

Cần cách tiếp cận mới
Lịch sử phát triển của Hà Nội đã trải qua nhiều giai đoạn và dấu ấn của lịch sử văn hóa vẫn còn khắc ghi trên các di tích, di sản kiến trúc đô thị của Hà Nội. Lịch sử của Hà Nội được bồi đắp tích tụ bởi những lớp trầm tích của không gian và thời gian. Hà Nội hôm nay vẫn luôn hiện hữu những con phố nhỏ, những mái lô xô ẩn hiện sau những hàng cây [6]. Hà Nội đã viết nên những kỷ niệm khó quên giản dị, mộc mạc, gieo vào lòng người bao cảm xúc. Hà Nội trải qua bao thăng trầm lịch sử hơn 1.000 năm phát triển và để tới năm 1954 đã vui mừng đón tiếp đoàn quân về tiếp quản Thủ đô, chính thức mở ra một trang sử mới trong giai đoạn phát triển Thủ đô. Sau 70 năm đổi mới và phát triển, Hà Nội hôm nay đã trở thành một thành phố hiện đại, bản sắc, đa dạng về văn hóa... Để tiếp tục phát triển với những giá trị hiện có, Hà Nội vẫn cần cách tiếp cận mới để gìn giữ những nét đẹp “ký ức đô thị” đã tạo nên tình yêu của bao du khách ghé thăm.
Đô thị Hà Nội có lịch sử hình thành và phát triển lâu dài. Hà Nội - Thăng Long ngàn năm tuổi được hình thành trên cơ sở địa hình được xác định bởi 3 con sông: Sông Hồng, sông Tô Lịch và sông Kim Ngưu. Do vậy trong bản thân Hà Nội chứa đựng nhiều cảnh quan đẹp gắn với mặt nước sông hồ.
Trong một ngàn năm xây dựng đô thị, Hà Nội đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển như là thời kỳ phong kiến, thời kỳ thuộc Pháp, thời kỳ XHCN, thời kỳ mở cửa… Mỗi thời kỳ đều đóng góp những kiến trúc có giá trị cũng như những cảnh quan kiến trúc đô thị tạo nên bản sắc riêng của đô thị Hà Nội. Những khu vực kiến trúc đô thị đại diện cho các thời kỳ này hình thành nên những giá trị văn hoá kiến trúc mà ta còn gọi những cảnh quan đô thị lịch sử cần được giữ gìn.
Những khu vực cảnh quan đô thị Hà Nội mang sắc thái đặc trưng của các thời kỳ có thể liệt kê như sau:
- Khu phố cổ Hà Nội là khu bán lẻ, khu chợ thương mại, khu phường thợ tồn tại lâu đời. Đó là một di sản quý báu và là một phần độc đáo của đô thị Hà Nội. Cho tới nay, phố cổ Hà Nội thể hiện tất cả những thuộc tính của một đô thị phương Đông, nơi hội tụ của nhà ở, cửa hàng, các công trình tôn giáo tín ngưỡng… được phân bổ theo ngành nghề thủ công và các loại hàng hóa được bày bán, nơi thể hiện sự thống nhất giữa nơi cư trú, buôn bán và sản xuất.
- Khu phố thời Pháp với sự hài hoà về tỷ lệ, mầu sắc, hình khối hoà nhịp với những con đường xinh xắn, những hàng cây xanh mướt. Có lẽ đây là một trong những nơi có cảnh quan đô thị đẹp nhất Đông Nam Á.
- Khu vực Hoàng thành với những kết quả khảo cổ gần đây, cùng với những di tích đang còn lưu giữ cũng như bề dày lịch sử của khu vực cho thấy một tiềm năng di sản to lớn.
- Những làng nghề truyền thống xen lẫn trong cơ thể đô thị Hà Nội cũng là nét đặc thù và có vai trò đóng góp không nhỏ tạo nên hình ảnh chung của Hà Nội. Đã có những bài học lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô. Những cái tên như làng hoa Ngọc Hà, làng rau Láng, làng đào Nhật Tân… gợi nên bao luyến tiếc về những địa chỉ cảnh quan đô thị vang tiếng một thời của Hà Nội nhưng nay chỉ còn trong thơ ca.
