
Hiện nay, Hà Nội có khoảng 1,1 triệu ôtô, 6,9 triệu xe máy và khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh thành khác thường xuyên lưu thông trên địa bàn. Theo đánh giá của các chuyên gia, số lượng phương tiện này đang là một thách thức lớn với giao thông nội đô Hà Nội.
Tại buổi làm việc với Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, sẽ đẩy nhanh thời gian loại bỏ xe xăng và thay thế bằng xe điện.
Đây là một chủ trương lớn và cần thiết trong bối cảnh ô nhiễm môi trường và ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng tại Thủ đô.
Quyết sách cho một Hà Nội xanh, sạch, văn minh là hoàn toàn đúng đắn. Việc chuyển đổi sang xe điện là xu hướng nhiều đô thị trên thế giới đang triển khai, mang lại nhiều lợi ích rõ rệt.
Trước hết, về môi trường, xe điện không phát thải khí độc hại trực tiếp, góp phần cải thiện chất lượng không khí, bảo vệ sức khỏe người dân. Đây là một trong những động lực quan trọng nhất, đặc biệt đối với một thành phố có mức độ ô nhiễm không khí cao như Hà Nội. Hoạt động của xe điện êm hơn nhiều so với xe xăng, góp phần giảm ô nhiễm tiếng ồn đô thị.
Thứ hai, chi phí vận hành xe điện sẽ thấp hơn so với xe xăng do giá điện rẻ hơn xăng và xe điện có hiệu suất năng lượng cao hơn.
Thứ ba, đây là bước đi phù hợp với xu hướng phát triển bền vững. Việc chuyển đổi sang năng lượng sạch là xu thế chung của thế giới, thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc giảm phát thải khí nhà kính.

Đó là những lợi ích có thể định lượng. Nhưng ngay trước mắt, việc đẩy nhanh lộ trình này, theo nhiều chuyên gia, sẽ đặt ra không ít thách thức lớn đối với Hà Nội. Chủ tịch VAMM, bà Sayaka Arai - Tổng Giám đốc Honda Việt Nam cũng kiến nghị, thành phố cần có lộ trình cụ thể.
Về cơ sở hạ tầng, hiện nay mạng lưới trạm sạc xe điện tại Hà Nội còn rất hạn chế, đặc biệt là các trạm sạc nhanh và các điểm sạc công cộng tiện lợi. Để đáp ứng nhu cầu của hàng triệu phương tiện, cần có một sự đầu tư khổng lồ vào hạ tầng trạm sạc, bao gồm cả việc quy hoạch vị trí, nguồn điện, và hệ thống quản lý. Thêm nữa, việc chuyển đổi hàng triệu xe xăng sang xe điện sẽ đặt áp lực lớn lên hệ thống điện quốc gia. Cần đảm bảo nguồn cung cấp điện ổn định và đủ lớn để đáp ứng nhu cầu sạc xe, đặc biệt vào giờ cao điểm.
Xe xăng đốt nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm. Với xe điện, vấn đề xử lý pin đã qua sử dụng là một thách thức môi trường lớn. Ngay từ bây giờ, cần có quy trình tái chế, xử lý pin hiệu quả để tránh gây ô nhiễm.
Không chỉ có vậy, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, đa số người sử dụng xe máy có thu nhập trung bình, vì thế, việc xây dựng các chính sách hỗ trợ về tài chính là vô cùng cần thiết.
Thực tế là, giá xe điện, còn khá cao so với xe xăng, gây khó khăn cho đại đa số người dân có thu nhập trung bình. Cần có các chính sách ưu đãi để khuyến khích người dân chuyển đổi như: Giảm thuế trước bạ, phí cấp biển số, hỗ trợ một phần chi phí mua xe điện; Có thể xem xét các chương trình thu mua xe xăng cũ hoặc hỗ trợ tài chính cho người dân khi chuyển đổi; Ưu đãi về hạ tầng (Miễn phí hoặc giảm phí sạc, ưu tiên làn đường cho xe điện, v.v.); Khuyến khích các nhà sản xuất cung cấp nhiều dòng xe điện với mức giá và tính năng đa dạng, phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của nhiều đối tượng người dân…
“Việc chuyển đổi mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ tác động lớn đến đi lại và mưu sinh của hàng triệu người dân. Có khoảng 2.000 đại lý, 200 nhà cung cấp phụ tùng, hàng trăm nghìn nhân viên sẽ bị ảnh hưởng và có nguy cơ mất việc nếu chuyển đổi đột ngột” - Chủ tịch VAMM, bà Sayaka Arai - Tổng Giám đốc Honda Việt Nam.
Xe máy là phương tiện đi lại chủ yếu của người dân Hà Nội. Việc chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện đòi hỏi sự thay đổi lớn trong thói quen sử dụng, bảo dưỡng, và sạc pin. Nhiều người dân vẫn lo ngại về quãng đường di chuyển của xe điện sau mỗi lần sạc, thời gian sạc pin lâu, và chi phí thay pin (?). Họ vẫn chưa có đủ thông tin và kiến thức về xe điện, dẫn đến sự e dè khi quyết định mua và sử dụng. Chính vì thế, cần minh bạch về chi phí sử dụng, bảo dưỡng xe điện và đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn về pin, sạc để người dân yên tâm hơn khi sử dụng. Cùng với đó là sự phát triển đồng bộ và mạnh mẽ hệ thống giao thông công cộng (xe buýt điện, metro) để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Việc Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, đẩy nhanh thời gian loại bỏ xe xăng và thay thế bằng xe điện là một quyết định có tầm nhìn chiến lược và cần thiết để giải quyết các vấn đề môi trường và giao thông của thành phố. Tuy nhiên, để quyết định này thực sự khả thi, cần có một lộ trình cụ thể, chi tiết, được xây dựng bài bản, đi kèm với các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ từ nhà nước, sự đầu tư đồng bộ vào cơ sở hạ tầng (đặc biệt là trạm sạc), và các chương trình nâng cao nhận thức, hỗ trợ chuyển đổi cho người dân.
Nhanh chóng hoàn thiện hệ sinh thái xe điện toàn diện. Đó là gốc của thành công cho cuộc chuyển đổi này. Nếu không, việc đẩy nhanh lộ trình có thể gặp nhiều khó khăn, không đạt được hiệu quả như mong muốn. Bởi, còn đó nhiều bài học chậm trễ khi chưa có sự chuẩn bị thấu đáo đã ban hành những chính sách. Bằng chứng là, sau gần 10 năm ban hành Nghị quyết số 04, ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường của Hà Nội lại có phần trầm trọng hơn.
Ngày 04/7/2017, HĐND TP đã ban hành Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND thông qua Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.