Cần thêm các chính sách ưu đãi hiệu quả cho nhà đầu tư công trình xanh

07:00 27/09/2024
Công trình Xanh tại Việt Nam đang gia tăng mạnh mẽ với con số ấn tượng theo từng năm, tác động lớn đến tiến trình phát triển theo hướng bền vững cũng như thiết lập mạng lưới công nghiệp xanh. Đây là tín hiệu tích cực cho việc phát triển đầy tiềm năng của các Công trình Xanh tại Việt Nam trong tương lai.

Cho vay với lãi suất ưu đãi; Nghiên cứu thưởng diện tích sàn ở một mức độ hợp lý; Bổ sung thêm ưu đãi cho các chủ thể phát hành trái phiếu xanh… Đây là những chính sách ưu đãi hiệu quả cho các nhà đầu tư công trình xanh theo đề xuất từ tham luận “Chính sách, pháp luật Singapore về phát triển Công trình Xanh và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam” của CEO Lưu Thị Thanh Mẫu - Tổng giám đốc Phuc Khang Corporation.

Chi phí ban đầu của công trình xanh nhiều hơn từ 1,2-10% công trình thông thường

Tại hội thảo quốc tế “Chính sách và pháp luật về dự án công trình xanh ở Việt Nam và một số quốc gia”, CEO Lưu Thị Thanh Mẫu với kinh nghiệm nhiều năm tâm huyết trong việc phát triển công trình xanh đã chỉ ra rằng: Chi phí ban đầu để thực hiện một dự án công trình xanh tại Việt Nam là nhiều hơn so với dự án công trình thông thường dao động từ 1,2 - 10%. Trong khi đó, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ từ Nhà nước cho các chủ đầu tư thực hiện dự án công trình xanh là không đáng kể.

Vì vậy, giá kinh doanh cho một dự án công trình xanh sẽ cao hơn so với một dự án thông thường dẫn đến đối tượng khách hàng của loại sản phẩm này không nhiều mà chỉ tập trung ở khu vực cao cấp; từ đó, tạo nên tâm lí ngại đầu tư xây dựng của các nhà đầu tư vì thời gian hoàn vốn kéo dài.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến số lượng dự án công trình xanh ở Việt Nam hiện nay còn ít mặc dù đã hơn 10 năm phát triển. 

Thế nên, trước đại diện các cơ quan chuyên môn và chuyên gia, CEO Lưu Thị Thanh Mẫu đã đề xuất ý kiến: “Việt Nam cần xây dựng thêm chính sách ưu đãi hiệu quả cho các nhà đầu tư công trình xanh như: (i) Cho vay với lãi suất ưu đãi; (ii) Nghiên cứu thưởng diện tích sàn ở một mức độ hợp lý; (iii) Bổ sung thêm ưu đãi cho các chủ thể phát hành trái phiếu xanh”.

Ngoài ra, CEO Lưu Thị Thanh Mẫu còn đề xuất Bộ Xây dựng tổ chức các giải thưởng liên quan công trình xanh. Điều này nhằm tôn vinh đóng góp của các cá nhân, tổ chức có đóng góp trong việc thực hiện công trình xanh cũng như việc các công trình xanh nhận được giải thưởng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền trao tặng sẽ tăng mức độ uy tín của nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân. 

Bên cạnh những thay đổi về chính sách pháp luật, nữ CEO Phuc Khang Corporation còn đề xuất rằng: Việt Nam cũng cần có các biện pháp nhằm nâng cao nhận thức sử dụng công trình xanh cho các nhà đầu tư, người tiêu dùng và bắt đầu trước hết tại các khu vực đô thị để thúc đẩy công trình xanh phát triển như thông qua các chương trình đào tạo từ các trường đại học và mở rộng đến các tầng lớp trong xã hội, có chiến lược truyền thông về công trình xanh, tuyên truyền phổ biến cho người có nhu cầu mua, thuê, thuê mua công trình về như thế nào là công trình xanh và những lợi ích to lớn mà công trình xanh đem lại về mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Việc nâng cao nhận thức sẽ làm thay đổi cơ chế thị trường bất động sản là được quyết định bởi bên mua từ đó tạo động lực để xây dựng theo hướng xây dựng cạnh tranh. 

Từ những kinh nghiệm và nghiên cứu thực tế, CEO Lưu Thị Thanh Mẫu nêu đề xuất: “Cần ban hành một bộ công cụ đánh giá công trình xanh/ dự án công trình xanh áp dụng riêng cho Việt Nam và quy định thẩm quyền đánh giá, cấp chứng nhận công trình xanh thuộc cơ quan xây dựng”.

