Trải dài trên địa bàn 02 tỉnh/thành phố
Thành viên Hội đồng thẩm định liên ngành thuộc Bộ Xây dựng góp ý Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.
Dự án đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài nằm trong Quy hoạch mạng lưới đường bộ tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021 với quy định làm 06 làn đường; đồng thời Dự án cũng nằm trong Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 01/3/2016 với quy định làm 06 - 08 làn đường.
Theo đó, tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (CT.31) thuộc các tuyến đường bộ cao tốc phía Nam, dài khoảng 50km, điểm đầu tại Vành đai 3 TP.HCM, điểm cuối tại cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh, quy mô 06 làn xe, tiến trình đầu tư trước năm 2030; và một số quy hoạch phát triển giao thông vận tải, mạng lưới đường bọ cao tốc của TP.HCM, tỉnh Tây Ninh được phê duyệt trước đây…
Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP.HCM và UBND tỉnh Tây Ninh kiểm tra, cập nhật và rà soát đảm bảo Dự án phù hợp với quy hoạch xây dựng và các quy hoạch ngành khác có liên quan tại các địa phương.
Theo Bộ Xây dựng, UBND TP.HCM cần báo cáo, làm rõ hơn khi đề xuất lựa chọn mặt cắt ngang 08 làn xe đối với đoạn trên địa bàn TP.HCM, nội dung này cũng là cơ sở xem xét phạm vi GPMB cho Dự án, việc phân kỳ đầu tư phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật theo quy định.
Đánh giá của Bộ Xây dựng cũng cho thấy, sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án xây dựng theo kiến nghị của UBND TP.HCM trên cơ sở Quy hoạch phát triển giao thông đường bộ Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đối với phân kỳ giai đoạn 1 áp dụng cho phương án xây dựng 04 làn xe, Bnền = 17m, trong đó chi phí GPMB, tái định cư được xác định theo kinh phí GPMB tại TP.HCM và tỉnh Tây Ninh tương ứng với phạm vi đường cao tốc trên địa bàn từng tỉnh.
Tuy nhiên, dữ liệu sử dụng để xác định chi phí từ năm 2021 chưa phù hợp với thực tế triển khai và mặt bằng giá thị trường tại khu vực triển khai Dự án.
Bên cạnh đó, chi phí xây dựng được xác định theo suất vốn đầu tư do Bộ Xây dựng công bố tại Quyết định số 610/QĐ-BXD ngày 13/7/2022 và dữ liệu chi phí tại một số dự án, công trình khác; tuy nhiên, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi chưa thuyết minh cụ thể về số liệu sử dụng và công thức tính đối với các khoản mục chi phí áp dụng suất vốn đầu tư và đơn giá tổng hợp theo công bố tại Quyết định số 610/QĐ-BXD; chưa so sánh, phân tính, đánh giá cụ thể về tính tương đồng (quy mô, phạm vi, địa điểm, thời gian và các yêu cầu khác) của dữ liệu chi phí tại các dự án, công trình khác đề xuất áp dụng cho Dự án.
Chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn ĐTXD và chi phí khác được tạm tính bằng 10% tổng chi phí xây dựng và thiết bị của Dự án, thấp hơn mức tối đa 15% quy định tại Thông tư số 11/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cần bổ sung thuyết minh về phương pháp, nguồn dữ liệu áp dụng và công thức xác định tỷ lệ chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá, trong đó lưu ý Dự án được thi công trên địa bàn 02 địa phương.
Cần có giải pháp xử lý đối với sự khác biệt quy hoạch
Dự án được chia thành 02 giai đoạn với 03 dự án thành phần, tổng chiều dài khoảng 50km đi qua địa bàn TP.HCM khoảng 23,7km và tỉnh Tây Ninh khoảng 26,3km, thời gian ĐTXD dự kiến từ quý III/2024 đến năm 2027.
Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP.HCM báo cáo cấp có thẩm quyền về giải pháp xử lý đối với sự khác biệt về quy hoạch mạng lưới đường bộ tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021 (06 làn) và quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 01/3/2016 (06 - 08 làn) làm cơ sở xác định số làn đường của Dự án.
Sơ bộ tổng mức đầu tư tại Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi mới tính đến chi phí cho việc ĐTXD phân kỳ giai đoạn 1 của Dự án với quy mô 04 làn xe trên toàn tuyến là chưa phù hợp. Đề nghị xác định sơ bộ tổng mức đầu tư của cả Dự án gồm 02 giai đoạn của Dự án (08 làn tại địa phận TP.HCM và 06 làn tại địa phận tỉnh Tây Ninh) làm cơ sở đánh giá, phân tích tính khả thi về tài chính, hiệu quả Dự án, đồng thời làm rõ về phương án đấu nối cho giai đoạn 2 của Dự án.
Trong quá trình triển khai tiếp theo, trường hợp hồ sơ Dự án có những điều chỉnh theo ý kiến của cấp có thẩm quyền, Bộ Xây dựng đề nghị rà soát, đánh giá mức độ ảnh hưởng của việc điều chỉnh tới sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án và hoàn thiện làm cơ sở báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Ngoài ra, việc áp dụng các tiêu chuẩn trong quá trình ĐTXD công trình cần tuân thủ quy định tại Điều 6 Luật Xây dựng năm 2014 và Điều 8 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ Quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án ĐTXD.
UBND TP.HCM cân nhắc việc đề xuất quy mô mặt cắt ngang nền đường Bnền = 17,0m theo Tiêu chuẩn cơ sở TCCS 42:2022/TCĐBVN Đường ô tô cao tốc - Thiết kế và tổ chức giao thông trong giai đoạn phân kỳ ĐTXD, trong đó các đoạn dừng xe khẩn cấp bố trí không liên tục với khoảng cách 4,0 ÷ 5,0km/vị trí;
Cần hạn chế tình trạng xảy ra mất an toàn, ảnh hưởng đến việc lưu thông và những bất cập phát sinh khi vận hành, khai thác đường cao tốc mà đoạn dừng xe khẩn cấp bố trí không liên tục như tuyến đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hiện tại.
Trong bước tiếp theo, lưu ý về hướng tuyến dự án; Phối hợp với cơ quan quản lý chuyên ngành của địa phương để có giải pháp xử lý vướng mắc với mạng lưới hạ tầng kỹ thuật (đường dân sinh, cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc…). Bố trí hệ thống cống thoát nước ngang đường tại vị trí tụ thủy, kênh mương hoặc vị trí cần thiết để đảm bảo cự ly các cống không quá xa nhau, đáp ứng yêu cầu thoát nước ngang.
Bố trí xây dựng thêm các cống chui dân sinh, cầu vượt một cách hợp lý để giảm thiểu các tác động chia cắt của tuyến đường đến các khu dân cư và hoạt động sản xuất của người dân địa phương. Có phương án ĐTXD đồng bộ các dự án, công trình dọc theo tuyến đường đảm bảo theo đúng quy hoạch của địa phương, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, đảm bảo hành lang an toàn đường bộ theo tiêu chuẩn kỹ thuật.
Theo Bộ Xây dựng, hiện nay và sắp tới có rất nhiều dự án xây dựng đường cao tốc, công trình xây dựng khác đang đồng loạt triển khai thi công, đề nghị UBND TP.HCM, UBND tỉnh Tây Ninh bổ sung đánh giá về khả năng cung ứng nguồn khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cho Dự án, đồng thời đề xuất cơ chế khai thác.