Nhu cầu cát đắp cần 14 triệu m3
Theo BQLDA Mỹ Thuận (Bộ GTVT), để hoàn thành công tác gia tải Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và đoạn Hậu Giang - Cà Mau vào tháng 10/2024, nhu cầu vật liệu cát còn lại cần 14 triệu m3, tương ứng công suất bình quân khoảng 55.000 m3/ngày. Ttrường hợp hoàn thành 30/6/2024 thì cần khoảng 90.000 m3/ngày.
BQLDA Mỹ Thuận cho biết, tại Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và đoạn Hậu Giang - Cà Mau, các nhà thầu đang khai thác 5 mỏ tại tỉnh Đồng Tháp và 01 dự án chỉnh trị dòng chảy sông Vàm Nao tại tỉnh An Giang, nhưng mới chỉ đạt bình quân khoảng 14.000 m3/ngày (tính trong 10 ngày gần đây nhất).
Trường hợp đồng loạt khai thác toàn bộ 16 mỏ với trữ lượng được cho phép khai thác trong năm khoảng 11,5 triệu m3, (dự kiến bắt đầu khai thác từ tháng 2/2024), thì công suất khai thác bình quân đạt 34.000 m3/ngày. Với công suất này, đến tháng 10/2024 (thời gian dự kiến đắp xong gia tải) chỉ đưa về công trường được khoảng 9 triệu m3 (đạt 64% nhu cầu còn lại) và đạt 75% trữ lượng cát được phép khai thác trong năm 2024.
Theo tính toán của BQLDA Mỹ Thuận, có 2 tình huống xảy ra, nếu 16 mỏ được khai thác tối đa công suất của thiết bị được phép sử dụng mà không bị hạn chế theo ngày, tức công suất 55.000 m3/ngày, thì khối lượng đắp đến tháng 10/2024 đạt 11,5 triệu m3, thiếu 2,5 triệu m3.
Trường hợp chỉ được khai thác với công suất 34.000 m3/ngày như hiện nay, khối lượng đắp đến tháng 10/2024 đạt 9 triệu m3, thiếu 5 triệu m3. Phần khối lượng thiếu 2,5 triệu m3 hiện nay do tỉnh An Giang thiếu 1 triệu m3 và tỉnh Vĩnh Long thiếu 2,1 triệu m3, chưa bố trí đủ cho dự án.
Cần rút ngắn thời gian chờ lún
Trước tình trạng thiếu nguồn cung vật liệu cát đắp, BQLDA Mỹ Thuận cho biết, để có thể hoàn thành dự án vào cuối năm 2025, cần thiết nghiên cứu giải pháp rút ngắn tối đa thời gian chờ lún.
Theo đó, Ban QLDA Mỹ Thuận đã chủ động làm việc với Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) và các đơn vị tư vấn thiết kế tổ chức rà soát, xây dựng lại kế hoạch dựa trên khả năng cung ứng vật liệu thực tế hiện nay và đưa ra một số giải pháp cụ thể.
Trong đó, thực hiện điều chỉnh giải pháp kỹ thuật bằng cách giảm khoảng cách cắm bấc thấm để rút ngắn tối đa thời gian chờ lún. Đối với các đoạn đắp thấp, nghiên cứu phương án tăng tải để rút ngắn thời gian chờ lún.
Tổ chức phân chia công địa thi công theo thứ tự ưu tiên những đoạn có thời gian chờ lún lâu triển khai thi công trước. Thi công dứt điểm từng phân đoạn đến cao độ gia tải để tổ chức theo dõi quan trắc. Ưu tiên nguồn cát hiện có cho tuyến chính đường cao tốc và các nút giao trọng yếu.
Bên cạnh đó, BQLDA Mỹ Thuận cũng sẽ tích cực làm việc với các địa phương có mỏ đá để tăng công suất mỏ, tổ chức tập kết vật liệu đá ngay từ đầu năm 2024 để chủ động nguồn vật liệu.
Điều phối khối lượng cát hiện có giữa các đơn vị để đảm bảo đủ vật liệu thi công các đoạn tuyến ưu tiên; hoặc cắt chuyển khối lượng của các đơn vị chưa có đủ nguồn cát hoặc không chủ động kiếm tìm mỏ cát cho các đơn vị đã có cát để thi công.
Phối hợp chặt chẽ với UBND 2 tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh để triển khai thủ tục khai thác cát biển nhằm sử dụng cát biển để thi công một số hạng mục đắp nền đường tuyến nối, làm vật liệu gia tải và có thể sử dụng một phần cho tuyến chính (từ k95 trở xuống).
Để thực hiện đồng bộ với các giải pháp trên, BQLDA Mỹ Thuận yêu cầu các nhà thầu khẩn trương huy động đầy đủ, kịp thời nhân sự, thiết bị, vật tư và nguồn tài chính để thi công dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng và an toàn.
Các nhà thầu cũng cần thực hiện nghiêm túc kế hoạch thi công chi tiết năm 2024 và kế hoạch hoàn thành năm 2025 đã ký cam kết; đồng thời, chủ động và tích cực hơn nữa trong việc tìm kiếm nguồn vật liệu cát, đá, đất đắp bao... để thi công dự án; cử nhân sự cấp cao của đơn vị thường xuyên làm việc với các địa phương để được hỗ trợ về thủ tục cấp mỏ hoặc tăng công suất mỏ (bao gồm mỏ đất, đá, cát) để cấp cho dự án theo cơ chế đặc thù. Ban QLDA Mỹ Thuận sẽ tiếp tục đồng hành cùng các đơn vị.
Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và đoạn Hậu Giang - Cà Mau bị chậm khoảng 6 tháng. BQLDA Mỹ Thuận cùng với các nhà thầu thi công, TVGS đã xây dựng kế hoạch thi công năm 2024 phải đạt tối thiểu 60% giá trị hợp đồng. Ngày 17 và 18/01/2024, các nhà thầu đã ký cam kết với BQLDA Mỹ Thuận và TVGS đảm bảo tiến độ đoạn Cần Thơ - Hậu Giang 4.342/6.846 tỷ đồng, đoạn Hậu Giang - Cà Mau 7.357/11.966 tỷ đồng, bằng việc thi công hoàn thành các hạng mục chính gồm: (i) Hoàn thành toàn bộ đường công vụ; (2) Thi công xong đến bê tông bản mặt cầu đối với 100% số lượng cầu trên tuyến; (3) Thi công xong hạng mục CĐM, PVD trên tuyến; (4) Đắp xong 100% cát gia tải.