Ngày 23-24/11, tại Hà Nội diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế về “Đào tạo - Nghiên cứu về an toàn cháy ở châu Á”, do Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị (UAI) - Trường Đại học Xây dựng (ĐHXD) Hà Nội và Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy (PCCC) phối hợp tổ chức. Đây là sự kiện được tổ chức 2 năm một lần tại các nước nằm trong mạng lưới đào tạo, nghiên cứu về an toàn cháy châu Á. Hội thảo lần thứ 9, năm 2023 được tổ chức tại Việt Nam.
Tham dự Hội thảo có GS.TS Kazunori Kuwana - Trưởng Khoa Khoa học và công nghệ Phòng hoả toàn cầu, Trường ĐH Khoa học Tokyo; GS.TS Ken Matsuyama, Giám đốc trung tâm nghiên cứu Phòng hoả - Trường ĐH Khoa học Tokyo; PGS.TS Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng), Đại tá. TS Phạm Văn Năm - Phó hiệu trưởng Trường ĐH PCCC, PGS.TS Hoàng Tùng - Hiệu trưởng Trường ĐHXD Hà Nội, GS.TS Doãn Minh Khôi, Viện trưởng Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị cùng nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Hoàng Tùng - Hiệu trưởng Trường ĐHXD Hà Nội cho biết, hiện nay an toàn phòng hỏa là một vấn đề vô cùng quan trọng trong các đô thị trên thế giới, cũng như ở các thành phố lớn của khu vực Đông Á và Việt Nam.
Trong những năm gần đây, với tốc độ phát triển đô thị nhanh chóng, hỏa hoạn đã trở thành nguy cơ mất an toàn trong các khu ở mật độ cao, các tòa chung cư cao tầng, kho xưởng và công trình công cộng. Trong bối cảnh đó, khoa học về an toàn cháy ngày càng phát triển tại các trường đại học, các viện nghiên cứu trên toàn thế giới, đặc biệt là ở châu Á đã thiết lập một mạng lưới nghiên cứu nhằm chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp thông tin, phổ biến các kiến thức cơ bản, trong các khâu thiết kế kiến trúc, tính toán kết cấu, thi công, thoát hiểm... đến yếu tố an toàn phòng hỏa giữa các nước tiến tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và các nước khác trong khu vực châu Á mà các hội thảo khoa học của tổ chức “Nghiên cứu, đào tạo an toàn cháy châu Á” đã diễn ra đều đặn hàng năm ở các nước khác nhau.
GS.TS Doãn Minh Khôi, Viện trưởng Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị khẳng định: Hội thảo lần thứ 9 sẽ là diễn đàn để các nhà khoa học chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi các phương pháp giảng dạy, nghiên cứu, áp dụng tiêu chuẩn và quy chuẩn PCCC, những biện pháp và công nghệ phòng cháy cứu hộ tiên tiến.
Hội thảo cũng sẽ là cơ hội để các nhà tư vấn, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu tham khảo và bổ sung các thông tin khoa học hữu ích để các sản phẩm của mình hướng tới mục tiêu an toàn và chất lượng.
Phát biểu với Hội thảo, GS Kazunori Kuwana, Trưởng khoa Khoa học và công nghệ phòng hoả toàn cầu, Đại học Khoa học Tokyo cho biết: Viện Quy hoạch và Kiến trúc Đô thị và khoa Đào tạo sau đại học và Trung tâm khoa học và công nghệ phòng hỏa - Trường Đại học Tokyo đã có nhiều năm hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo, trao đổi thông tin, xây dựng dự án… trong đó điển hình thực hiện một số chương trình trao đổi về an toàn cháy tại TUS - Nhật Bản theo các Chương trình giao lưu Khoa học thanh niên Nhật Bản - châu Á (SAKURA) do JST tài trợ; Tổ chức các khóa học về An toàn Hỏa tại Việt Nam với hơn 100 người tham dự (2009-2010)…;
GS Kazunori Kuwana mong muốn sự hợp tác giữa UAI và TUS sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai để góp phần vào sự nghiệp An toàn hỏa của mỗi nước.
Tại Hội thảo, GS.TS Ken Matsuyama - Trường ĐH Khoa học Tokyo, cho biết hiện nay các phương pháp và công nghệ cho an toàn PCCC chưa đầy đủ hoặc khó giải quyết.
Do đó, cần phải có phương pháp học thuật sáng tạo, GS.TS Ken Matsuyama đưa ra một số chủ đề như: An toàn cháy nổ của thế hệ pin, nghiên cứu hướng tới một xã hội ít carbon, để hệ thống năng lượng mới này được sử dụng rộng rãi, điều cần thiết phải thiết lập phương pháp đánh giá rủi ro định lượng cho pin sạc như pin kẽm - ion và các chỉ số đánh giá an toàn thông qua các thí nghiệm và mô phỏng động lực học chất lỏng cũng như xây dựng mô hình dự đoán thiệt hại cho các vụ tai nạn.
