Sáng 15/11, UBTVQH cho ý kiến về nội dung dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề việc thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG).
Phát biểu thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhất trí với chủ trương cho phép kéo dài vốn năm 2022 của các CTMTQG chưa giải ngân hết năm 2023 (bao gồm vốn đầu tư phát triển, kinh phí chi thường xuyên của NSTW và NSĐP) sang thực hiện trong năm 2024.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, nội dung này không nên đưa vào Nghị quyết giám sát chuyên đề và cũng không đưa vào Nghị quyết ngân sách, mà nên đưa vào Nghị quyết cơ chế đặc thù.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng chia sẻ khó khăn của các Bộ, ngành và các địa phương trong triển khai thực hiện 3 CTMTQG, nguyên nhân là do đề xuất xây dựng Chương trình chưa đúng với thực tiễn, việc thẩm định, phê duyệt Chương trình chưa đến nơi đến chốn, trong đó có trách nhiệm của Chính phủ, các Bộ, ngành và một phần trách nhiệm của Quốc hội.
Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cần có chủ trương xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các CTMTQG trong thời gian tới. Đề nghị Chính phủ tiếp tục chuẩn bị nội dung kỹ lưỡng, trước và sau phải tạo sự thống nhất, nếu đề xuất mới, bổ sung thêm thì cần nêu rõ.
Ngoài ra, Bộ KH&ĐT có đề nghị đưa vào dự thảo Nghị quyết Đoàn giám sát nội dung: Cho phép HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định việc điều chỉnh một số nội dung như: (1) Danh mục dự án đầu tư công năm 2022, 2023 trong khuôn khổ kế hoạch, vốn đầu tư đã được cấp có thẩm quyền giao năm 2022, 2023; (2) Dự toán chi NSNN vốn sự nghiệp, giữa các nội dung, dự án, lĩnh vực chi không còn đối tượng chi, hoặc không hiệu quả sang nội dung khác trong cùng một Chương trình, nhưng bảo đảm không vượt tổng dự toán giao vốn sự nghiệp hàng năm của địa phương.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, đề xuất này của Bộ KH&ĐT cần báo cáo cụ thể để Quốc hội quyết định, xem xét và cũng không đưa vào Nghị quyết giám sát lần này, Nghị quyết giám sát chỉ nêu đồng ý chủ trương phân cấp cho HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định việc điều chỉnh. Tuy nhiên, cần phải làm theo đúng trình tự, quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng nêu rõ, quan điểm của Đoàn giám sát mong muốn các nội dung này không đưa vào Nghị quyết giám sát mà đưa vào Nghị quyết cơ chế đặc thù để Quốc hội thông qua tại kỳ họp gần nhất.