Bão và hoàn lưu bão số 3 gây thiệt hại nghiêm trọng, nặng nề về người, tài sản và hạ tầng kinh tế - xã hội, chủ yếu do sụt trượt đất đá và lũ quét.
Điều này đang đặt ra bài toán cấp thiết trong việc tìm kiếm giải pháp phòng tránh sụt trượt nhằm bảo đảm an toàn công trình cũng như an toàn cho người và phương tiện lưu thông trên các tuyến đường.
Báo cáo của Cục Đường bộ Việt Nam chỉ ra rằng bão và hoàn lưu bão gây sạt lở, sụt trượt, phá hỏng nền đường của hơn 4.100 vị trí trên các tuyến quốc lộ từ Thanh Hóa trở ra các tỉnh miền núi phía Bắc.
Nguyên nhân chính được chỉ ra do mưa lớn kéo dài, phá vỡ mối liên kết đất đá trên địa hình đồi núi dốc.
Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho hay bão và hoàn lưu 3 cũng khiến hàng nghìn người chết, mất tích và bị thương, chủ yếu do sụt trượt đất đá và lũ quét.
Theo ông Lê Hoài Đức - Phó hiệu trưởng trường Đại học Giao thông Vận tải, sụt trượt hay sạt lở đất đá là một dạng tai biến địa chất nguy hiểm, hàng năm gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, ngay cả với những nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).
Tại Việt Nam, với 3/4 lãnh thổ là vùng đồi núi, hệ thống giao thông đường bộ qua vùng núi chiếm tỷ trọng lớn, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Việc xây dựng hệ thống giao thông đường bộ khi cắt qua vùng đồi núi vừa là đối tượng làm “phát sinh” và cũng là “chịu” ảnh hưởng nặng nề nhất từ sụt trượt đất đá, bao gồm cả nền đào cũng như nền đắp khi đường qua khu vực đồi núi.
Hiện tượng này thường xảy ra khi có sự mất ổn định của đất đá trên sườn dốc. Nhất là vào mùa mưa bão, sạt lở, sạt trượt đất đá và đá văng, đá rơi do đất đá bão hòa, ngậm nước trong thời gian dài. Các khu vực có bờ dốc càng lớn càng dễ gặp phải tình trạng sạt trượt.
Ông Tạ Đức Thịnh - Chủ tịch Hội Địa chất Công trình và Môi trường Việt Nam đánh giá lượng mưa quá lớn trong thời gian dài khiến cho sức kháng lực, khả năng chống trượt của công trình bị triệt tiêu. Điều này gây ra sụt trượt trên các tuyến đường giao thông, nhất là tại nơi có địa hình dốc như vùng núi ở Việt Nam.
Vì vậy, Chủ tịch Hội Địa chất Công trình và Môi trường Việt Nam cho rằng đã đến lúc cần giải pháp tổng thể từ khảo sát, thiết kế, thi công công trình giao thông để ứng phó với thời tiết cực đoan. Ứng dụng khoa học công nghệ để có cảnh báo từ sớm từ xa đối với hiện tượng sạt lở, sụt trượt đất đá, phá hỏng nền đường.
Thực tế, mỗi khu vực địa lý có lượng mưa, cấu trúc địa chất, sự tích tụ nước ngầm, mức độ phong hóa hay nứt nẻ đá khác nhau… nên sạt lở, sụt trượt đất đá là hình thái thiên tai khó dự báo và dự đoán chính xác.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Văn Dương, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ Giao thông Vận tải) khẳng định tính cấp bách và quan trọng của việc không ngừng tìm kiếm các giải pháp mới, phù hợp điều kiện Việt Nam trong phòng, tránh sụt trượt cho hệ thống đường giao thông ở miền núi.
Ông Nguyễn Đức Mạnh, Trưởng Bộ môn Địa kỹ thuật, Trường Đại học Giao thông Vận tải đề xuất cần có một trung tâm quốc gia, là đầu mối thu thập, phân tích dữ liệu để cảnh báo sớm tình trạng sạt lở, sụt trượt đất đá trên cơ sở khoa học, thực tiễn, nhất là tại đất nước có điều kiện tự nhiên, khí hậu bất lợi, chịu tổn thương nặng nề về thiên tai như Việt Nam.
Bên cạnh công tác cảnh báo sớm, ông Trần Đức Tiến - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thương mại, tư vấn và Xây dựng Vĩnh Hưng nhận định để giảm nguy cơ sụt trượt trên đường giao thông, việc khảo sát thiết kế rất quan trọng, cần kỹ lưỡng. Khi nhận diện được nguy cơ, cần đầu tư bài bản ngay từ đầu, tránh trường hợp tiết kiệm nên không làm triệt để. Lúc này, phạm vi bảo vệ công trình có thể an toàn nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sạt trượt, dẫn đến sự cố an toàn công trình và giao thông.
Tình hình biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan đang đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng các kỹ thuật và công nghệ mới trong phòng, chống cũng như phòng tránh sụt trượt trên đường giao thông, đặc biệt ở miền núi. Bởi, nếu không có sự đầu tư tương xứng, khi sự cố xảy ra sẽ mất thời gian, công sức, tiền bạc để khắc phục hơn rất nhiều lần so với đầu tư ban đầu.
Nguồn: Vietnam+