo ra các không gian xanh sử dụng vât liệu xây dựng bền vững và hỗ hỗ trợ phương tiện di chuyển không phát thải (xe điện, xe đạp, đi bộ). Đô thị xanh tìm cách giảm thiểu tối đa việc sử dụng năng lượng, nước và vật liệu ở mỗi giai đoạn trong tiến trình xây dựng và vận hành của mỗi khu đô thị, mỗi thành phố.
Tốc độ đô thị hoá đang gia tăng trên phạm vi toàn thế giới. Nhiều thành phố không đáp ứng tốt khi dân số tăng nhanh do phải tiếp nhận nhiều người nhập cư. Điều này dẫn đến sự mở rộng đô thị tràn lan, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường.
Quy hoạch và phát triển đô thị xanh giúp giải quyết những vấn đề cố hữu của đô thị, thúc đẩy các giải pháp tạo ra nhiều lợi ích về môi trường và xã hội, bao gồm: tăng cường khả năng hấp thụ khí thải của các thành phố, giúp giảm nhiệt độ đô thị một cách tự nhiên; các giải pháp giao thông xanh giúp cắt giảm khí thải, giảm ô nhiễm không khí, giảm tiếng ồn và các yếu tố gây căng thẳng; giúp cải thiện sức khỏe người dân và thúc đẩy phúc lợi cộng đồng; cải thiện giá trị bất động sản.
Bên cạnh đó, quy hoạch và phát triển đô thị xanh còn là giải pháp đối phó với thách thức mới về BĐKH và sự cạn kiệt của các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Tại Việt Nam, quy hoạch và phát triển đô thị xanh được coi là mục tiêu và giải pháp quan trọng trong nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 06/NQ-TW năm 2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, quy hoạch và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tâm nhìn đến năm 2045.
Sau cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (COP26), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chiến lược, kế hoạch hành động, như: Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí metan đến năm 2030; Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan ngành giao thông vận tải...
Trong thời gian qua, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành nhiều chương trình hành động triển khai các nghị quyết, chiến lược của Đảng và Chính phủ về các lĩnh vực tăng trưởng xanh, ứng phó với BĐKH và phát triển đô thị bền vững; triển khai nhiều hoạt động, dự án hợp tác, công trình nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực này như: dự án “Quy hoạch đô thị xanh”` phối hợp với tô chức KOIKA Hàn Quốc; triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu về tiêu chí đô thị xanh, đô thị sinh thái, hạ tầng xanh trong ứng phó với BĐKH; đề án Xây dựng một số đô thị, khu đô thị ven biển hiện đại, gắn với tăng trưởng xanh và thích ứng với BĐKH...
Quy hoạch - Kiến trúc đô thị xanh là yếu tố nền tảng
Ông Tạ Quốc Thắng - Vụ Quy hoạch - Kiến trúc (Bộ Xây dựng) cho biết, một trong các yếu tố nền tảng để phát triển công trình xanh (CTX) là công tác quy hoạch - kiến trúc đô thị hướng tới phát triển xanh và bền vững, tạo đà cho xu hướng phát triển CTX tại Việt Nam.
Thời gian qua, mặc dù Chính phủ, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và người dân đã nỗ lực mạnh mẽ trong việc nâng cao nhận thức, xây dựng và phát triển CTX. Tuy nhiên, kết quả đạt được còn khá khiêm tốn so với các nước trong khu vực trong lộ trình xây dựng và phát triển CTX.
Tính đến hết quý 2/2024, Việt Nam có tổng số 476 CTX tương đương với 11,489 triệu m2 sàn đạt chứng nhận xanh. Trong đó, có 209 công trình đạt chứng nhận xanh EDGE với hơn 4,7 triệu m2 sàn, 51 công trình đạt Green Mark với hơn 1,9 triệu m2 sàn, và 176 công trình đạt LEED với hơn 4,2 triệu m2 sàn. Tính theo tỷ lệ phần trăm các loại hình công trình, công trình công nghiệp chiếm tỷ lệ lớn nhất với hơn 37,8%; công trình nhà ở chiếm tỷ lệ hơn 36,3%; công trình văn phòng 11,88%; cơ sở lưu trú 6,52%..
