Phân vân bởi việc thực hiện Chương trình 1 triệu căn hộ NƠXH trong cả nước hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt ở những chính sách vĩ mô nhằm hấp dẫn các nguồn lực xã hội, trong đó có các nhà đầu tư tư nhân. Không phải ngẫu nhiên những địa phương có nhu cầu lớn về NƠXH như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… lại có tỷ lệ thấp khi tham gia các dự án NƠXH.
Về nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng, đến nay, các ngân hàng thương mại đã giải ngân với số tiền là 1.144 tỷ đồng, bao gồm 1.133 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 11 dự án và 11 tỷ đồng cho người mua nhà tại 4 dự án. Vẫn chưa đến 1%! |
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đã nhìn ra được những khó khăn này, đánh giá tiến độ triển khai gói cho vay NƠXH 120 nghìn tỷ đồng còn chậm, chưa đáp ứng kỳ vọng đề ra; doanh nghiệp bất động sản tiếp tục đối mặt khó khăn về thanh khoản, dòng tiền… nhưng lại lo lắng về việc xuất hiện tình trạng “lách luật” để đầu tư, mua bán căn hộ NƠXH; giá nhà chung cư, kể cả NƠXH tại một số địa bàn tăng cao đột biến do nguồn cung khan hiếm, cơ cấu sản phẩm trên thị trường mất cân đối…
Tuy nhiên cần phải nhìn nhận một thực tế rằng, cụm từ “thanh tra toàn diện” hiện đang rất nhạy cảm đối với các dự án liên quan đến tài sản công, liên quan đến quản lý Nhà nước mà NƠXH là một trong số đó. Vậy, nếu Chính phủ tổ chức “thanh tra toàn diện” vào thời điểm này, liệu có phải thêm một “má phanh” vào một cỗ máy vốn đang ì ạch, rất cần có sự hỗ trợ tích cực?
Một vấn đề được đặt ra, đến nay, kinh nghiệm và bài học về chiến lược phát triển NƠXH của Việt Nam cũng đã ngót 70 năm. Vậy đã bao giờ chúng ta có một cuộc tổng kết bài bản, sâu sắc về tính ưu việt của thể chế, tính nhân văn của cộng đồng, tính tiện ích của quy hoạch, tính thẩm mỹ của kiến trúc, tính hiệu quả sử dụng… cùng với những mặt trái của hệ thống NƠXH hay chưa? Câu trả lời là chưa!
Khi nghe tin này, một nhà đầu tư tư nhân về NƠXH tâm sự: Trong cơ cấu tài sản một dự án NƠXH, nguồn vốn đóng góp của họ có thể chiếm tới trên dưới 70%. Phần còn lại là do được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước về đất đai, về tín dụng, về thuế… Khi thanh tra Nhà nước vào cuộc, chỉ thanh tra phần tài sản công hay lục tung tất cả chứng từ, sổ sách để tìm những hành vi dự đoán có thể xảy ra?
Phân vân ấy của họ không phải là không có lý!
Theo quy định của Luật Thanh tra có các hình thức thanh tra như sau:
1. Hoạt động thanh tra được thực hiện theo kế hoạch hoặc đột xuất.
2. Thanh tra theo kế hoạch được tiến hành theo kế hoạch thanh tra đã được ban hành.
3. Thanh tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hoặc do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao.
Thiết nghĩ, nên có cuộc “tổng kết toàn diện” trước khi đề xuất “thanh tra toàn diện”. Còn khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân đơn lẻ nào có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chỉ nên thanh tra tổ chức, cá nhân liên quan mà thôi!