Cần sự quyết liệt và chủ động hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng

10:58 07/11/2022
Đề án Hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng đã cơ bản hoàn thành rà soát toàn diện cả hệ thống khoảng 34.000 định mức. Một số nhiệm vụ chưa đạt tiến độ cần sự chỉ đạo quyết liệt và chủ động phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương.

Cơ bản hoàn thành rà soát tổng thể

Thực hiện Nghị quyết số 05/NQ-TW ngày 01/11/2016 của Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành TW khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, Bộ Xây dựng đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng (Đề án). Đến nay, các mục tiêu, nhiệm vụ chính của Đề án đã cơ bản hoàn thành.

Các sản phẩm đầu ra của Đề án giai đoạn 2017-2022 cơ bản đáp ứng được các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, góp phần tích cực trong công tác quản lý nhà nước của ngành Xây dựng và lĩnh vực kinh tế xây dựng.

Thực hiện Đề án đã cơ bản hoàn thành rà soát tổng thể, toàn diện hệ thống định mức, giá xây dựng với tổng số khoảng 34.000 định mức do các cơ quan có thẩm quyền công bố, đã loại bỏ những yếu tố chính gây phát sinh chi phí đầu tư xây dựng (ĐTXD) có thể dẫn đến thất thoát, lãng phí, góp phần kiểm soát chi phí ĐTXD chặt chẽ, nâng cao hiệu quả ĐTXD dự án, công trình.

Các phương pháp xây dựng định mức, giá xây dựng đã được hoàn thiện theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý, phù hợp với thị trường, được ban hành tại các thông tư của Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm cơ sở để các Bộ, ngành, địa phương và các chủ thể liên quan nghiên cứu, áp dụng trong quá trình thực hiện.

Tham mưu, đề xuất kết quả nghiên cứu và những nội dung cơ bản của Đề án để ban hành các văn bản quy phạm pháp luật mới, bao gồm: Luật số 62/2020/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng 2014, Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, và các thông tư hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu về định mức và giá xây dựng sử dụng chung, thống nhất quản lý, vận hành và kiểm soát toàn diện trên phạm vi toàn quốc nhằm phục vụ quản lý, số hóa ngành Xây dựng, tạo thuận lợi cho các chủ thể trong xác định và quản lý chi phí ĐTXD, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, giúp tiết kiệm nguồn lực, công khai minh bạch thông tin, góp phần chống thất thoát, lãng phí trong ĐTXD.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, một số nhiệm vụ của Đề án chưa đạt được tiến độ theo kế hoạch dự kiến ban đầu. Việc thực hiện rà soát các định mức xây dựng đã công bố chậm 02 năm; Công tác rà soát các định mức dịch vụ hạ tầng kỹ thuật đô thị kéo dài, chậm 04 năm; Sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về định mức, giá xây dựng và dịch vụ đô thị chậm 01 năm; Hoàn thiện các phương pháp xây dựng hệ thống định mức và giá xây dựng mới phù hợp với kinh tế thị trường và thông lệ quốc tế chậm 01 năm; Xây dựng hệ thống định mức và đơn giá xây dựng theo phương pháp mới chậm 4 năm; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về định mức và giá xây dựng chậm 01 năm.

Nguyên nhân do tác động của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới tiến độ và hiệu quả triển khai các nhiệm vụ của Đề án; một số Bộ, ngành, địa phương chưa quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện; chưa chủ động phối hợp, phân bổ nguồn lực và thời gian phù hợp trong quá trình triển khai, thực hiện dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các mục tiêu của Đề án; nguồn lực chi cho việc rà soát định mức chưa được phân bổ kịp thời; việc tổ chức thực hiện xây dựng định mức dự toán ở một số các phương pháp mới còn lúng túng, gặp vướng mắc.

Các cơ quan chuyên môn về xây dựng tại các Bộ, ngành, địa phương và đơn vị tư vấn còn hạn chế về kinh nghiệm và năng lực chuyên môn về xây dựng định mức và đơn giá xây dựng trong khi mức độ phức tạp, quy mô và khối lượng công việc của Đề án là rất lớn.

Công tác tổ chức thực hiện đảm bảo sự đồng bộ giữa các Bộ, ngành, địa phương còn hạn chế; công tác tuyên truyền, đào tạo cho các đối tượng tham gia thực hiện Đề án chưa kịp thời, đã tạo ra các khó khăn, vướng mắc.

Xác định công việc trọng tâm

Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng xác định công tác quản lý chi phí ĐTXD trong lĩnh vực đầu tư công, đầu tư theo phương thức hợp tác công tư (PPP), đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn nhà nước ngoài ngân sách là một trong những công việc trọng tâm.

Trước diễn biến nhanh của thị trường xây dựng trong giai đoạn vừa qua, đòi hỏi công tác này phải được thường xuyên đổi mới, cập nhật để đáp ứng yêu cầu về trình độ quản lý và thực tiễn triển khai.

Bộ Xây dựng kiến nghị các Bộ,ngành, địa phương theo chức năng nhiệm vụ thường xuyên rà soát, cập nhật, ban hành đầy đủ, kịp thời hệ thống định mức, đơn giá đáp ứng việc quản lý chi phí ĐTXD. Bộ Xây dựng là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, chịu trách nhiệm hướng dẫn, cho ý kiến về phương pháp, kết quả công bố và cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về định mức và giá xây dựng.

Tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để đổi mới công tác xây dựng và quản lý định mức, giá xây dựng đáp ứng yêu cầu quản lý chi phí ĐTXD phù hợp nguyên tắc thị trường, thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong đầu tư xây dựng, khuyến khích áp dụng mô hình công nghệ mới, tiên tiến, tăng năng suất lao động.

Nâng cao chất lượng quản trị công đối với các tài sản công thông qua việc áp dụng mô hình quản trị chi phí, quản lý chất lượng, hiệu quả công trình, thúc đẩy đổi mới sáng tạo lấy yếu tố khoa học công nghệ và chuyển đổi số làm trọng tâm.

Đẩy mạnh hơn nữa mô hình phân cấp, phân quyền đi đôi với trách nhiệm và nghĩa vụ của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư là các chủ thể trực tiếp chịu trách nhiệm về việc quyết định hình thành, quản lý, sử dụng tài sản và đánh giá kết quả sử dụng tài sản; đồng thời nâng cao chất lượng công tác tư vấn từ tư vấn lập dự án, thiết kế, giám sát, nghiệm thu, quyết toán dự án, công trình.

Hình thành hệ thống dữ liệu quốc gia về định mức, đơn giá, suất đầu tư, đơn giá tổng hợp, năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) của dự án, công trình theo từng lĩnh vực, trong đó bao gồm xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp, cơ sở hạ tầng quốc gia, đô thị, góp phần tính toán các yếu tố kinh tế vĩ mô, quản trị dự án, chương trình và định hướng phát triển.

Bình luận