Cần quy định cụ thể hơn nữa công tác PCCC&CNCH đối với nhà ở kết hợp kinh doanh

19:06 01/11/2024
Đại biểu Quốc hội tiếp tục đề nghị bổ sung quy định cụ thể hơn công tác PCCC&CNCH đối với nhà ở chung cư, nhà ở kết hợp kinh doanh trong dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Cần quy định cụ thể hơn nữa công tác PCCC&CNCH đối với nhà ở kết hợp kinh doanh
Ảnh minh hoạ. Nguồn: ITN.

Sáng 01/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Quy định chặt hơn đối với công trình chuyển đổi công năng

Ý kiến các ĐBQH cho thấy, cần bổ sung thêm các nội dung quy định cụ thể hơn về công tác PCCC&CNCH đối với nhà ở chung cư, nhà ở chuyển đổi công năng, nhà ở kết hợp kinh doanh.

Theo đó, đại biểu Vũ Hồng Luyến - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên quan tâm đến loại hình chung cư cao tầng, nơi tập trung đông dân cư sinh sống, nguy cơ cháy nổ cao nhưng nhiều chung cư cao tầng xây dựng từ lâu, trong quá trình sử dụng gây hư hỏng hoặc sửa chữa hệ thống kỹ thuật dẫn đến công tác ngăn cháy, chống cháy, cứu nạn, cứu hộ không còn bảo đảm.

Như vậy, cần phải có các quy định về hệ thống đường giao thông dẫn vào các tòa nhà chung cư cao tầng, phải bảo đảm tối thiểu cho xe PCCC&CNCH chuyên dụng có thể tiếp cận được khi cháy nổ xảy ra, để giảm thiểu thiệt hại thấp nhất về người và tài sản của nhân dân.

Đại biểu Vũ Hồng Luyến - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên (hình bên trái), đại biểu Tô Ái Vang - Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Tô Ái Vang - Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng kiến nghị, bổ sung một khoản quy định về trường hợp công trình nhà ở đã chuyển đổi công năng sang kết hợp kinh doanh, vì những năm gần đây, các vụ hỏa hoạn xảy ra gây thiệt hại về người và tài sản rất nghiêm trọng, đòi hỏi phải có những quy định chặt chẽ hơn đối với công trình đã chuyển đổi công năng kết hợp kinh doanh để tránh những vụ việc đáng tiếc xảy ra.

Theo nhận định của các chuyên gia, trong số cơ sở karaoke, vũ trường đang hoạt động, có đến 90% hoạt động trên cơ sở là các công trình được cải tạo từ nhà ở riêng lẻ. Trong khi đó, theo quy định của Luật Xây dựng, việc cải tạo mà làm thay đổi công năng sử dụng, ảnh hưởng đến an toàn chịu lực, an toàn cháy nổ và môi trường thì phải được cấp phép sửa chữa, cải tạo.

Tuy nhiên, các công trình cải tạo để làm cơ sở karaoke, quán bar, vũ trường thì hầu như không xin phép xây dựng, bỏ qua các yêu cầu về PCCC cần tuân thủ.

Vì thế, đại biểu Tô Ái Vang đề nghị dự thảo Luật bổ sung 1 khoản quy định về trường hợp công trình nhà ở đã chuyển đổi công năng sang kết hợp kinh doanh, để bảo đảm cơ sở cho các cơ quan chuyên môn thực thi nhiệm vụ theo đúng quy định của pháp luật.

Cơ sở sản xuất phải công khai kết quả kiểm tra PCCC

Cũng liên quan đến nhà ở chuyển đổi công năng kết hộp kinh doanh, đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho biết, điểm a khoản 2 Điều 20 quy định: “Nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ phải bảo đảm không bố trí gian phòng ngủ trong khu vực sản xuất, kinh doanh”.