- Những công trình tôn giáo tín ngưỡng hàng trăm năm tuổi, nơi thể hiện những ước vọng tâm linh của người Việt.
Bên cạnh những giá trị di sản kiến trúc đô thị, Hà Nội còn chứa đựng những giá trị vô hình cho thấy một trình tự phát triển không gian tương ứng với thời gian đi từ Hoàng thành đến khu phố thị dân và khu phố xây dựng thời Pháp. Các thành phần này tạo nên nét đặc trưng và tính thống nhất. Nói một cách khác, tính thống nhất tương đối về không gian của đô thị lịch sử Hà Nội là kết quả của quá trình chuyển hoá liên tục từ tiếp xúc đến kết hợp, và tiếp biến các kiến trúc đại diện cho các nền văn hoá khác nhau (phương Đông và phương Tây) để hoàn thiện những đặc điểm và bản sắc của kiến trúc đô thị Hà Nội [2].
Thêm vào đó, giá trị vô hình của Hà Nội còn được thể hiện qua chính cuộc sống của người dân gắn liền với các khu vực cảnh quan đô thị lịch sử. Có lẽ chính hoạt động này của đô thị trong một trung tâm thành phố quá đông đúc là một phần của nét đặc trưng địa phương. Hoạt động này cần được bảo vệ trong công tác bảo tồn đô thị: Đó không phải là những công trình kiến trúc đơn thuần mà là cả cuộc sống đang diễn ra [5].
Việc bảo tồn các khu vực cảnh quan đô thị lịch sử sẽ tăng thêm chiều sâu cho thành phố và đồng thời cũng làm đậm nét thêm tầm cỡ và vai trò của nó. Khách tham quan đến với Hà Nội chính là để khám phá những phần hấp dẫn nhất, đặc trưng nhất, cái mà có lẽ tập trung nhiều nhất tại các cảnh quan đô thị lịch sử của Hà Nội. Sự hấp dẫn về du lịch có giá trị kinh tế cao, tuy nhiên quan trọng hơn vẫn là sự nhận thức về giá trị đặc biệt của các cảnh quan đô thị lịch sử.
Chính sách đổi mới nền kinh tế ở Việt Nam trong những năm gần đây là động lực chính thúc đẩy nhanh quá trình đô thị hoá theo hướng hội nhập khu vực hoá và quốc tế hoá. Trong quá trình này, Hà Nội và nhiều đô thị khác của Việt Nam đang dần đánh mất đi cá tính và hoà tan trong dòng phát triển. Rất nhiều các khu vực cảnh quan đô thị lịch sử đang bị biến dạng và mất đi giá trị ban đầu.
Cùng với sự phát triển kinh tế, nhu cầu cuộc sống ngày càng tăng đòi hỏi một sự phát triển tương xứng của thủ đô Hà Nội. Thành phố phát triển mở rộng cùng với nhiều vấn đề nhức nhối phát sinh: Nạn kẹt xe, úng ngập, ô nhiễm môi trường đô thị, rác thải, nhu cầu và sự xuống cấp nhà ở… không chỉ là sức ép lớn đối với đô thị mà với cả những khu vực cảnh quan lịch sử.
Hiện tượng phát triển chắp vá sao chép, không cá tính đang làm Hà Nội mất dần đi hình ảnh duyên dáng thanh bình xưa. Các cảnh quan đô thị lịch sử đang chịu nhiều thách thức từ những thay đổi tiêu cực:
- Bùng nổ xây dựng và đổi mới đang phá huỷ các cảnh quan đô thị lịch sử.
- Xe cộ đông đúc đã dẫn tới tiếng ồn và ô nhiễm không khí không có lợi cho sức khoẻ. Bên cạnh đó, số lượng khách hàng tăng nhanh chóng đã dẫn đến việc tranh giành sử dụng đất vốn đã căng thẳng ở khu vực lịch sử này.
- Đầu cơ bất động sản, hoạt động thương mại… là những thách thức dễ nhận thấy nhất đe dọa làm mất đi những đặc trưng của đô thị thông qua việc hủy hoại các cảnh quan đô thị lịch sử.
- Ý thức bảo vệ các khu vực cảnh quan đô thị lịch sử còn chưa được xác định rõ, cũng chính vì vậy các phương tiện cũng như biện pháp để quy hoạch khu vực cảnh quan và những quy định của các cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa đầy đủ và có sức thuyết phục.
