Canada kết luận rà soát giá trị thông thường với ống dẫn dầu Việt Nam

11:52 07/02/2025
Một số doanh nghiệp xuất khẩu ống dẫn dầu nằm trong nhóm không tham gia cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ thông tin theo yêu cầu của Canada nên chịu mức thuế chống bán phá giá là 37,4%.
Canada kết luận rà soát giá trị thông thường với ống dẫn dầu Việt Nam
Ảnh minh hoạ

Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương vừa thông tin, ngày 31/01/2025, Cơ quan Dịch vụ biên giới Canada (CBSA) đã ban hành kết luận đợt rà soát giá trị thông thường và giá xuất khẩu đối với mặt hàng ống dẫn dầu (OCTG) có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Trước đó, ngày 27/6/2024, CBSA đã thông báo khởi xướng rà soát giá trị thông thường và giá xuất khẩu đối với OCTG có nguồn gốc hoặc nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Các sản phẩm OCTG bị rà soát được phân loại theo các mã HS sau: 7304.29; 7306.29; 7304.39; 7304.59; 7306.30; 7306.50; 7306.90 .

Vụ việc được khởi xướng điều tra vào năm 2015 và kết luận với việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá với ống thép dẫn dầu từ một số nước/vùng lãnh thổ trong đó có Việt Nam.

Trong đợt rà soát này, một số nhà xuất khẩu/sản xuất Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ, Hàn Quốc và Thái Lan đã cung cấp đầy đủ thông tin theo yêu cầu của CBSA nên được tính mức thuế riêng cho các lô hàng nhập khẩu vào Canada trong tương lai, áp dụng từ ngày 31/01/2025.

Một số doanh nghiệp Việt Nam nằm trong nhóm không tham gia cung cấp/cung cấp không đầy đủ thông tin theo yêu cầu của CBSA nên chịu mức thuế chống bán phá giá là 37,4%.

Vì vậy, Cục Phòng vệ thương mại đề nghị các doanh nghiệp tìm hiểu thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Phòng Xử lý Phòng vệ Thương mại nước ngoài (Cục Phòng vệ Thương mại) để được hỗ trợ.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng ống dẫn dầu của Việt Nam không đáng kể (đạt khoảng 10 triệu USD năm 2023 và hơn 9 triệu USD năm 2024).

Liên quan đến sản phẩm OCTG, vào tháng 9/2022, CBSA đã ban hành kết luận cuối cùng trong vụ việc điều tra rà soát thuế chống bán phá giá với OCTG nhập khẩu từ Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Indonesia, Hàn Quốc, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam.

Mục đích của vụ việc điều tra rà soát này là xác định lại giá trị thông thường và giá xuất khẩu, từ đó xem xét xác định lại biên độ phá giá cho giai đoạn từ ngày 01/01/2021 đến 31/12/2021.

Theo kết luận cuối cùng, ngoại trừ một số công ty Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ và Hàn Quốc cung cấp thêm thông tin trong quá trình rà soát và được hưởng mức thuế riêng rẽ, mức thuế chống bán phá giá áp dụng cho tất cả các nhà xuất khẩu OCTG còn lại, trong đó có Việt Nam là 37,4%.

Bình luận