Tiến độ phân bổ, sử dụng nguồn lực chậm…
Sáng 13/10, tại phiên họp thứ 27, UBTVQH cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về kết quả thực hiện, khó khăn vướng mắc trong triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2023 và đề xuất giải pháp, cơ chế đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày Báo cáo kết quả thực hiện của Chính phủ cho biết, công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các Chương trình luôn là nhiệm vụ trọng tâm, thường kỳ của Chính phủ và được Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt.
Nghị quyết của Chính phủ, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ luôn đặt ra yêu cầu cao nhất, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương để đẩy nhanh tiến độ triển khai.
Các địa phương chủ động ban hành các nghị quyết, kế hoạch chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện. Hoàn thành việc kiện toàn, thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, ban giám sát đầu tư cộng đồng, ban phát triển thôn để phân công, phân cấp, thống nhất công tác chỉ đạo, điều hành và phối hợp…
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, công tác hoàn thiện thể chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình từ trung ương đến địa phương chậm, chưa kịp thời, đồng bộ, ảnh hưởng lớn đến triển khai các khâu từ phân bổ, giao kế hoạch thực hiện, tổ chức thực hiện và giải ngân vốn Chương trình tại các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Công tác nghiên cứu, khảo sát, đánh giá đặc điểm tự nhiên, xã hội, văn hóa, rà soát mặt bằng pháp lý trong xây dựng các Chương trình, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa được tiến hành đồng bộ, kỹ lưỡng ngay từ trước khi ban hành chính sách, quy định, dẫn đến tình trạng có một số chính sách của Chương trình không phù hợp hoặc thiếu cơ sở pháp lý.
Bên cạnh đó, tiến độ phân bổ, sử dụng nguồn lực thực hiện các Chương trình tại cả trung ương và các cấp tại địa phương chậm. Trong công tác xây dựng kế hoạch, nhiều địa phương chưa chủ động chuẩn bị tốt việc xác định nhu cầu danh mục, nguồn lực đầu tư dự án các cấp ngay từ đầu giai đoạn, đầu năm kế hoạch, có tâm lý đợi có vốn mới triển khai thực hiện...
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kiến nghị, cần phát huy cao nhất vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, đôn đốc và tuyên truyền. Tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, chỉ đạo, giám sát giữa các cơ quan trung ương và địa phương, hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp để kịp thời đôn đốc, chỉ đạo tiến độ và nắm bắt, xử lý vướng mắc khó khăn.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp truyền thông, thông tin về chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về quản lý, triển khai thực hiện các Chương trình. Đặc biệt, có thêm những cơ chế đặc thù nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình.
Không ban hành nghị quyết riêng
Báo cáo đề xuất, giải quyết kiến nghị của Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm - Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn Giám sát cho biết, Đoàn Giám sát thống nhất cao sự cần thiết Chính phủ trình Quốc hội xem xét, ban hành một số giải pháp, chính sách đặc thù để tháo gỡ vướng mắc, tạo thuận lợi cho các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình.
Đề nghị UBTVQH xem xét, đồng ý chủ trương đối với nội dung đề xuất của Chính phủ, cho phép quy định các nội dung về giải pháp, cơ chế đặc thù trong nghị quyết giám sát chuyên đề của Quốc hội mà không ban hành nghị quyết riêng.
Về thời gian thực hiện, chỉ áp dụng quy định đến hết năm 2025 để phù hợp với thời gian thực hiện các Chương trình. Sau đó, trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện các Chương trình, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc thực hiện trong giai đoạn tiếp theo.
Về đề xuất cụ thể của Chính phủ trình Quốc hội quyết định “cho phép HĐND cấp tỉnh được quyết định việc phân cấp cho UBND cùng cấp quyết định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án, kế hoạch, mô hình phát triển sản xuất trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia’’, Đoàn Giám sát thống nhất với ý kiến của UBPLQH, đề xuất UBTVQH đồng ý đưa nội dung này vào Nghị quyết giám sát trình Quốc hội và thực hiện đến hết năm 2025.
Trong đó, đối với các địa phương chưa ban hành nghị quyết của HĐND cấp tỉnh, giao UBND cấp tỉnh quyết định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất trong thực hiện các Chương trình; Đối với các địa phương đã ban hành, trong quá trình triển khai thực hiện, UBND cấp tỉnh được điều chỉnh trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất trong thực hiện các Chương trình và báo cáo HĐND cùng cấp tại kỳ họp gần nhất…
Giải ngân cần có “van”, có “khóa”…
Thống nhất với nội dung báo cáo, Chủ nhiệm UBTCNSQH Lê Quang Mạnh nhất trí với nội dung báo cáo về các cơ chế, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn. Song điều quan trọng là quá trình chuẩn bị các nội dung bảo đảm quy trình, đánh giá chặt chẽ, thiết kế giải pháp khả thi nhằm tạo thay đổi cơ bản, thực chất.
Cho ý kiến về việc ủy thác nguồn vốn NSNN qua các hệ thống ngân hàng thương mại để hỗ trợ việc thực hiện các Chương trình, đặc biệt là đối với các nguồn vốn tự cân đối NSĐP, Chủ nhiệm UBTCNSQH Lê Quang Mạnh cho biết, thực tế việc ủy thác các nguồn vốn NSNN qua hệ thống ngân hàng thương mại đã phát huy nhiều khía cạnh tích cực, đặc biệt tạo chủ động và linh hoạt cho địa phương, cho người dân trong thực hiện.
Nếu áp dụng một cách lâu dài mà chứng minh được thực tiễn hiệu quả hơn, tốt hơn thì sẽ đóng góp một bằng chứng quan trọng cho việc cải thiện hệ thống Kho bạc nhà nước hiện nay. Tuy nhiên, Luật NSNN và Luật Đầu tư công thì không quy định vấn đề này, trong thời gian vừa qua, đã thí điểm cho phép áp dụng tại TP.HCM…
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm UBKTQH Vũ Hồng Thanh nêu rõ, trong thực tiễn giám sát, việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, không chỉ vướng ở khâu tổ chức, triển khai, chỉ đạo, thực hiện các quy định, nghị định, thông tư, hướng dẫn… Chính phủ cần có chỉ đạo quyết liệt để những công việc thuộc thẩm quyền của các cơ quan được tổ chức thực hiện hiệu quả. Việc ban hành nghị quyết mới không có nghĩa rằng việc chậm triển khai các Chương trình do hệ thống pháp luật.
Cùng với việc đẩy nhanh tốc độ giải ngân, cần nâng cao chất lượng công việc, tránh giải ngân ồ ạt không đạt hiệu quả, chất lượng như mục tiêu đề ra. Nếu giải ngân không có “van”, không có “khóa”, không có kiểm tra, giám sát thì không bảo đảm phân bổ đúng mục đích, dễ dẫn đến thất thoát, tiêu cực, lãng phí. Cần tăng cường kiểm tra, giám sát để bảo đảm hiệu quả đầu tư.