- Động lực thực sự làm định hình các đô thị chính là khu vực kinh tế. Các lợi ích ngắn hạn đang biến tất cả thành tiền bạc mà không để ý tới di sản văn hóa và các khu vực cảnh quan đô thị lịch sử dường như là cái gì đó cản trở cái gọi là quá trình hiện đại hóa...
Việc các cảnh quan đô thị lịch sử bị biến dạng, các “ký ức đô thị" bị xóa bỏ sẽ là những nguy cơ to lớn là các ý niệm lịch sử hoàn toàn bị đánh mất đồng nghĩa với mất đi nguồn gốc. Hà Nội đang đứng trước nguy cơ đánh mất đi sự hấp dẫn của chính mình. Tất cả những điều trên cần được xác định thêm về cách nhìn nhận và ứng xử đối với các khu vực cảnh quan đô thị trong bối cảnh chung của công tác bảo tồn đô thị Hà Nội nhằm gìn giữ những ký ức lịch sử, sự hấp dẫn của thành phố đã trên 1.000 năm tuổi.
Những cảnh quan đô thị lịch sử, những di sản kiến trúc văn hoá không phải là vật cản với quá trình hiện đại hóa. Nhận thấy mối đe dọa từ sự phát triển quá nhanh không kiểm soát đối với cảnh quan của các đô thị lịch sử, công việc gìn giữ những công trình kiến trúc riêng lẻ có giá trị đã được mở rộng ra thành bảo tồn toàn bộ khu vực cảnh quan đô thị lịch sử. Thực tế cho thấy rằng bảo tồn một hay một số công trình kiến trúc chưa đủ đảm bảo cho việc kiểm soát chất lượng không gian cảnh quan đô thị. Tính hài hòa đã trở thành một tiêu chí thường xuyên trong quan điểm bảo tồn cảnh quan các đô thị lịch sử. Việc đặt những công trình đương đại trong các cảnh quan đô thị lịch sử sẽ tạo ra những thú vị nhìn thấy được bên ngoài và bên trong công trình. Tuy nhiên trong sự đặt các công trình đương đại trong cảnh quan các đô thị lịch sử bao giờ cũng phải hướng tới tương lai chứ không quay về quá khứ [3].
Việc bảo toàn tính liên tục của lịch sử và không gian cảnh quan đô thị lịch sử là nguyên tắc quan trọng để giữ được một cách toàn vẹn những giá trị của đô thị lịch sử, đồng thời tăng cường những yếu tố giúp nhận diện rõ bản sắc văn hoá đô thị Hà Nội. Cũng giống như con người, mỗi đô thị đều có những vai trò và những đặc trưng hình ảnh riêng được tạo dựng bởi các khu vực cảnh quan đô thị lịch sử. Cần thiết xác định các vùng và điểm đặc trưng của các cảnh quan đô thị lịch sử. Trong quá trình xây dựng và phát triển phải tôn trọng những đặc trưng này.
Khi bàn về vấn đề bảo tồn đô thị và cảnh quan đô thị lịch sử, có thể thấy sự tham gia của người dân và việc bảo tồn di sản có liên quan một cách mật thiết với nhau. Thực ra không thể có việc bảo tồn các khu vực cảnh quan lịch sử nào mà thiếu sự tham gia của người dân, kể cả khi đã có những danh sách chính thức về các công trình kiến trúc và các địa điểm cần được bảo vệ. Tầm quan trọng của các nhu cầu cuộc sống không được che khuất tầm nhìn về tầm quan trọng của ký ức trong việc tạo dựng hình ảnh của đô thị. Điều đó có nghĩa là cần xem xét kỹ lưỡng hơn cả đối với những khu vực cảnh quan được gọi là đổ nát để nâng cấp chúng một cách cẩn thận và biến chúng thành một bộ phận không thể thiếu trong sự phát triển của cộng đồng chung. Sự tiếc nuối về Nhà máy đóng tàu Ba Son (trường hợp của TP.HCM) và tương lai của Nhà máy xe lửa Gia Lâm là câu hỏi thách thức đang đặt ra.
