Ðẹp hơn, khang trang hơn
Dự án ODA nâng cấp đô thị góp phần rất lớn cho chỉnh trang đô thị, phát triển thành phố trong những năm qua. Dự án trải qua 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 và 2: nâng cấp các hẻm ở quận Ninh Kiều, mở rộng ra các quận lân cận, vốn kết dư sử dụng đầu tư các trường học; cải tạo các hồ chứa nước, con kênh, mương rạch.
Nhờ dự án ODA, các con hẻm, tuyến đường của thành phố được nâng cấp khang trang, tạo thuận lợi cho người dân sinh sống; đặc biệt là giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường và cải tạo bộ mặt đô thị thành phố đẹp hơn.
Dự án 3 (giai đoạn 3 sử dụng nguồn vốn ODA) đang thực hiện, chỉnh trang đô thị, chống ngập, cải tạo và xây dựng mới các tuyến đường quan trọng.
Dự án 3 (Dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị) có tổng mức đầu tư hơn 9.167 tỉ đồng (gồm vốn vay Ngân hàng Thế giới, vốn không hoàn lại từ SECO và vốn đối ứng), đến ngày 30-6-2024 kết thúc.
Nhiều công trình ưu tiên Dự án 3 hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả. Cầu Quang Trung với kiến trúc đẹp, hiện đại đang là cầu nối cho phương tiện lưu thông thuận lợi giữa khu đô thị cũ trung tâm thành phố (Ninh Kiều) với khu đô thị Nam Cần Thơ.
Tuyến đường mới Trần Hoàng Na khang trang và rộng rãi, giúp giảm tải lưu lượng giao thông cho tuyến đường Nguyễn Văn Linh, cùng với công trình cầu Trần Hoàng Na khi hoàn thành cũng sẽ kết nối khu vực Ninh Kiều với khu đô thị Nam Cần Thơ.
Các công trình còn lại của Dự án 3 cũng đã cơ bản, đang trong giai đoạn thi công hoàn thiện, bao gồm kè sông Cần Thơ, kè cải tạo rạch Cái Sơn - Mương Khai, tuyến đường nối giữa đường Cách mạng Tháng 8 với đường tỉnh 918...
Riêng công trình lớn nhất Dự án 3 là cầu Trần Hoàng Na, dự kiến đến 30-5-2023 thông xe kỹ thuật, cuối năm 2023 hoàn thành. Cầu Trần Hoàng Na bắc qua sông Cần Thơ là mạch nối, đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế, thu hút nhà đầu tư đến với TP Cần Thơ.
Ban Quản lý dự án ODA TP Cần Thơ còn triển khai thi công gói thầu cải tạo hệ thống thoát nước khu vực trung tâm quận Ninh Kiều; xây dựng hệ thống thông tin quản lý rủi ro ngập (FRMIS) cho TP Cần Thơ dự kiến đến năm 2025 vận hành, giúp kiểm soát nước, quản lý mực nước trong vùng lõi đô thị của thành phố hơn 2.600ha (Ninh Kiều và Bình Thủy), dựa vào hệ thống đê kiên cố bao quanh đã được đầu tư xây dựng và các công trình kiểm soát nước, các cống và các trạm bơm…
Hệ thống FRMIS cũng là công cụ hỗ trợ quản lý rủi ro ngập một cách thông minh, tự động điều chỉnh mực nước.
Ông Bùi Thái Thượng, Giám đốc Ban Quản lý dự án ODA TP Cần Thơ, cho biết: Ban và các nhà thầu nỗ lực đẩy nhanh tiến độ các công trình đang thi công, phấn đấu toàn bộ các công trình Dự án 3, từ kè, đường, cầu, cống ngăn triều, cho đến cải tạo hệ thống thoát nước… hoàn thành trước thời hạn theo Hiệp định vay tháng 6-2024.
Cần Thơ xây dựng thành phố xanh, hiện đại, đặc trưng sông nước Cửu Long.
