Sáng 24/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội nghe các Báo cáo về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Tại Nghị trường, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi); các đại biểu Quốc hội đã phát biểu tranh luận nhiều nội dung xung quanh dự thảo Luật.
Yếu tố cuối cùng vẫn là con người
Tranh luận về đối tượng, phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu, ý kiến các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh đến yếu tố con người trong đấu thầu.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH TP.HCM tranh luận về phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với doanh nghiệp nhà nước và dự án sử dụng vốn nhà nước. Quy định trong luật không thể là vòng kim cô để quản lý, mà yếu tố cuối cùng vẫn là con người. Khi doanh nghiệp nhà nước đầu tư vào một doanh nghiệp khác có thể chỉ ký 5-10% vốn của doanh nghiệp nên phải chịu sự chi phối của Luật Đấu thầu là không cần thiết. Hơn nữa, các doanh nghiệp chịu trách nhiệm về kết quả cuối cùng và khi đấu thầu không chỉ có tiền mà có rất nhiều yếu tố khác như thời cơ, thời gian, thậm chí quen biết cũng là một yếu tố có lợi.

Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam tranh luận về đối tượng áp dụng trong dự thảo luật. Cần khuyến khích việc tham gia các hoạt động đấu thầu, nhưng không có nghĩa là các hình thức lựa chọn nhà cung cấp khác là không ưu việt. Nội dung các quy định đảm bảo không thất thoát tiền bạc của nhà nước, công khai, minh bạch nhưng cũng đảm bảo quyền định đoạt tài sản, tính linh hoạt, khuyến khích xã hội hóa.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội phát biểu tranh luận về việc đấu thầu mua sắm tập trung quy định tại điểm a khoản 1 Điều 53 dự thảo Luật. Theo đại biểu, nếu bỏ quy định này như ý kiến của một số đại biểu thì không có thuốc chữa bệnh cho nhân dân, nhất là với những bệnh hiếm, bệnh nhân ở xa… Đề nghị giữ quy định này trong luật.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa cho rằng, chỉ nên góp ý, xem xét Luật Đấu thầu (sửa đổi) là một luật quy định về hình thức chứ không phải một luật quy định về nội dung để tránh chồng lấn với các luật khác có liên quan như: Luật Dược, Luật Đất đai (sửa đổi)… Đề nghị xem xét lại phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Đối với những hợp đồng không thể so sánh được về giá thì không nên đấu thầu. Ví dụ như hợp đồng tư vấn, nhất là trong tố tụng trọng tài không có tương đương để so sánh, so sánh giá hoặc so sánh trình độ lúc đó về thời gian quá cấp thiết.
Bên cạnh đó, cần phải cho phép chọn nhà thầu theo hình thức chào hàng cạnh tranh. Do quá trình chuẩn bị đấu thầu diễn ra rất dài, nên quy định một điều khoản đối với gói thầu nhỏ. Việc cho phép tiến hành nhanh chóng theo thủ tục rút gọn và việc xác định thế nào gói thầu nhỏ sẽ do Chính phủ quy định. Luật Đấu thầu (sửa đổi) nên có 02 quy trình: Quy trình thông thường và quy trình rút gọn.
Cần tạo ra môi trường bình đẳng giữa các nhà thầu
Về quy định hồ sơ mời thầu tại khoản 1 Điều 44 dự thảo luật, ý kiến các đại biểu cho rằng không nên chỉ tập trung lựa chọn nhà thầu, nhà kinh doanh có kinh nghiệm... để tạo môi trường bình đẳng cho các nhà thầu.
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội tranh luận, để Hội đồng đấu thầu thực hiện minh bạch, có hiệu quả, cần tạo ra môi trường bình đẳng giữa các nhà thầu, không nên chỉ hạn chế tập trung lựa chọn nhà thầu, nhà kinh doanh có kinh nghiệm bởi sẽ làm hạn chế cơ hội cho các doanh nghiệp trẻ nhưng có sự đầu tư bài bản, hoàn toàn có đủ điều kiện thực hiện tốt gói thầu.