Điều này là để ngăn chặn tình trạng ứng dụng tùy tiện công trình xanh, làm cơ sở để phát triển công trình xanh một cách bài bản, nghiêm túc, đi vào thực chất. Việc thúc đẩy công trình xanh ở Việt Nam cũng “cần có quy định lộ trình bắt buộc thực hiện công trình xanh/ dự án công trình xanh chuyển dần từ khu vực công sang khu vực tư nhân”. Điều này xem như gửi tín hiệu tới khu vực tư nhân và các nhà đầu tư rằng Chính phủ đang nghiêm túc về vấn đề công trình xanh.  

Các chuyên gia “hợp sức” thúc đẩy công trình xanh Việt Nam từ phương diện chính sách, pháp luật

Bên cạnh những kiến nghị tâm huyết của CEO Lưu Thị Thanh Mẫu cũng còn rất nhiều những đề xuất, giải pháp thiết thực hữu ích đến từ các chuyên gia khác. Công trình xanh thật sự là một xu hướng cần thiết cho sự phát triển bừng vững chung của quốc gia cũng như quốc tế, thu hút sự quan tâm, nghiên cứu của nhiều chuyên gia các lĩnh vực.  

Ông Owen Wee - đồng Chủ tịch của BCA GreenMark SLE/ZEB Task Force, cựu thành viên Hội đồng Công trình Xanh Singapore cũng có nhiều đề xuất quan trọng tại hội thảo quốc tế “Chính sách và pháp luật về dự án công trình xanh ở Việt Nam và một số quốc gia”.

Một trong số các kiến nghị nổi bật là: “Kế hoạch tổng thể Công trình Xanh Singapore (SGBMP) sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc đạt được môi trường xây dựng bền vững và ít carbon nhằm hỗ trợ Kế hoạch xanh hóa Singapore 2030, một phong trào bền vững quốc gia nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu”. 

“Kế hoạch Xanh hóa Singapore 2030  bao gồm một số yếu tố hỗ trợ chính (i) Thành phố Thiên nhiên; (ii) Lối sống bền vững; (iii) Thiết lập lại năng lượng; (iv) Kinh tế Xanh; và (v) Tương lai thích ứng.

Trong đó, sáng kiến "Thành phố Thiên nhiên" nhằm mục đích tạo ra một môi trường sống xanh, đáng sống và bền vững cho tất cả người dân Singapore bằng cách mở rộng không gian xanh, trồng một triệu cây xanh trên khắp hòn đảo và xây dựng thêm nhiều công viên trong khoảng cách đi bộ đến các khu dân cư để thiết lập các bể chứa carbon” - ông Owen Wee chia sẻ. 

Ông Douglas Snyder - Giám đốc điều hành của Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC) trong phần trình bày về “Công trình Xanh Việt Nam - Quá trình phát triển và những thách thức mới” cũng nêu nhận định: “Công trình Xanh không phải là xu hướng hời hợt nhất thời của ngành Xây dựng Việt Nam mà là một chiến dịch tất yếu để phát triển bền vững.

Việc áp dụng Công trình Xanh cần được coi là một biện pháp hấp dẫn để đối phó với những thách thức ngày càng tăng của ngành Xây dựng Việt Nam, ví dụ như dân số quá đông và đô thị hóa, tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên, quản lý chất thải và ô nhiễm và tác động bất lợi của biến đổi khí hậu…

Để thúc đẩy Công trình Xanh ở Việt Nam hơn trong thời gian tới cần nâng cao nhận thức cộng đồng liên quan đến Công trình Xanh của người dân và các bên liên quan, Chính phủ cũng đóng vai trò quan trọng bằng cách áp dụng các chiến lược, quy định và biện pháp chính trị phù hợp”. 

Tại Việt Nam, theo thống kê, công trình xanh đang gia tăng mạnh mẽ với con số ấn tượng theo từng năm, tác động lớn đến tiến trình phát triển theo hướng bền vững cũng như thiết lập mạng lưới công nghiệp xanh.

Đây là tín hiệu tích cực cho việc phát triển đầy tiềm năng của các Công trình Xanh tại Việt Nam trong tương lai. Sự chung tay của các chuyên gia cũng là một trong những nguồn lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của Công trình Xanh tại Việt Nam.

Bình luận