Chủ đề về An toàn sơ tán trong nhà cao tầng: Nghiên cứu này nhằm mục đích áp dụng và tối ưu hóa các kế hoạch sơ tán tuần tự thông qua việc phân tích các điều kiện dòng sơ tán dựa trên mô phỏng số và khảo sát các cuộc diễn tập sơ tán trong các tòa nhà cao tầng cũng như tích hợp mô phỏng sơ tán VR (thực tế ảo) và các mô hình mô phỏng sơ tán đa tác nhân.
Trong dự án nghiên cứu Phòng chống thiên tai đô thị ở các thành phố châu Á, việc đánh giá rủi ro hỏa hoạn ở các tòa nhà và phòng chống thảm họa đô thị cần tính đến đặc điểm của khu vực châu Á, bao gồm: các thí nghiệm về biện pháp sơ tán hỏa hoạn cho các tòa nhà dân cư nhiều khối; lập kế hoạch an toàn hỏa hoạn cho các cơ sở chăm sóc người già, nghiên cứu trường hợp hỏa hoạn và khảo sát về các biện pháp phòng cháy vì xã hội già hóa cũng là vấn đề của các nước châu Á.
Việc phát triển và triển khai các công nghệ mới hướng tới trung hòa lượng carbon và chuyển đổi xã hội là cần thiết phải thúc đẩy nghiên cứu khoa học để đạt được sự an toàn và phát triển bền vững.
Tại Hội thảo, TS Nguyễn Việt Huy - Chủ tịch Chi hội Kiến trúc sư Trường ĐHXD Hà Nội đưa ra những bất cập trong PCCC, từ quy định cho đến thực tế áp dụng trong công trình công cộng và công trình hỗn hợp đa chức năng. TS Nguyễn Việt Huy khẳng định vai trò của Luật và các nghị định, quy chuẩn, tiêu chuẩn tạo bộ khung quản lý trong lĩnh vực an toàn cháy. Việc chỉnh sửa quy chuẩn cho phù hợp với thực tiễn là sự cần thiết.
Tuy nhiên, cần kết hợp giữa những quy định cứng với những giải pháp mềm nhằm hướng tới các giải pháp thiết kế và thực thi mang tính hiệu quả. Sự kết hợp hài hòa giữa lý thuyết và thực tiễn, giữa nhà thầu và tư vấn thiết kế. Đó là sự kết hợp giữa cơ quan quản lý, nhà đầu tư và tư vấn thiết kế.
Về những tác động tiêu cực, hệ lụy trong công tác thiết kế kiến trúc. Theo PGS.TS Phạm Trọng Thuật - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, khi các kiến trúc sư thiết kế các công trình, đặc biệt công trình cao tầng cần hạn chế sự xuất hiện của giếng trời. Vì giếng trời trong chung cư trở thành không gian lan truyền khói và lửa, triệt tiêu mọi nỗ lực tiếp cận thang bộ thoát hiểm khi có sự cố cháy, khiến chung cư Carina Palza - TP. HCM trở thành trường hợp điển hình về thảm họa hỏa hoạn. Hay sự thất bại trong công tác cứu nạn tại Trung tâm thương mại thế giới - Hoa Kỳ đã chỉ ra yếu điểm của phương pháp ứng cứu khi gặp sự cố cháy.
Cũng theo PGS.TS Phạm Trọng Thuật, kiến trúc sư cần phải lường trước được các kịch bản hỏa hoạn có thể xảy ra để đưa ra các giải pháp giao thông theo chiều đứng, giải pháp thiết kế các mặt bằng tầng điển hình, không gian lánh nạn, các vị trí thang thoát …
Tuy nhiên kiến trúc sư trong quá trình thiết kế, cần có sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vưc vật liệu xây dựng, công nghệ, trang thiết bị để có thể giảm thiểu các nguy cơ, rủi ro do cháy nổ và kéo dài thời gian tiếp cận cho lực lượng cứu hộ.
Do đó, quan điểm cần được tuân thủ đó là ứng phó và phòng ngừa với các thảm họa về cháy nổ cần phải được tính toán và cân nhắc ngay trong giai đoạn thiết kế kiến trúc nhằm đưa ra giải pháp tổ chức không gian phù hợp đáp ứng các yêu cầu về phòng chống cháy nổ.
Hội thảo “Đào tạo - Nghiên cứu về An toàn cháy ở châu Á” đã đưa ra các chủ đề khác nhau tập trung vào giáo dục, nghiên cứu khoa học an toàn với các giải pháp sáng tạo cho các vấn đề mà khoa học lửa cần giải quyết trong tương lai.
Ngày 24/11, tại Trường ĐH PCCC sẽ diễn ra buổi toạ đàm với chủ đề “Thực trạng, thách thức và kinh nghiệm đảm bảo an toàn PCCC cho nhà ở và công trình ở Việt Nam”.