Cần giải pháp về chính sách tiền tệ để người thu nhập thấp mua được nhà

20:15 08/06/2022
Chiều 8/6, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, trong phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, các đại biểu Quốc hội đặt ra vấn đề về chính sách tiền tệ để người nghèo, người thu nhập thấp tiếp cận được tín dụng mua nhà giá rẻ.

Giải pháp về chính sách tiền tệ để bảo đảm thị trường BĐS phát triển lành mạnh

Tại nghị trường, đại biểu Lê Thanh Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau đặt vấn đề, thị trường BĐS có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, siết chặt tín dụng đối với BĐS có thể dẫn đến hệ lụy như: thị trường sẽ đình trệ, người nghèo, nhất là người nghèo ở đô thị khó mua được nhà giá rẻ.

Đại biểu Lê Thanh Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Mục đích quản lý của Nhà nước là chống đầu cơ, chống bong bóng BĐS nhưng trên thực tế, vẫn có nhiều doanh nghiệp BĐS làm ăn nghiêm túc, đúng pháp luật. Với tư cách người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước, đề nghị Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chỉ rõ các giải pháp về chính sách tiền tệ để bảo đảm cho thị trường BĐS phát triển lành mạnh?

Còn đại biểu Đỗ Thị Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho rằng, thị trường BĐS dự báo có thể sẽ tiếp tục biến động, tình trạng nhà đầu tư đầu cơ đẩy giá đất lên cao bất thường trong đấu giá đã gây sốt ảo BĐS, bong bóng giá nhà đất, làm lũng đoạn thị trường. Dòng tiền đầu tư vào hoạt động kinh doanh BĐS rất lớn, trong đó có nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng. Tình trạng này cũng ảnh hưởng đến việc cấp tín dụng, định giá tài sản đảm bảo của các tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, cho vay kinh doanh BĐS vẫn là lĩnh vực rủi ro đối với hoạt động ngân hàng.

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang.

Trước thực trạng trên, đại biểu đề nghị Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chỉ rõ những công cụ, biện pháp toàn diện, mạnh mẽ hơn để quản lý, kiểm soát có hiệu quả hơn nguồn vốn cho vay kinh doanh BĐS?

Ngoài ra, có nhiều tổ chức, cá nhân có nhu cầu thực sự được vay vốn tín dụng để mua nhà ở, đặc biệt là nhà ờ xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ. Thống đốc có giải pháp chủ yếu như thế nào để tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể này tiếp cận được nguồn vốn?

Ngân hàng quan tâm nhất đến tín dụng BĐS

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về chính sách tiền tài chính tiền tệ liên quan đến BĐS, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, tín dụng BĐS nhận được sự quan tâm nhất của hoạt động ngân hàng bởi rủi ro lớn.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, bản chất của tín dụng BĐS thường giá trị lớn, kỳ hạn dài; trong khi tiền gửi của hệ thống ngân hàng lại là tiền gửi ngắn hạn. Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước có những quy định pháp luật để kiểm soát rủi ro đối với BĐS và đã có những quy định và chỉ đạo các tổ chức tín dụng khi cho vay các khoản vay có tài sản đảm bảo phải thường xuyên đánh giá lại những tài sản đảm bảo để nhận diện những rủi ro của khoản vay đó.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh cần chấn chỉnh những méo mó của thị trường BĐS nhưng không phải là hạn chế thị trường BĐS phát triển.

Với quan điểm, chính sách đối với tài chính đối với kinh tế phải nhất quán, thông suốt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, với thị trường BĐS, đề nghị phải thanh tra, kiểm tra, giám sát từ sớm, từ xa, tránh trường hợp “mất bò mới lo làm chuồng”.

Tất cả các thị trường liên quan đến BĐS phải thông suốt, một mặt giám sát, quản lý chặt thị trường BĐS, mặt khác tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường BĐS phát triển.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh cần chấn chỉnh, xử lý những méo mó, hư hỏng của thị trường BĐS nhưng không phải là đóng cửa, hạn chế thị trường BĐS phát triển.

Bình luận