Từ thực tế trên cho thấy, cần một thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp để tạo động lực và hình thành một thị trường CTX bền vững ở Việt Nam.
Ông Tạ Quốc Thắng cho rằng, trước hết cần phải xác định các mục tiêu phát triển CTX toàn diện trên phạm vi toàn quốc, có hiệu quả, vững chắc và nhanh, nhằm mục tiêu theo kịp trình độ của các nước phát triển CTX trung bình trên thế giới vào năm 2030.
Việt Nam đã có bề dày lịch sử kinh nghiệm về các giải pháp ứng phó khí hậu, thiên tai, thể hiện qua các giải pháp kiến trúc thích ứng khí hậu ở các công trình kiến trúc truyền thống, đây là nguồn kinh nghiệm quý báu để xây dựng và phát triển CTX một cách tiết kiệm và phù hợp điều kiện Việt Nam. Cùng với đó, cần đẩy mạnh các nghiên cứu về bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc (Điều 5 Luật Kiến trúc), phát triển các mẫu kiến trúc khai thác các giá trị kiến trúc truyền thống, thích ứng điều kiện vi khí hậu của mỗi địa phương, lồng ghép các mục tiêu phát triển CTX trong quy hoạch đô thị, quy chế quản lý kiến trúc của các địa phương.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật có liên quan nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho phát triển CTX. Đồng thời, xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, trong đó nghiên cứu các tiêu chuẩn kỹ thuật khác có liên quan đến vật liệu, thiết kế lắp đặt trang thiết bị công trình, đánh giá hiệu quả năng lượng của vật liệu và thiết bị, hiệu quả năng lượng của tòa nhà. Đồng thời xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá chứng nhận CTX phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Xây dựng, tạo lập và phát triển thị trường CTX; phát triển vật liệu xanh, thân thiện môi trường; tuyên truyền, đào tạo nâng cao nhận thức về CTX.
Cuối cùng, cần sự chung tay vào cuộc của mọi thành phần xã hội, nhất là chủ đầu tư dự án và người sử dụng công trình cần nâng cao nhận thức về lợi ích của công trình xanh, các vấn đề về vận hành công trình xanh một cách đúng đắn và hiệu quả. Đặc biệt, cần cân bằng lợi ích của các bên để hướng tới xây dựng một văn hóa sống xanh bền vững, có như vậy mới trả được giá trị nhân văn về đúng sứ mệnh của CTX.
Tiếp cận xanh và bền vững trong mọi cấp độ quy hoạch
Bà Lê Thúy Hà - Phó Trưởng phòng Nghiên cứu chiến lược và chính sách phát triển đô thị - Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia cho rằng, quy hoạch đô thị xanh đã được thống nhất từ cấp độ quy hoạch quốc gia, thể hiện rõ tính liên kết hữu cơ theo tầng bậc, mạng lưới - vành đai - chuỗi - dải, phát triển hợp lý theo các vùng lãnh thổ đặc thù để phát triển kinh tế, hỗ trợ và cạnh tranh, đảm bảo phát huy chức năng động lực vùng và quốc gia, nâng cao sức chống chịu. Đây cũng là tiền đề “xanh” cho các quy hoạch đô thị ở các loại và cấp tiếp theo.
Cấu trúc không gian đô thị xanh sẽ bảo tồn, coi trọng cấu trúc cảnh quan tự nhiên. Xây dựng định hướng phát triển kiến trúc, cảnh quan trên cơ sở phân vùng quy hoạch gắn với đặc điểm điều kiện tự nhiên và chức năng sử dụng. Cấu trúc đô thị dạng tập trung hoặc kết hợp, đô thị nén và phát triển phức hợp, đa năng, làm tăng hiệu quả sử dụng đất, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên cũng như chi phí xây dựng hạ tầng, tiết kiệm thời gian và chi phí di chuyển. Quy hoạch và thiết kế đô thị tối ưu cho sử dụng đất hỗn hợp sẽ giảm thiểu yếu tố giao thông, linh hoạt trong phát triển.