Phát triển đô thị thông minh
Ðề án Xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh đã được UBND thành phố phê duyệt, lộ trình tổng thể xây dựng Cần Thơ trở thành đô thị thông minh theo 3 giai đoạn chính.
Giai đoạn 1 (2021-2022) xây dựng Trung tâm Ðiều hành đô thị thông minh (IOC) và triển khai một số lĩnh vực ưu tiên như giao thông thông minh, giám sát môi trường, an ninh trật tự, du lịch thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh... Giai đoạn 2 (2023-2025) mở rộng triển khai đô thị thông minh trên các lĩnh vực ưu tiên, thu hút xã hội hóa đầu tư phát triển đô thị thông minh.
Giai đoạn 3 với tầm nhìn đến năm 2030, trở thành thành phố thông minh trên các lĩnh vực ưu tiên, tham gia vào chuỗi liên kết thành phố thông minh, là hạt nhân đầu tàu của vùng ÐBSCL trong chuỗi liên kết đô thị thông minh cấp quốc gia, khu vực và quốc tế.
Trung tâm IOC đã vận hành. Giờ đây, người dân và doanh nghiệp có thể truy cập ứng dụng Cần Thơ SmartCity Can Tho SmartCity (trên Google Play và App Store) để tìm hiểu thêm về Cần Thơ, xem các thông tin hoạt động của lãnh đạo thành phố, các tin tức về Cần Thơ, đặc biệt có thể phản ánh, kiến nghị các vấn đề từ kinh tế - xã hội, cho tới môi trường, giao thông… đến các cấp, các ngành thành phố; theo dõi triều cường thông qua hệ thống camera ở các tuyến đường nội ô để có giải pháp thích ứng an toàn; dịch vụ công…
Ðây là một trong những nỗ lực và kết quả của thành phố trong việc triển khai xây dựng đô thị thông minh thời gian qua.
Cần Thơ cũng xây dựng hạ tầng ICT - nền tảng dữ liệu cho đô thị thông minh. ICT dùng chung cơ bản hoàn thiện với các nền tảng phát triển chính quyền số đã được triển khai, trong đó trọng tâm là xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung. Quy hoạch đô thị thông minh, giao thông thông minh, giám sát môi trường, an ninh trật tự, du lịch thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh... cũng đã và đang được các sở ngành đẩy mạnh thực hiện.
Ông Phạm Văn Ðồng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ, cho biết: Sở đang triển khai thực hiện Dự án giao thông thông minh (ITS) giai đoạn 1, sẽ xây dựng Trung tâm Quản lý Giao thông thông minh (AI) với cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại, quản lý, giám sát và điều tiết 12 nút giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố, góp phần giảm ùn tắc, tai nạn giao thông.
Dự án còn cung cấp cho người dân một cổng thông tin giao thông trực tuyến có các chức năng cảnh báo về phân luồng, ùn tắc giao thông tại tuyến đường, tiếp nhận thông tin phản ánh về hạ tầng giao thông… để người dân quyết định lộ trình phù hợp.
Dự kiến, Trung tâm AI đi vào hoạt động trong quý IV-2023. Sở cũng sẽ xúc tiến giai đoạn 2 của dự án, nâng cấp mở rộng và có thể quản lý thêm ít nhất 15 nút giao trọng điểm trong thành phố.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ Huỳnh Hoàng Mến nhấn mạnh: Thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp với các sở, ngành và địa phương đẩy mạnh việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Ðề án xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh.
Theo đó, nâng cao hiệu quả Trung tâm IOC phục vụ người dân, doanh nghiệp và công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo thành phố; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính gắn với xây dựng đô thị thông minh, chuyển đổi số; phát triển các dịch vụ tiện ích đô thị theo hướng thông minh, bền vững, quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị thông minh; đẩy nhanh tiến độ dự án giao thông thông minh…
Nguồn: báo Cần Thơ