Đề nghị xem xét lại quy định này theo hướng khuyến khích thực hiện theo quy định, hoặc nếu thực hiện phải có lộ trình phù hợp, vì quy định như trên chưa thực sự phù hợp với thực tiễn, bởi nhiều cơ sở kinh doanh phải đồng thời bố trí phòng ngủ, phòng sinh hoạt của gia đình do người làm công tác bảo vệ thường nghỉ trưa, nghỉ qua đêm tại cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, cần đánh giá thêm về số lượng nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh trên cả nước không đáp ứng được quy định này để có hướng xử lý phù hợp.

Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông (hình bên phải), đại biểu Đỗ Văn Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Ảnh: quochoi.vn.

Trong khi đó, đại biểu Đỗ Văn Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cho rằng, nhiều cơ sở không đáp ứng được tiêu chuẩn về PCCC nhưng vẫn hoạt động, hoặc chỉ khi có sự cố mới phát hiện ra các vi phạm, từ đó đặt ra vấn đề cần có những quy định chi tiết hơn về chế độ kiểm tra định kỳ và công khai minh bạch kết quả kiểm tra PCCC tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Như vậy, cần bổ sung thêm quy định các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải công khai kết quả kiểm tra PCCC hằng năm trên trang thông tin điện tử của cơ quan chức năng và tại cơ sở. Ngoài ra, bổ sung thêm Điều, khoản các cơ sở phải kiểm tra định kỳ 6 tháng/lần về tình trạng hoạt động của hệ thống PCCC.

Bổ sung ngay nguồn nước chữa cháy từ các hộ dân

Trong khi đó, riêng đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên có góc nhìn khác đối với công tác PCCC&CNCH cho nhà ở trong ngõ nhỏ, hay các nhà chung cư cao tầng.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho rằng, cách tiếp cận nguồn nước chữa cháy hiện nay mới chỉ tiếp cận một nguồn nước riêng biệt từ các cụm chữa cháy và các ao, sông, hồ. Tức là tiếp cận chữa cháy một phía từ dưới lên, chưa tiếp cận một nguồn nước rất quan trọng mà hầu hết các gia đình, các nhà chung cư đều có, là nguồn nước từ trên xuống. Đề nghị phải khai thác ngay nguồn nước từ trên xuống để xử lý cho vấn đề chữa cháy bảo đảm linh hoạt và kịp thời.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: quochoi.vn.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho rằng, nên khai thác nguồn nước đã có từ các hộ gia đình để xử lý cháy tại chỗ. Theo đó, các gia đình có thể bố trí thêm vòi xịt nước dự phòng, hay ngay cả vòi nước đang sử dụng có thể bổ sung thêm vòi xịt nước, là hoàn toàn có thể xử lý được đám cháy, vì bình chữa cháy có lúc không hoạt động và hiệu quả không cao bằng vòi xịt nước.

Thứ hai, một số chung cư cao cấp đã có bố trí hệ thống nước chữa cháy trực tiếp, khi cần thiết, hệ thống này sẽ được kích hoạt, lập tức toàn bộ các gian phòng trong căn hộ được phun nước để xử lý cháy.

Do đó, đại biểu Nguyễn Lâm Thành đề nghị cần có tiêu chuẩn kỹ thuật rõ hơn về việc bố trí hệ thống nước chữa cháy trực tiếp trong các hộ dân; đối với các nhà ở và các căn hộ chung cư, nên khuyến khích người dân trang bị kết nối thiết bị truyền tin, báo cháy, đồng thời bổ sung thêm quy định bố trí vòi xịt nước để chữa cháy…

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh Lê Tấn Tới, dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã tách Điều 17 về phòng cháy đối với nhà ở thành Điều 19 về phòng cháy đối với nhà ở và Điều 20 về phòng cháy đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; thực hiện phân loại, bổ sung quy định đầy đủ, phù hợp hơn đối với hai loại hình này; bổ sung đầy đủ các quy định về phòng cháy đối với cơ sở và thể hiện cụ thể tại Điều 22; tiếp thu, chỉnh lý bao quát các quy định về bảo đảm an toàn PCCC trong lắp đặt, sử dụng điện cho sinh hoạt, cho sản xuất để bảo đảm tính khả thi, không chồng chéo với quy định của pháp luật hiện hành.

Bình luận