Về hạ tầng đô thị xanh, cơ sở hạ tầng đô thị thường có tuổi thọ dài và khó thay đổi sau khi đã xây dựng, vì vậy việc quy hoạch đòi hỏi tầm nhìn dài hạn 30 - 50 năm cùng với quan điểm thân thiện môi trường. Cơ sở hạ tầng đô thị bền vững có vai trò quan trọng đối với việc giảm tiêu hao năng lượng và phát thải khí nhà kính.
Hệ thống thoát nước bền vững được áp dụng thay cho hệ thống truyền thống. Việc thoát chậm để tránh lượng mưa tập trung lớn; tận dụng địa hình tự nhiên để thoát nước, lưu giữ khung thiên nhiên tối đa; sử dụng các hồ điều hòa và hệ thống truyền tải nước mưa để lưu giữ nước. Thấm nước mưa tự nhiên bề mặt ở các không gian công viên, quảng trường, bãi đỗ xe, ven sông; tái tạo tự nhiên cho kênh rạch và sông ngòi...
Hiện nay, việc quy hoạch “xanh” trong phát triển đô thị còn nhiều thách thức như mô hình tăng trưởng kinh tế đô thị chưa hợp lý; phát triển thiếu đồng bộ, dàn trải; nhận thức về đô thị xanh chưa đầy đủ. Tuy nhiên, công tác này cũng có thuận lợi và cơ hội khi có sự chỉ đạo quyết liệt của Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết 06-NQ/TW; đô thị phát triển đa dạng bản sắc, nhiều quy mô nhỏ và vừa; có sự hỗ trợ của công nghệ tiên tiến 4.0; hệ thống pháp luật từng bước phát triển.
Giải pháp thúc đẩy đô thị xanh - thông minh
Tại Hội thảo, ông Phạm Hoàng Hải - Giám đốc Quy hoạch và Hạ tầng, Công ty tư vấn quốc tế enCity đã chia sẻ 5 bài học nhằm kiến tạo đô thị đáng sống và thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua giải pháp quy hoạch hạ tầng xanh.
Thứ nhất, khai thác cảnh quan đặc trưng để tạo môi trường sống khác biệt với các định hướng không gian đô thị theo đặc trưng cảnh quan.
Thứ hai, hình thành hệ thống hành lang sinh thái tích hợp, tạo điểm kết nối giữa các vùng sinh thái, hình thành các hành lang xanh.
Thứ ba, tích hợp hạ tầng chống ngập với hệ thống cảnh quan, tích hợp không gian công cộng điểm đến vào CTX, xây dựng giải pháp bảo vệ đê biển gắn với tái tạo hệ sinh thái, giải pháp chống ngập trong đô thị với ví dụ cho TP Thủ Đức.
Thứ tư, thêm không gian cho nước và xây dựng các khu đô thị có khả năng thích ứng với ngập, phục hồi thiên nhiên và tôn vinh di sản.
Thứ năm, thêm không gian xanh bằng các giải pháp quản lý đô thị, phủ xanh quy đất dự trữ, kiểm soát hệ số phủ xanh công trình, thiết kế đô thị tới cấp độ công trình tăng độ phủ xanh.
Trong khuôn khổ Chuyên đề 3 của Hội thảo, các diễn giả đã có phiên thảo luận xoay quanh các vấn đề liên quan đến công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị xanh, hạ tầng xanh tại Việt Nam từ vấn đề vĩ mô như xây dựng chính sách quy hoạch phát triển đô thị, đến các vấn đề cụ thể, thiết thực như cải tạo chỉnh trang không gian công cộng đô thị, xây dựng hạ tầng xanh gắn với phát triển các khu đô thị xanh, phát triển hệ thống chiếu sáng xanh tiết kiệm năng lượng, các giải pháp cải thiện môi trường đô thị...
Theo ông Hoàng Vĩnh Hưng, phát triển đô thị hiện nay của Việt Nam cũng như một số nước đang phát triển mới nổi lên 2 vấn đề lớn. Thứ nhất, khi dân số tăng nhanh kết hợp với tốc độ đô thị hóa tăng nhanh khiến hạ tầng quá tải làm chất lượng môi trường cũng như chất lượng đô thị bị giảm sút.
