
Tự động hóa và hiệu quả vận hành
Mốc 10 triệu container là dấu ấn quan trọng đối với hệ thống cản biển hoàn toàn tự động của Tuas. Thành công này giúp khẳng định tính hiệu quả của công nghệ trước khi Singapore hợp nhất các cảng khác vào cơ sở này trong những năm tới. Việc tập trung hoạt động tại một điểm duy nhất không chỉ nâng cao năng suất mà còn giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính do giảm bớt các hoạt động vận chuyển liên cảng.
Vận hành tại cảng Tuas được thực hiện thông qua một trung tâm chỉ huy, nơi con người giám sát và điều khiển từ xa các phương tiện và cần cẩu thông qua màn hình hiển thị bản sao kỹ thuật số của cơ sở. Một trong những điểm nhấn quan trọng là đội xe tự hành chạy bằng điện (AGV), đóng vai trò vận chuyển container trong cảng.
Các AGV có khả năng di chuyển với tốc độ tối đa 25 km/h, mỗi xe có thể chở hai container 6 x 2,4 x 2,6 m hoặc một container 12 x 2,4 x 2,6 m. Hiện tại, cảng Tuas đã triển khai hơn 200 AGV sử dụng công nghệ RFID để giao tiếp với hệ thống định vị ngầm, giúp xác định vị trí chính xác và tránh va chạm.

Các phương tiện AGV hoạt động thông qua hệ thống quản lý đội tàu trung tâm, có thể chạy liên tục 6 giờ chỉ với một lần sạc nhanh trong 20 phút. Đặc biệt, hệ thống liên lạc của AGV được thiết kế để luôn duy trì kết nối ngay cả khi một phần mạng gặp sự cố, đảm bảo quá trình vận hành không bị gián đoạn.
Số hóa và phát triển bền vững
Cơ quan Hàng hải và Cảng biển Singapore (MPA) đang từng bước hiện đại hóa hoạt động của Tuas bằng cách triển khai "Hệ thống quản lý giao thông tàu thế hệ tiếp theo". Hệ thống này sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và vệ tinh để giám sát giao thông cảng theo thời gian thực, giúp tối ưu hóa luồng hàng hóa và nâng cao hiệu suất hoạt động. PSA Singapore, đơn vị điều hành cảng, cũng đặt kế hoạch mở rộng đội xe AGV lên hơn 400 phương tiện nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển khi cảng tiến gần đến công suất tối đa.
Ngoài tự động hóa, cảng Tuas còn chú trọng đến tính bền vững. Việc sử dụng thiết bị và phương tiện điện hóa giúp giảm 50% lượng khí thải carbon so với các hệ thống vận hành chạy bằng dầu diesel truyền thống. Hệ thống quản lý lưới điện thông minh, kết hợp cùng các công trình có mức tiêu thụ điện năng tối ưu, giúp tiết kiệm đến 60% năng lượng so với các cơ sở cùng quy mô. Đặc biệt, cảng còn ứng dụng hệ thống điện mặt trời, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon.
Cảng Tuas bắt đầu hoạt động vào năm 2022 với ba bến, đến tháng 2/2024 đã mở rộng lên tám bến và sử dụng khoảng 500 nhân viên. Khi hoàn thành toàn bộ dự án, Tuas sẽ trở thành cảng container đơn lẻ lớn nhất thế giới, vượt qua cảng Thượng Hải - hiện xử lý 50 triệu TEU (1 TEU = 1 container 6 x 2,4 x 2,6 m) mỗi năm - với công suất dự kiến trong tương lai lên tới 65 triệu TEU.
Việc phát triển cảng Tuas không chỉ củng cố vị thế của Singapore như một trung tâm vận tải hàng hải hàng đầu thế giới mà còn mở ra kỷ nguyên mới trong ngành logistics thông minh, bền vững và hiệu quả. Đây là minh chứng cho sự kết hợp giữa công nghệ tiên tiến và chiến lược phát triển dài hạn, giúp Singapore duy trì lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng mạnh mẽ.