Cây xanh và hè đường Hà Nội còn đó nhiều nỗi lo sau siêu bão Yagi

Bài viết này sẽ phân tích ưu và nhược điểm của việc trồng cây xanh và lát vỉa hè tại Hà Nội, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm và đề xuất một số giải pháp trong việc phát triển cơ sở hạ tầng gắn với các tiện ích đô thị, giúp giảm thiểu tác động của các hiện tượng khí hậu cực đoan.
Cây xanh và hè đường Hà Nội còn đó nhiều nỗi lo sau siêu bão Yagi
Ảnh minh họa

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, các thành phố lớn như Hà Nội đang phải đối mặt với nhiều thách thức về môi trường đô thị, trong đó có hiện tượng đổ cây, lụt lội và đảo nhiệt đô thị. Gần đây, cơn siêu bão số 3 Yagi đã đổ bộ vào miền Bắc Việt Nam, trong đó có thủ đô Hà Nội, gây thiệt hại lớn cho nhiều khu vực trong thành phố.

Sự kiện này làm nổi bật vai trò của cây xanh và vỉa hè, trong việc quản lý và ứng phó với thiên tai, cũng như những điểm cần cải thiện trong quy hoạch, thiết kế, xây dựng và quản lý các tiện ích thuộc về hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Bài viết này sẽ phân tích ưu và nhược điểm của việc trồng cây xanh và lát vỉa hè tại Hà Nội, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm và đề xuất một số giải pháp trong việc phát triển cơ sở hạ tầng gắn với các tiện ích đô thị, giúp giảm thiểu tác động của các hiện tượng khí hậu cực đoan.

Trước hết, chúng ta cần hiểu rõ, trong một đô thị bền vững, tỷ lệ diện tích đất thấm nước (hay còn gọi là diện tích đất tự nhiên có khả năng thấm nước như các khu vực cây xanh, công viên, hồ nước, mặt đất…) nên chiếm khoảng từ 20 - 40% tổng diện tích đất tự nhiên.

Tỷ lệ cụ thể có thể thay đổi tùy vào đặc điểm địa lý, khí hậu và kế hoạch phát triển đô thị ở từng khu vực. Mục tiêu của việc duy trì một tỷ lệ cao diện tích đất thấm nước là để tăng cường khả năng hấp thụ nước mưa, giảm nguy cơ ngập lụt, bổ sung nguồn nước ngầm, và tạo ra môi trường sống tốt hơn cho cộng đồng, đặc biệt liên quan đến đảo nhiệt đô thị.

Các giải pháp như trồng cây xanh, tạo hồ chứa nước và các chủng loại vật liệu xây dựng thấm nước thường được sử dụng trong hạ tầng đô thị để đạt được mục tiêu này. Tuy nhiên, với Hà Nội, các lý thuyết và mục tiêu trên còn trở nên xa vời, khi các vấn đề thiết kế, xây dựng và quản lý sử dụng vỉa hè, cây xanh đường phố hết sức phản khoa học, sẽ được phân tích cụ thể ở các nội dung sau đây.

1. Thực trạng thiết kế, xây dựng và quản lý cây xanh đường phố, vỉa hè tại Hà Nội

1.1. Đối với vỉa hè

Không biết từ bao giờ, việc thiết kế và xây dựng lát vỉa hè với lớp lót bằng bê tông lại có ở Hà Nội và rất nhiều đô thị khác trên cả nước, đang gây ra nhiều tác động tiêu cực đến việc tự thấm nước mặt đất và ảnh hưởng đến tình trạng lụt lội cũng như khả năng phát triển của cây xanh đường phố và gây nên hiệu ứng đảo nhiệt đô thị. Dưới đây là một số thực trạng và nhược điểm cụ thể: (Hình 1).

Hình 1: Lớp lót lát gạch vỉa hè bằng bê tông tại Hà Nội
a: Vỉa hè phố Láng Hạ; b: Vỉa hè phố Hoàng Cầu

Hạn chế khả năng thấm nước tự nhiên: Vỉa hè được lát bằng các vật liệu như đá xẻ tự nhiên, gạch granit, gạch nung… với lớp lót bằng bê tông, tạo ra một bề mặt không thấm nước, cản trở quá trình nước mưa thấm vào lòng đất. Điều này làm giảm khả năng bổ sung nguồn nước ngầm và dễ gây ra tình trạng ngập lụt, đặc biệt là trong những trận mưa lớn.

Ở Hà Nội, việc này đã trở thành một trong những nguyên nhân chính khiến nước không kịp thoát, gây ngập úng cục bộ ở nhiều tuyến phố. Điều này còn có thể khiến cây trồng trên đường phố thiếu nước, ảnh hưởng đến sự phát triển và sức khỏe của cây.