Thứ hai, thách thức về BĐKH, đây cũng là kết quả của quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa; gia tăng lượng khí thải, khí nhà kính, khiến khí hậu toàn cầu nóng lên làm BĐKH toàn cầu. Biến đổi này tác động tiêu cực, gây nên những hiện tượng cực đoan của thiên nhiên (bão, lũ lụt, động đất, sóng thần,…) gia tăng cả về tần suất và cường độ và làm thay đổi toàn bộ quy luật của thiên tai mà chúng ta biết được trong khoảng 200 năm trở lại đây.
Do đó, chúng ta cần phải bàn về vấn đề quy hoạch xanh, hạ tầng xanh, đô thị xanh… đây là giải pháp mà các nước phát triển đã tìm thấy để giải quyết 2 vấn đề mà chúng ta đang gặp phải. Kể cả các vấn đề cố hữu của đô thị, vấn đề quá tải hạ tầng,… Giải pháp này có khả năng giảm nhé các tác động tiêu cực và tăng tính thích ứng với biến đổi đô thị.
Giải pháp phát triển đô thị xanh, quy hoạch xanh, hạ tầng xanh có rất nhiều lợi ích khác nhau. Lợi ích đầu tiên là gia tăng khả năng thích ứng, khả năng mà các đô thị có thể ứng phó được các hiện tượng bất thường của thiên nhiên; và giải quyết vấn đề thường ngày, gia tăng tỉ lệ cây xanh trong đô thị, hấp thụ nhiều hơn phát thải, làm thay đổi phương thức giao thông phát thải nhiều chuyển sang phương thức phát thải thấp như xe điện, sử dụng giao thông công cộng làm giảm phát thải, tiếng ồn, tạo đô thị hiền hòa và tăng chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Tất cả những yếu tố trên, cho thấy nếu áp dụng các giải pháp về chính sách từ cấp Trung ương tới địa phương, giải pháp quy hoạch của các doanh nghiệp đã cung cấp các giải pháp như: chiếu sáng đô thị thông minh của Công ty Rạng Đông, giải pháp quy hoạch hạ tầng xanh của Công ty tư vấn quốc tế enCity,… từ định hướng vĩ mô đến những giải pháp mang tính vi mô.
Theo ông Tạ Quốc Thắng - Vụ Quy hoạch - Kiến trúc (Bộ Xây dựng), các địa phương hiện nay đều rất quan tâm đến đô thị xanh và các giải pháp để có thể thích ứng với BĐKH. Tuy nhiên, mặt nhận thức hiện nay chưa được đồng đều; ứng dụng KHCN cũng đang ở bước sơ khai trong việc kết hợp với lộ trình chuyển đổi số và phát triển đô thị thông minh đóng vai trò lớn trong việc phát triển đô thị xanh - thông minh.
Việc ứng dụng công nghệ AI trong lập quy hoạch đô thị, như dự báo về dân số, hiện nay đang sử dụng phương pháp truyền thống là thống kê, thu thập dữ liệu. Nhưng nếu ứng dụng công nghệ thông minh, có thể thông qua số lượng thuê bao di động hay lượng vận chuyển thông qua các đơn hàng hóa sẽ có thể dự báo được nhu cầu di chuyển. Từ đó sẽ tính được lưu lượng người sử dụng phương tiện giao thông cá nhân hay công cộng. Tất cả những vấn đề này chi phối mạnh mẽ nhiều đến việc đề xuất phương án.
Hay việc mô phỏng phần mềm, khi địa phương có sự điều chỉnh về quy hoạch, như tăng giảm diện tích về cây xanh. Phần mềm sẽ tự tính toán và dự báo lượng giảm phát thải có đạt được như kỳ vọng hay không.
Trong bối cảnh hiện nay, theo ông Thắng, cần phải quan tâm đến vấn đề ứng dụng công nghệ thông minh, bên cạnh đó cũng cần phải gắn với việc chuyển đổi số trước những thách thức như hiện nay.