Nghiên cứu thiết kế bảo tồn các khu vực cảnh quan đô thị lịch sử cần xuất phát từ điều tra thu nhận các thông tin về cơ cấu đô thị, không gian khu phố, lịch sử phát triển đô thị. Những nghiên cứu đó được sử dụng để đánh giá và xác định giá trị của khu vực được chọn đề bảo tồn. Vấn đề bảo tồn đô thị không đơn giản chỉ là giữ gìn một vài công trình hay nhóm công trình nào đó mà cần xác định thêm các giá trị sẽ bảo tồn.
Sau khi giá trị được xác định và thiết lập, cần bắt đầu tư duy một cách chiến lược về các vấn đề bảo tồn, thành lập các qui định có hệ thống, hay các buổi thảo luận về tiềm năng trong tương lai, chẳng hạn như các vấn đề kinh tế trong bảo tồn hay các giải pháp về kỹ thuật bảo tồn. Nếu chỉ thuần tuý quan tâm đến việc bảo tồn một vài công trình, việc bảo tồn sẽ phải đối diện với áp lực của nhu cầu cải tạo phục vụ cuộc sống và phát triển kinh tế. Mục tiêu của công tác bảo tồn hướng tới là tạo ra những cảnh quan đô thị tràn đầy sức sống và nhộn nhịp chứ không phải một khu vực sẽ bị lãng quên hoặc như một bảo tàng không sức sống. Một số công việc được đề xuất từ thực tiễn có thể cụ thể hóa như sau:
- Tiến hành nghiên cứu đánh giá, hệ thống lại các cảnh quan đô thị lịch sử của Hà Nội.
- Xây dựng một qui chế cho việc giữ gìn các khu vực cảnh quan này
- Xây dựng cách tiếp cận tổng thể đa ngành.[4]
- Thiết lập một chu trình tham quan tới các cảnh quan đô thị lịch sử với các phương tiện đa dạng: đi bộ, xe đạp, xe bus… Việc này đã được làm khá tốt trong Lễ hội sáng tạo Hà Nội 2024 cần phát huy và nhân rộng.
- Những tấm biển của nhận thức: Hình ảnh của các khu vực cảnh quan đô thị lịch sử chưa được nhận thức một cách đầy đủ bởi chính các cư dân đang sinh sống quanh đó. Các tấm biển với đường dẫn thông tin có thể cho người dân địa phương cũng như du khách biết về lịch sử, những giá trị về văn hóa, kiến trúc cũng như cảnh báo họ về những nguy cơ xâm phạm cảnh quan và giúp họ có những nhận thức và ứng xử đúng đắn.
Hiện đại và bản sắc đô thị là hai vấn đề có quan hệ tương hỗ, hữu cơ, đồng thời là thước đo chính xác nhất mức độ thành công của giải pháp phát triển đô thị, phản ánh trình độ phát triển của văn minh đô thị. Các cảnh quan đô thị lịch sử tập trung nhiều tại các khu vực cổ và cũ chính là các thành tố quan trọng định hình hình ảnh của một đô thị in sâu trong ký ức của các cư dân và cả các du khách. Với xu thế hội nhập, những lý thuyết về thiết kế đô thị, bảo tồn đô thị cũng như những kinh nghiệm của thế giới đang cho những nhận thức mới về các cảnh quan đô thị lịch sử. Vai trò cũng như tác động của các cảnh quan đô thị lịch sử đến hình ảnh của một đô thị khiến cần phải quan tâm và có những biện pháp hữu hiệu để gìn giữ và phát huy chúng vào trong tiến trình phát triển đô thị.
Tài liệu tham khảo:
1. Phạm Đức Thành (2020). "Bảo tồn và phát triển các đô thị di sản ở Việt Nam" -Tạp chí Quy hoạch Đô thị.
2. UNESCO (2021). "Urban Heritage and Sustainable Development in Southeast Asia". Báo cáo khu vực.
3. Trần Đình Quý (2017). Kiến trúc và bản sắc đô thị Việt Nam. NXB Xây dựng.
4. Smith, M. K. (2006). Cultural Heritage and Urban Development. Routledge.
5. Logan, W. (2002). The Disappearing "Asian" City: Protecting Asia's Urban Heritage in a Globalizing World. Oxford University Press.
6. UBND TP Hà Nội. (2024) Kiến trúc Hà Nội 70 năm giải phóng Thủ đô 1954 -2024. NXB Xây dựng.