Ngày 23/4, Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch Điện VIII).
Bám sát các định hướng phát triển trong Quy hoạch tổng thể quốc gia
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, cơ quan tư vấn lập quy hoạch khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia tại cuộc họp để tiếp tục hoàn thiện Quy hoạch Điện VIII trên cơ sở các nguyên tắc và nội dung cụ thể.
Quy hoạch Điện VIII là quy hoạch ngành quốc gia rất quan trọng, phải đáp ứng nhịp điệu phát triển kinh tế, xã hội theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; đúng định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; bám sát các định hướng phát triển trong Quy hoạch tổng thể quốc gia được Quốc hội thông qua và các cam kết, thỏa thuận quốc tế.
Quy hoạch phải đảm bảo đồng bộ, kế thừa các mặt tích cực và hiệu quả của quy hoạch trước đây; tối ưu phát triển nguồn điện và lưới điện truyền tải để cung cấp điện cho phụ tải, giảm tối đa truyền tải liên vùng.
Đồng thời tối ưu hóa các nguồn điện chạy nền cùng với các nguồn điện năng lượng tái tạo; khai thác hợp lý, hiệu quả tiềm năng năng lượng sơ cấp của đất nước, góp phần thúc đẩy phát triển các vùng vùng kinh tế.
Các kịch bản, lộ trình chuyển đổi năng lượng công bằng cần tính toán dựa trên tiến bộ của khoa học, công nghệ, tiềm năng và nhu cầu, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt cần tối ưu hóa về kinh tế để làm cơ sở quyết định.
Trong bối cảnh năng lượng thế giới phát triển nhanh do tiến bộ khoa học, công nghệ và quá trình chuyển đổi năng lượng, yêu cầu đặt ra với Quy hoạch điện VIII là cần có cách tiếp cận mới, trong đó có các yếu tố động và mở.
Quy hoạch phải đảm bảo yêu cầu tổng thể, đồng bộ, an ninh năng lượng cho nền kinh tế, cân bằng giữa các nguồn điện, phụ tải điện, lưới điện với giá thành hợp lý, phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước (yếu tố tĩnh).
Bên cạnh đó, yếu tố động và mở là phương án lộ trình, chuyển dịch năng lượng công bằng phù hợp với điều kiện khoa học và công nghệ, quản trị tiên tiến, để chủ động điều hành linh hoạt, hiệu quả với mục đích đem lại lợi ích kinh tế cao nhất cho nền kinh tế, lợi ích tốt nhất cho nhân dân.
Dự báo chính xác nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội
Cơ quan tư vấn lập quy hoạch và các cơ quan quản lý chịu trách nhiệm rà soát lại số liệu, đánh giá lại hiện trạng nguồn và lưới điện truyền tải, tiến độ các dự án đang triển khai, dự báo chính xác nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu điện sinh hoạt cho nhân dân, yêu cầu bảo đảm an ninh năng lượng để bảo đảm tính khả thi của quy hoạch.
Bổ sung nghiên cứu theo hướng quy hoạch động, mở với nguồn điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối, điện rác theo tiềm năng và khả năng tự sản, tự tiêu cùng với giải pháp cân bằng, ổn định hệ thống điện như thủy điện tích năng, pin tích điện, sản xuất hydrogen, amoniac xanh…
Đặc biệt cần có cơ chế để phát triển điện áp mái cho sinh hoạt ở khu vực có khả năng thiếu điện sinh hoạt trong những năm tới.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, cần làm rõ số liệu quy hoạch điện mặt trời các dạng áp mái, tự sản tự tiêu hoặc thực hiện theo hình thức mua bán điện trực tiếp, không được hợp thực hóa các dự án vi phạm pháp luật, các dự án phát triển thiếu đồng bộ giữa nguồn phụ tải, hạ tầng truyền tải và không hiệu quả về kinh tế.
Rà soát các số liệu tiềm năng điện gió ngoài khơi, tính toán quy hoạch điện gió cho sản xuất hdrogen, amoniac xanh… Đối với nguồn điện sinh khối cần báo cáo kỹ thêm về tiềm năng, hiệu quả, đồng thời xem xét khả năng tăng quy mô nguồn điện sinh khối trong quy hoạch cho phù hợp.
Bổ sung, đánh giá thêm khả năng phát triển các nguồn điện tích năng, pin lưu trữ để bảo đảm vận hành an toàn, tin cậy, hiệu quả hệ thống điện quốc gia tích hợp quy mô lớn các nguồn điện gió và mặt trời.
Quy hoạch Điện VIII đưa ra danh mục các dự án quan trọng quốc gia, các dự án ưu tiên đầu tư của ngành điện theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch.
Ngoài ra, các dự án cụ thể sẽ được xác định trong kế hoạch 5 năm và hàng năm, phù hợp với nhu cầu điện năng của nền kinh tế, phát triển của khoa học công nghệ, nguồn lực đầu tư, đồng bộ với các kế hoạch sử dụng đất, phát triển các ngành.
Bộ Công Thương cũng được yêu cầu nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp bao gồm cả thu hút, huy động nguồn lực, trách nhiệm cụ thể của từng Bộ, ngành, địa phương trong tổ chức thực hiện quy hoạch sau này.