Gia tăng lụt lội đô thị: Lát vỉa hè bằng lớp lót bê tông sẽ thay đổi dòng chảy tự nhiên của nước mưa, làm tăng dòng chảy bề mặt (surface runoff).  Khi nước mưa không thể thấm qua lớp bê tông, lượng nước dư thừa nhanh chóng dồn về các hệ thống thoát nước.

Tuy nhiên, các hệ thống thoát nước hiện tại có thể không đủ khả năng đáp ứng kịp với lượng nước mưa đổ về, từ đó dẫn đến lụt lội. Những trận mưa lớn hay mưa kéo dài thường khiến tình trạng ngập lụt ở Hà Nội trở nên nghiêm trọng hơn do vỉa hè bị lót kín bằng vật liệu không thấm nước.

Ảnh hưởng đến việc trồng cây xanh: Cây xanh phát triển cần một lượng nước nhất định để hấp thụ từ đất. Tuy nhiên, với việc lát vỉa hè bằng lót bê tông, lớp đất dưới gốc cây không được cung cấp đủ nước do nước không thể thấm qua lớp bê tông.

Điều này làm ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ thống rễ cây và có thể dẫn đến việc cây chết khô hoặc phát triển yếu ớt. Bên cạnh đó, bê tông cũng ngăn cản sự lưu thông của không khí trong lòng đất, làm cho đất trở nên cứng và khô cằn, gây bất lợi cho cây trồng.

Tăng nhiệt độ và gây nên hiệu ứng đảo nhiệt đô thị: Bê tông có khả năng hấp thụ và giữ nhiệt nhiều hơn so với đất hoặc các vật liệu thấm nước tự nhiên, làm tăng nhiệt độ môi trường xung quanh.

Điều này ảnh hưởng đến cây xanh, vì nhiệt độ tăng cao có thể gây mất nước và làm cây suy yếu. Nhiệt độ cao hơn ở các khu vực được lát bê tông sẽ làm tăng nhu cầu sử dụng điều hòa không khí, dẫn đến tiêu thụ năng lượng lớn hơn, và từ đó thải ra nhiều khí nhà kính hơn, góp phần vào sự nóng lên của thành phố và làm trầm trọng thêm đảo nhiệt đô thị.

1.2. Đối với cây xanh đường phố

Hiện nay, việc trồng, chăm sóc và quản lý cây xanh ở Hà Nội đang gặp phải nhiều vấn đề hạn chế như:

Thiếu không gian và quy hoạch cây xanh: Mật độ cây xanh thấp, mặc dù Hà Nội là thủ đô có quy mô lớn, nhưng tỷ lệ diện tích cây xanh trên đầu người lại khá thấp so với tiêu chuẩn quốc tế. Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi người dân cần ít nhất 9 m² cây xanh, nhưng ở Hà Nội, con số này thường chỉ đạt khoảng 2 - 3 m²; Thiếu quy hoạch đồng bộ bởi một số khu vực nội đô có mật độ dân cư cao, nhưng diện tích đất dành cho cây xanh lại rất hạn chế. Đặc biệt, sự phát triển đô thị không đồng bộ với việc mở rộng diện tích cây xanh, dẫn đến các khu vực mới phát triển thiếu không gian xanh.

Chất lượng cây xanh trồng mới chưa đảm bảo: Việc lựa chọn loại cây để trồng chưa thực sự phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu của Hà Nội. Nhiều loại cây dễ gãy đổ khi gặp mưa bão, gây nguy hiểm cho người dân; Cây trồng theo phong trào, có những thời điểm Hà Nội thực hiện trồng cây xanh theo phong trào, nhưng do thiếu sự nghiên cứu và kế hoạch dài hạn, nhiều cây không sinh trưởng tốt, bị khô héo, chết sớm.

Công tác chăm sóc và quản lý còn nhiều bất cập: Thiếu sự quan tâm đúng mức trong công tác chăm sóc, cắt tỉa cây xanh, chưa được thực hiện thường xuyên và đúng kỹ thuật, dẫn đến tình trạng cây bị khô héo, sâu bệnh; Quản lý cây xanh chưa chuyên nghiệp, với việc quản lý và bảo dưỡng cây xanh chủ yếu do các đơn vị hành chính địa phương phụ trách, thiếu sự hợp tác với các chuyên gia và tổ chức chuyên nghiệp trong lĩnh vực cây xanh, môi trường; Hệ thống cây xanh thiếu an toàn, một số cây lớn có tuổi thọ cao nhưng không được kiểm tra định kỳ, dẫn đến nguy cơ gãy đổ cao trong mùa mưa bão. Đã có nhiều trường hợp cây đổ gây tai nạn cho người dân. Rễ cây phát triển yếu, một số cây trồng mới có hệ thống rễ phát triển kém do điều kiện đất, hoặc bị ảnh hưởng bởi hạ tầng ngầm như hệ thống cáp, đường ống điện nước và tuy nen kỹ thuật dưới lòng đất, làm giảm độ bám vững chắc của cây…

Áp lực từ sự phát triển của đô thị: Hà Nội đang phát triển nhanh về cơ sở hạ tầng và các công trình xây dựng, dẫn đến việc phải chặt hạ hoặc di dời cây xanh để mở rộng đường, xây dựng nhà cửa…Dẫn đến thiếu không gian dành cho cây xanh mới, với mật độ dân số cao và nhu cầu xây dựng tăng, việc dành đất cho trồng cây xanh mới ngày càng khó khăn.

