Singapore là đất nước thiếu thốn nguồn tài nguyên nhưng lại có ý thức cực kỳ mạnh mẽ về tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải cũng như phát triển bền vững. Từ chính phủ đến người dân Singapore đều coi đây là trách nhiệm đối với quốc gia. Trên phương diện xây dựng đô thị, là đất nước bắt đầu xanh hóa sớm nhất, đứng thứ 3 toàn cầu về công trình xanh (CTX). Số liệu thống kê về CTX của Singapore cho thấy có hơn 49% tổng diện tích sàn của các tòa nhà đã được phủ xanh và đặt mục tiêu có 80% CTX vào năm 2030.
Một trong những động lực để Singapore có được thành công này là nhờ vào quy định, chính sách phù hợp với thúc đẩy phát triển CTX trong một thời gian dài. Singapore có tiêu chuẩn đánh giá CTX riêng là Green Mark (ra đời tháng 01/2005) được phát triển bởi BCA - một cơ quan của Chính phủ với nhiệm vụ chuyển đổi môi trường xây dựng, cải thiện môi trường sống.
Pháp luật Singapore bắt buộc một số dự án xây dựng mới hoặc cải tạo tòa nhà phải đạt được tiêu chuẩn Green Mark. Nếu không đạt được thì có thể bị xem là phạm tội và bị phạt tiền. Điều này quy định cụ thể và chi tiết trong Đạo luật Kiểm soát tòa nhà.
Bên cạnh việc quy định chặt chẽ tại Đạo luật Kiểm soát tòa nhà, Singapore cũng áp dụng những chính sách, pháp luật cụ thể nhằm thúc đẩy, phát triển CTX như: hỗ trợ tiền mặt cho các dự án cải tạo tòa nhà (gói 63 triệu USD) được liệt kê thuộc sở hữu tư nhân có hiệu lực từ ngày 30/6/2022 đến khi số tiền khả dụng được cam kết đầy đủ hoặc trước ngày 31/3/2027; Hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi cho các dự án cải tạo tòa nhà (không phải là nhà ở) có hiệu lực từ năm 2011 đến ngày 31/3/2023, hỗ trợ cho vay đến 4 triệu USD hoặc 90% chi phí, tùy theo mức nào thấp hơn với lãi suất được xác định bởi tổ chức tài chính cho vay thời hạn tối đa là 5 năm; Hỗ trợ tổ chức phát hành trái phiếu xanh chi phí có liên quan; Thưởng diện tích sàn (tăng thêm 3% tổng diện tích sàn đã được phê duyệt)…
Tại Việt Nam, CTX đang gia tăng mạnh mẽ với con số ấn tượng theo từng năm, tác động lớn đến tiến trình phát triển theo hướng bền vững cũng như thiết lập mạng lưới công nghiệp xanh. Đây là tín hiệu tích cực cho việc phát triển đầy tiềm năng của các CTX trong tương lai. Bài học kinh nghiệm từ Singapore và một số kiến nghị để phát triển CTX tại Việt Nam:
Thứ nhất, Bộ Xây dựng cần ban hành một bộ công cụ đánh giá CTX/Dự án CTX áp dụng riêng cho Việt Nam bởi trong thời gian qua các CTX tại Việt Nam được chứng nhận thông qua nhiều bộ công cụ khác nhau của các tổ chức trong nước và quốc tế như LEED, EDGE, Green Mark, Lotus. Bên cạnh đó tại dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định tiêu chí môi trường và xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh cũng sử dụng các bộ tiêu chí nêu trên. Việc Việt Nam chưa có một bộ công cụ đánh giá CTX thống nhất cũng như việc chứng nhận CTX không được thực hiện bởi cơ quan nhà nước dẫn đến việc phát triển CTX trong thời gian qua mang tính tự phát, khó quản lý từ phía nhà nước cũng như khó xác định từ phía chủ đầu tư. Việc chứng nhận CTX được cấp bởi một cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ là cơ sở phát triển CTX một cách bài bản, nghiêm túc, đi vào thực chất.
Quá trình xây dựng bộ công cụ đánh giá CTX có thể tham khảo tiêu chuẩn đánh giá Lotus do Hội đồng CTX Việt Nam phát triển, bởi Lotus được xây dựng trên sự kết hợp các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng Việt Nam, các tiêu chuẩn quốc tế và các thông lệ tốt nhất trong việc thiết lập các tiêu chí. Tuy nhiên, Lotus chưa có công cụ đánh giá cho các dự án từ quy mô khu đô thị trở lên.
