Thông tin từ Công an TP Hà Nội cho biết, hồi 0h46’ ngày 24/5/2024, Tổng đài 114 - Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an TP Hà Nội nhận được tin báo cháy nhà dân tại địa chỉ số 1, hẻm 31, ngách 98, ngõ 43 đường Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy.
Ngay khi nhận được thông tin, Công an Thành phố đã điều động 50 cán bộ, chiến sĩ của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH và Công an quận Cầu Giấy, lực lượng Cảnh sát 113, Công an phường Trung Hòa khẩn trương đến hiện trường phối hợp các lực lượng khác của chính quyền và người dân địa phương tổ chức chữa cháy.
Đến 0h52’ cùng ngày, các đơn vị đã tiếp cận hiện trường, triển khai chữa cháy, ngăn cháy lan cùng các mũi trinh sát tìm kiếm, cứu người bị nạn. Thời điểm này đám cháy đã phát triển mạnh thiêu rụi nhiều xe máy, xe đạp điện, xe đạp tại khu vực sân, khói và khí độc bao trùm toàn bộ khu vực cháy.
Các lực lượng đã tổ chức phá khóa cổng chính, phá ô cửa sổ tiếp cận vào bên trong ngôi nhà và cứu được 07 người mắc kẹt, trong đó có 03 người bị thương được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.
Đến 01h26’, đám cháy được dập tắt hoàn toàn. Qua tìm kiếm, sơ bộ các lực lượng phát hiện 14 người tử vong.
Công an TP Hà Nội tham mưu cho Thành ủy, UBND Thành phố chỉ đạo các Sở, ngành có liên quan phối hợp UBND quận Cầu Giấy tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình nạn nhân, khắc phục hậu quả sau vụ cháy.
Đồng thời, Giám đốc Công an TP Hà Nội đang chỉ đạo các đơn vị liên quan, Công an quận Cầu Giấy phối hợp các Cục nghiệp vụ Bộ Công an khẩn trương điều tra, xác minh, làm rõ nguyên nhân vụ cháy để giải quyết, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Mặc dù vụ hỏa hoạn nghiêm trọng này đang được các ngành chức năng TP Hà Nội xác minh, điều ra, làm rõ nguyên nhân để xử lý theo quy định của pháp luật, tuy nhiên, vụ việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc quản lý, kiểm tra về PCCC và kiểm soát việc cho thuê căn hộ để ở trên địa bàn TP Hà Nội cần phải quyết liệt hơn nữa nhằm tránh những hệ lụy, hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Điểm lại trong vòng 5 năm qua, trên địa bàn Hà Nội đã có nhiều vụ cháy nghiêm trọng.
Tháng 10/2022, vụ cháy tòa nhà ở ngõ 132 Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) đã khiến lực lượng chức năng phải điều động 4 xe chữa cháy cùng hơn 20 cán bộ, chiến sĩ tới hiện trường dập lửa, giải cứu 11 người.
Tháng 5/2023, một vụ cháy cũng xảy ra ở tầng 3 của khu nhà tại ngách 20, ngõ 426 Đường Láng (quận Đống Đa).
Thảm họa cháy tang thương nhất vào tháng 9/2023, tại chung cư mini ở ngõ 29/70 phố Khương Hạ (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) đã khiến 56 người chết.
Mới đây, vào 12 giờ 40’ ngày 19/5/2024, đã xảy cháy tại tòa chung cư mini 9 tầng, 1 tầng tum ở phố Quan Nhân (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân), vụ cháy không gây thiệt hại về người.
Một điểm dễ nhận thấy là hầu hết những tòa nhà dạng này đều xây hoặc cải tạo, cơi nới sai phép, không đủ điều kiện về PCCC.
Cách đây không lâu, vào trung tuần tháng 4/2024, UBND TP Hà Nội đã từng có văn bản gửi các sở, ngành, địa phương trên địa bàn yêu cầu tăng cường quản lý công tác PCCC đối với chung cư mini, nhà trọ trên địa bàn thành phố.
Trong đó, UBND TP Hà Nội giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND quận, huyện, thị xã, tăng cường quản lý trật tự xây dựng đối với nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở dịch vụ cho thuê trọ, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ...
Các trường hợp có dấu hiệu vi phạm phải chuyển hồ sơ, kiến nghị cơ quan điều xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời, UBND TP Hà Nội cho biết, những cơ sở chây ỳ, có dấu hiệu trốn tránh, không thực hiện khắc phục phải xử lý nghiêm, kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động, cưỡng chế, cắt điện, không cho đăng ký tạm trú... để yêu cầu thực hiện.
