Cân nhắc quy định về xử lý nợ xấu, quyền và thủ tục thu giữ tài sản bảo đảm

08:31 11/06/2023
Một trong những vấn đề lớn được các ĐBQH góp ý hoàn thiện dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) liên quan đến xử lý nợ xấu, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc các quy định về quyền thu giữ, thủ tục thu giữ tài sản… tránh xung đột pháp luật dẫn đến không khả thi.

Chiều 10/6/2023, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận toàn thể ở hội trường về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Một số ĐBQH quan tâm và góp ý sâu các nội dung liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm...

Tránh hành chính hóa quan hệ dân sự

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Trần Nhật Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An góp ý về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu cho rằng, việc luật hóa các quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/06/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, cần được đánh giá kỹ lưỡng, thận trọng, đặt trong bối cảnh các quy định pháp luật hiện nay được thực hiện rõ ràng, đầy đủ hơn. Đồng thời cần đánh giá tổng thể, khách quan trong bối cảnh hiện nay yêu cầu đặt ra với công tác xử lý nợ xấu.

Đại biểu Trần Nhật Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An.

Từ đó hoàn thiện các quy định bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, tránh hành chính hóa quan hệ dân sự, kinh tế, bảo đảm hài hòa, công bằng với các chủ thể tham gia quan hệ dân sự, kinh tế trên nguyên tắc chỉ luật hóa những nội dung phù hợp trong điều kiện bình thường.

Về những nội dung được luật hóa trong dự thảo, đại biểu Trần Nhật Minh cho rằng, một số quy định chưa giải quyết được căn cơ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14.

Đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu quy định trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng và thi hành án dân sự trong việc hỗ trợ các Tổ chức tín dụng khi có yêu cầu xác định tình trạng tài sản bảo đảm để thu giữ tài sản bảo đảm.

Về giải pháp xử lý trường hợp bên bảo đảm không hợp tác hoặc không có mặt theo thông báo với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được quy định tại khoản 5 Điều 184, đại biểu Trần Nhật Minh nhận thấy, dự thảo luật mới quy định được hành vi pháp lý nhưng chưa quy định được quyền pháp lý của bên tiến hành thu giữ tài sản.

Đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu cân nhắc việc quy định xác định quyền thu giữ, thủ tục thu giữ tài sản cho phù hợp với các quy định của pháp luật, tránh xung đột pháp luật dẫn đến không khả thi, vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp tán thành với dự thảo luật trên cơ sở kế thừa quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 về các nội dung mua bán nợ xấu của các tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu, thủ tục thu giữ tài sản đảm bảo. thứ tự ưu tiên thanh toán nợ xấu…

Tuy nhiên, về bán nợ xấu và tài sản đảm bảo quy định bán phù hợp với giá thị trường, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị cần có quy định hướng dẫn chi tiết thực hiện.

Xử lý nợ xấu của ngân hàng chính sách

Góp ý về ngân hàng chính sách, Đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đề nghị quy định cụ thể hơn về tổ chức hoạt động, cơ chế tài chính, kể cả việc xử lý nợ xấu của ngân hàng chính sách cũng khác với xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng khác.

Đi sâu vào một số điều khoản cụ thể, đại biểu Mai Văn Hải góp ý, tại Điều 184 về thủ tục thu giữ tài sản đảm bảo, đề nghị quy định các tổ chức tín dụng ở các chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được phép thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, mà không cần có thỏa thuận trong hợp đồng.

Đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa.

Tại khoản 5, Điều 154 quy định trách nhiệm của chính quyền địa phương và công an, ngoài việc đảm bảo an ninh, trật tự có nhiệm vụ hỗ trợ tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu trong thu giữ tài sản bảo đảm, nếu không hợp tác thì lập biên bản. Tuy nhiên, quy định này chưa đảm bảo chặt chẽ, bởi trong Luật Đất đai năm 2013 không có quy định biên bản thu giữ tài sản là một trong những loại giấy tờ được xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Vì vậy, đại biểu đề nghị trong trường hợp không hợp tác cần có quy định giao cho cơ quan có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thu giữ và bàn giao tài sản đảm bảo cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu.

Quan trọng thu giữ tài sản đảm bảo

Báo cáo về một số vấn đề lớn, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, ý kiến phát biểu của đại biểu tại tổ, cũng như thảo luận tại hội trường đề nghị có một chương riêng hoặc một phần riêng quy định cụ thể về cơ cấu tổ chức, hoạt động và thậm chí về xử lý nợ xấu cũng như về tái cơ cấu ngân hàng chính sách, Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, nhưng trên thực tế, Luật chung khó có thể quy định cụ thể cho từng loại ngân hàng.

Liên quan đến luật hóa Nghị quyết số 42/2017/QH14, thực tiễn triển khai cho thấy, nợ xấu đã giảm rất nhanh, thông qua Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã tăng cường trách nhiệm trả nợ của người đi vay, tăng tính kỷ luật trong hoạt động đi vay và cho vay.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, trên thực tế, trong quá trình xử lý nợ xấu, vấn đề rất quan trọng đó là thu giữ tài sản đảm bảo rất quan trọng. Do vậy, dự thảo luật đã quy định việc thu giữ tài sản đảm bảo phải gắn thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng trong hợp đồng bảo đảm. Khi khách hàng không trả được nợ, tổ chức tín dụng mới thu giữ tài sản đảm bảo…

Các quy định về thu giữ tài sản đảm bảo cũng phải được thực hiện theo các quy định của pháp luật; nếu không có quy định này. các tổ chức tín dụng rất e ngại khi quyết định cấp tín dụng cho các doanh nghiệp…

Bình luận