Thứ hai, cần có quy định lộ trình bắt buộc thực hiện CTX/dự án CTX.
Tại Việt Nam, CTX được thực hiện trên tinh thần tự nguyện và chủ yếu thuộc các công trình của khối tư nhân mà chưa có nhiều ở khu vực công. Trung bình mỗi năm có khoảng 3.000 - 4.000 công trình có vốn đầu tư công, năng lượng sử dụng cũng cao gấp 2 lần so với khối văn phòng, làm việc cho thuê.
Đối với CTX của khối tư nhân chủ yếu là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, bởi họ buộc phải làm theo hướng dẫn của các tập đoàn lớn trên thế giới. Các doanh nghiệp trong nước cũng nhìn thấy được cơ hội và đang cạnh tranh với các tập đoàn trên thế giới để đi theo chiến lược xây dựng CTX nhưng không nhiều. Đơn cử như trên lĩnh vực bất động sản, thị trường đang quyết định bởi bên bán chứ không phải bên mua, các doanh nghiệp chỉ cần có quỹ đất xây dựng thì theo cách thức nào cũng bán được hàng, do vậy không có động lực để cạnh tranh. Trong khi đó, ngành Xây dựng đang tiêu thụ tài nguyên và phát thải khí nhà kính nhiều nhất, góp phần đạt được cam kết của Chính phủ là đến năm 2050 Việt Nam sẽ là quốc gia đạt mức phát thải ròng bằng 0.
Tuy nhiên, việc bắt buộc ngay lập tức thực hiện CTX sẽ gây khó khăn trong quá trình triển khai do chưa có kinh nghiệm trước đó. Do vậy, cần ban hành lộ trình bắt buộc thực hiện CTX chuyển dần từ khu vực công sang khu vực tư nhân.
Thứ ba, cần có các quy định pháp luật thực hiện chính sách ưu đãi nhằm phát triển CTX trong thời gian tới.
Chi phí ban đầu để thực hiện một dự án CTX tại Việt Nam là nhiều hơn so với dự án công trình thông thường dao động từ 1,2 - 10%. Trong khi đó, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ từ Nhà nước cho các chủ đầu tư thực hiện dự án CTX là không đáng kể. Vì vậy, giá kinh doanh cho một dự án CTX sẽ cao hơn so với một dự án thông thường dẫn đến đối tượng khách hàng của loại sản phẩm này không nhiều mà chỉ tập trung ở khu vực cao cấp; từ đó, tạo nên tâm lý ngại đầu tư xây dựng của các nhà đầu tư vì thời gian hoàn vốn kéo dài. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến số lượng dự án công trình xanh ở Việt Nam hiện nay còn ít mặc dù đã hơn 10 năm phát triển.
Thế nên Việt Nam cần xây dựng thêm chính sách ưu đãi hiệu quả cho các nhà đầu tư CTX như: (i) Cho vay với lãi suất ưu đãi; (ii) Nghiên cứu thưởng diện tích sàn ở một mức độ hợp lý; (iii) Bổ sung thêm ưu đãi cho các chủ thể phát hành trái phiếu xanh”.
Đề xuất Bộ Xây dựng tổ chức các giải thưởng liên quan đến CTX. Điều này nhằm tôn vinh đóng góp của các cá nhân, tổ chức có đóng góp trong việc thực hiện CTX cũng như việc các CTX nhận được giải thưởng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền trao tặng sẽ tăng mức độ uy tín của nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân.
Bên cạnh những thay đổi về chính sách pháp luật, Việt Nam cũng cần có các biện pháp nhằm nâng cao nhận thức sử dụng CTX cho các nhà đầu tư, người tiêu dùng và bắt đầu trước hết tại các khu vực đô thị để thúc đẩy CTX phát triển như thông qua các chương trình đào tạo từ các trường đại học và mở rộng đến các tầng lớp trong xã hội, có chiến lược truyền thông về CTX, tuyên truyền phổ biến cho người có nhu cầu mua, thuê, thuê mua công trình về như thế nào là CTX và những lợi ích to lớn mà CTX đem lại về mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Việc nâng cao nhận thức sẽ làm thay đổi cơ chế thị trường bất động sản là được quyết định bởi bên mua từ đó tạo động lực để xây dựng theo hướng xây dựng cạnh tranh.