Kinh nghiệm đã thực hiện các dự án tương tự trước đó chỉ là một trong những tiêu chí rất nhỏ trong hồ sơ mời thầu. Hồ sơ mời thầu cần tập trung vào những yếu tố chính liên quan đến chất lượng, tiến độ, giá gói thầu. Trường hợp vẫn lựa chọn yếu tố về uy tín của nhà thầu thì cần có quy định cụ thể, cơ sở, tiêu chí xác định đánh giá uy tín của nhà thầu.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội nhất trí với quy định tại Điều 23 dự thảo Luật quy định về các trường hợp được chỉ định thầu, trong đó bổ sung trường hợp gói thầu cung cấp thuốc, hóa chất, thiết bị y tế để cấp cứu người bệnh trong trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không đủ thuốc, hóa chất, thiết bị y tế.
Gói thầu mua thuốc, thiết bị y tế chỉ duy nhất có một hãng sản xuất trên thị trường do yêu cầu giải pháp công nghệ. Áp dụng chỉ định thầu trong trường hợp này là giải pháp kịp thời đối với các trường hợp cấp bách.
Tuy nhiên, để tránh bị lạm dụng, cần cân nhắc và quy định chi tiết tiêu chí, điều kiện áp dụng, hình thức chỉ định thầu.
Đối với các gói thầu tư vấn, thi công, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, rà phá bom mìn, vật nổ để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, cần xem xét kỹ lưỡng có nên đưa vào quy định chỉ định thầu. Vì việc thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác giải phóng mặt bằng tương đối phổ biến, không quá phức tạp và cũng không mang tính đặc thù để lựa chọn hình thức chỉ định thầu.
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đề nghị mở rộng thêm quy định chỉ định thầu, ngoài trường hợp như quy định của dự thảo Luật thì cần có quy định chỉ định thầu giảm giá, để đem lại lợi nhuận và hiệu quả cao hơn.
Về hình thức lựa chọn nhà đầu tư chào giá cạnh tranh, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị cần mở rộng thêm ở nhiều lĩnh vực khác để mang lại hiệu quả thiết thực cho NSNN.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho biết, chưa quy định rõ thế nào là “gói thầu cần triển khai ngay” tại Điều 23 của dự thảo Luật.
Đặc biệt, đã có nhiều sai phạm trong thời gian qua đều liên quan đến giá gói thầu. Giá gói thầu là nội dung đặc biệt quan trọng trong xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu được quy định tại khoản 2 Điều 39.
Hiện nay, việc xác định giá gói thầu được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 68 của Bộ Tài chính, đang tồn tại nhiều bất cập. Một trong các phương thức đang được sử dụng là “3 báo giá” có mâu thuẫn với quy định tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi) và các tiêu chuẩn thẩm định giá.
Bên cạnh đó, trong dự thảo Luật chưa có hướng dẫn về xác định giá gói thầu, cần xây dựng nguyên tắc xác định giá gói thầu để tạo cơ sở pháp lý để Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.

Tăng cường tự chủ cho bệnh viện
Trước những ý kiến tranh luận của các đại biểu Quốc hội tại nghị trường, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Luật Đấu thầu là dự án luật khó ở cả trong quan điểm chính sách và cả kĩ thuật lập pháp, bởi vừa phải giải quyết vướng mắc phát sinh, vừa phải tạo được điều kiện thuận lợi cho đấu thầu, nâng cao hiệu quả công tác quản lý. Tìm điểm cân bằng cho các yêu cầu này là rất khó. Quản lý chặt quá lại mất tự chủ, gây khó khăn, ách tắc. Nếu lỏng quá lại không bảo đảm quản lý nhà nước.
Về phạm vi điều chỉnh của Luật đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu sử dụng vốn của Nhà nước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, phương án của Chính phủ sẽ không làm thu hẹp phạm vi áp dụng của Luật và vẫn đảm bảo quản lý chặt chẽ việc sử dụng vốn Nhà nước. Dự thảo Luật đã quy định tất cả các hoạt động lựa chọn nhà thầu mà có sử dụng vốn ngân sách nhà nước đều thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật. Khi đã sử dụng vốn của nhà nước, dù là doanh nghiệp nào cũng đều phải thực hiện đấu thầu.
Về trường hợp chỉ định thầu, cơ quan soạn thảo sẽ cùng cơ quan thẩm tra rà soát lại để bảo đảm quy định bao phủ các trường hợp, chủ động được những trường hợp phát sinh.
Tiếp thu ý kiến một số đại biểu, dự thảo Luật đã có một chương riêng quy định cụ thể các vấn đề liên quan đến y tế theo hướng tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các bệnh viện, tạo thuận lợi cho hoạt động mua thuốc, thiết bị y tế đặc thù phù hợp với cả tính đặc thù, chuyên môn của ngành...