Tại Kỳ họp thứ 13 ngày 22/9/2023, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết số 26/NQ-HĐND về các biện pháp tăng cường công tác PCCC&CNCH trên địa bàn thành phố. Trong đó, chỉ rõ trên địa bàn thành phố còn 433 khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao và 150.484 cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC.
Đồng thời, thừa nhận, tình hình cháy, nổ trên địa bàn Thành phố vẫn diễn biến phức tạp và nhiều nguy hiểm; thiệt hại về người và tài sản vẫn ở mức cao.
Số vụ cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng chiếm khoảng 3,59% tổng số vụ cháy nhưng lại gây mức độ thiệt hại về tài sản chiếm khoảng 85%. Đặc biệt, 9 tháng của năm 2023 đã xảy ra 185 vụ cháy, trong đó có vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân.
Một số nguyên nhân chủ yếu là được chỉ ra như: Các điều kiện về cơ sở, hạ tầng phục vụ công tác PCCC&CNCH còn nhiều tồn tại, khó khăn, chưa theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Một số chính quyền địa phương, người đứng đầu cơ sở chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác PCCC; một số nơi còn có biểu hiện lơ là, chủ quan, còn tâm lý phó mặc cho các cơ quan chuyên trách.
Còn một số cơ sở không chấp hành nghiêm các kiến nghị, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động của cơ quan có thẩm quyền và tìm cách đối phó với cơ quan quản lý…
Nhận thức và sự vào cuộc của lãnh đạo, các cấp chính quyền Thủ đô trong công tác PCCC đối với các công trình nhà ở, nhất là nhà ở, căn hộ cho thuê khá rõ và quyết liệt. Bên cạnh đó, các quy định về PCCC, quy chuẩn tiêu chuẩn về dân cư, quy hoạch, chế tài xử lý cũng đã đầy đủ.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn có những vụ hỏa họa nghiêm trọng xảy ra. Từ vụ cháy nhà dân tại quận Cầu Giấy, Hà Nội rạng sáng 24/5, TP Hà Nội cần nghiêm túc đánh giá toàn diện công tác PCCC và kiểm soát chặt hơn nữa, có giải pháp quyết liệt để quản lý loại hình nhà ở cho thuê.
Có một câu hỏi được đặt ra là, tại từng địa bàn cơ sở, mỗi khi một cá nhân hay tổ chức nào đó thực hiện các hoạt động xây dựng, cán bộ làm công tác quản lý trật tự xây dựng, địa chính, chính quyền sở tại đều nắm rõ. Vậy tại sao những khu nhà cơi nới, những tòa nhà vượt tầng vẫn cứ lừng lững mọc lên và đi vào vận hành: bán, cho thuê…?!
Câu trả lời rằng: Chính sự buông lỏng của một bộ phận những người làm công tác quản lý trật tự xây dựng, sự thiếu giám sát của chính quyền địa phương đã khiến tình trạng xây dựng trái phép của tòa nhà riêng lẻ theo kiểu nhiều tầng, nhiều căn hộ “nở rộ” tại khắp nơi. Điều này góp phần vào làm gia tăng áp lực dân số, cũng như phá vỡ cảnh quan tại nhiều khu vực, đặt môi trường đô thị của thành phố vào nhiều thử thách với những nguy cơ, trong đó mối nguy cháy nổ là hiện hữu.
Thống kê mới nhất của Sở Xây dựng cho biết, trong năm 2022, trên địa bàn TP Hà Nội có 19.211 công trình xây dựng. Qua kiểm tra, các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, huyện, thị xã đã phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý 320 trường hợp vi phạm (tỉ lệ 1,67%), giảm 0,46% so với năm 2020. Đây đã là năm thứ 6 liên tiếp, số vụ vi phạm trật tự xây dựng giảm.
Ngoài 320 trường hợp vi phạm đã xử lý nêu trên, còn bao nhiêu công trình khác nữa vi phạm trật tự xây dựng đã bị bỏ qua? Bao nhiêu trong số đó có tầm nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mạng người dân như tòa nhà riêng lẻ trong hẻm 29/70 Khương Hạ bị cháy hồi tháng 9/2023 và hôm nay là nhà số 1, hẻm 31, ngách 98, ngõ 43 đường Trung Kính?
Thêm một vụ cháy với bao mất mát đau thương hiện hữu giữa lòng Thủ đô. Cần phải quy trách nhiệm cụ thể để không còn những cảnh tang thương như thế!