Cần đẩy nhanh tiến độ điều tra địa chất về khoáng sản

12:10 23/02/2022
Để phục vụ cho công tác lập quy hoạch khoáng sản làm VLXD, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản.

Nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý khoáng sản, Bộ Xây dựng đề nghị Bộ TN&MT tổng kết việc thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010 làm cơ sở để rà soát, sửa đổi Luật Khoáng sản trong theo yêu cầu Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, để có đầy đủ thông tin, số liệu từ kết quả điều tra, đánh giá khoáng sản phục vụ cho công tác lập quy hoạch khoáng sản làm VLXD.

Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt "Định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" thay thế "Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2427/QĐ-TTg ngày 22/12/2011.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục xây dựng và đề xuất ban hành chính sách ưu đãi khuyến khích các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản hoặc sử dụng vật liệu từ chất thải, phế thải công nghiệp, vật liệu mới, cát nghiền thay thế cát tự nhiên, vật liệu thân thiện với môi trường.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục rà soát quy hoạch khoáng sản để tích hợp vào quy hoạch tỉnh ở dạng: “Phương án bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên, đa dạng sinh học, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn” theo điểm n khoản 2 Điều 27 của Luật Quy hoạch, theo hướng hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung, loại bỏ các cơ sở khai thác, chế biến có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường; cân đối cung cầu cát xây dựng và vật liệu san lấp trên địa bàn, khuyến khích phát triển và sử dụng các vật liệu thay thế có sẵn tại địa phương; hạn chế việc sử dụng cát tự nhiên làm vật liệu san lấp; đặc biệt, nghiên cứu đẩy mạnh việc sử dụng cát nghiền nhân tạo cho bê tông và vữa thay thế cát tự nhiên.

Rà soát  điều chỉnh, cập nhật kịp thời các mỏ quy hoạch khoáng sản làm VLXD để đảm bảo không chồng chéo, không ảnh hưởng tới các khu vực an ninh quốc phòng, di tích lịch sử, văn hóa, du lịch, không tác động tiêu cực tới môi sinh, môi trường, dân cư để thống nhất báo cáo Bộ Xây dựng kịp thời điều chỉnh, bổ sung trong quá trình lập Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm VLXD thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định pháp luật về quy hoạch.

Tăng cường công tác quản lý quy hoạch và cấp phép hoạt động khoáng sản làm VLXD trên địa bàn; kiểm tra và yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản thực hiện đúng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế khai thác, thực hiện đầy đủ theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã phê duyệt, đảm bảo an toàn lao động, hạn chế gây thất thoát tài nguyên, ô nhiễm môi trường.

Giám sát việc đầu tư các dự án đầu tư khai thác, chế biến khoáng sản đảm bảo sử dụng công nghệ khai thác tiến tiến, tiêu hao nguyên, nhiên liệu, điện năng thấp, đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường, khuyến khích chế biến khoáng sản nhằm nâng cao giá trị tài nguyên.

Chú trọng công tác hoàn nguyên mỏ sau khai thác, tăng cường kiểm tra, giám sát để buộc các doanh nghiệp tuân thủ theo quy định của pháp luật bảo vệ môi trường. Nghiêm túc thực hiện công tác báo cáo về tình hình thực hiện Quy hoạch, cấp phép hoạt động khoáng sản và xuất khẩu khoáng sản làm VLXD trên địa bàn theo quy định.

Bình luận