2. Những nguyên nhân chính đã làm cho lụt lội, cây xanh đổ nhiều tại Hà Nội từ ảnh hưởng của siêu bão số 3 Yagi

Siêu bão Yagi (cơn bão số 3 năm 2024) đã gây ra thiệt hại nặng nề tại nhiều tỉnh miền Bắc Việt Nam, bao gồm cả thủ đô Hà Nội. Đây là một trong những cơn bão mạnh nhất từng ảnh hưởng đến khu vực này, với sức gió mạnh cấp 14 (45 m/s), giật trên cấp 17 (62 m/s).

Các khu vực như Quảng Ninh, Hải Phòng và nhiều tỉnh miền Bắc đã trải qua những đợt gió lớn và mưa lũ nghiêm trọng. Hà Nội, mặc dù không phải là khu vực ven biển, vẫn chịu ảnh hưởng lớn từ siêu bão. Cơn bão đã gây ra thiệt hại trên diện rộng, làm gãy đổ hàng loạt cây xanh lâu năm, nhất là ở các khu vực như Hồ Tây và Giảng Võ.

Các tuyến đường chính của thành phố như Hoàng Hoa Thám, khu vực Nhà Thờ Lớn và công viên Lê Nin cũng chứng kiến nhiều cây bị bật gốc, đổ vào nhà cửa và vỉa hè, gây nguy hiểm cho người dân. 

Bão Yagi còn mang theo mưa lớn kéo dài, gây lụt úng ở nhiều khu vực tại Hà Nội, làm ảnh hưởng đến giao thông và sinh hoạt hàng ngày. Ngoài ra, thiệt hại về người và tài sản từ cơn bão này là rất đáng kể, khiến chính quyền và người dân phải dành nhiều thời gian và nguồn lực để khắc phục hậu quả.

Sức tàn phá của Yagi không chỉ nằm ở tốc độ gió mạnh mà còn ở mưa lớn kéo dài sau bão, gây lũ quét và sạt lở đất ở nhiều nơi, ảnh hưởng đến hàng triệu người dân miền Bắc, trong đó có Hà Nội. Nguyên nhân chính gây ra tình trạng lụt lội, cây xanh đổ nhiều và tốc mái ở Hà Nội do siêu bão số 3 Yagi gây ra, có thể được giải thích qua một số lý do sau:

Mưa lớn kéo dài: Siêu bão Yagi mang theo lượng mưa lớn, gây ra ngập úng ở nhiều khu vực. Hệ thống thoát nước của Hà Nội có giới hạn, và khi lượng mưa vượt quá khả năng thoát, nước sẽ tích tụ gây lụt. Những con đường, khu dân cư và các hạ tầng chưa được cải thiện hoặc không có hệ thống thoát nước hiệu quả sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn.

Sức gió mạnh: Gió mạnh từ bão Yagi có khả năng làm đổ cây xanh, gây tốc mái nhà. Nhiều cây xanh trong thành phố không được chăm sóc đúng cách, rễ cây yếu hoặc cây quá cao sẽ dễ bị ngã đổ khi gặp gió lớn. Các công trình xây dựng, nhà ở nếu không đảm bảo tiêu chuẩn xây dựng chống bão cũng dễ bị hư hại.

Hệ thống cơ sở hạ tầng yếu kém: Một số khu vực tại Hà Nội vẫn còn sử dụng cơ sở hạ tầng cũ, chưa được nâng cấp để chịu được tác động từ các hiện tượng thời tiết cực đoan. Điều này làm tăng nguy cơ hư hại khi bão đổ bộ.

Thay đổi khí hậu: Tần suất và cường độ của các cơn bão như Yagi gia tăng do biến đổi khí hậu, khiến tình trạng thiên tai trở nên nghiêm trọng hơn.

Tình trạng đô thị hóa nhanh chóng: Quá trình đô thị hóa không quy hoạch hợp lý đã làm giảm diện tích thấm nước tự nhiên như hồ, sông và cây xanh, gây ra tình trạng ngập úng trầm trọng hơn khi có bão. Tập hợp tất cả những yếu tố này, đã dẫn đến hậu quả nặng nề cho Hà Nội khi chịu ảnh hưởng của siêu bão số 3 Yagi.

Ngoài những nguyên nhân có tính khách quan chung về hạ tầng kỹ thuật đô thị nêu trên, còn có nguyên nhân chính và chủ yếu với những hạn chế và yếu kém trong công tác thiết kế, xây dựng và quản lý sử dụng vỉa hè, cây xanh, bao gồm: 

Cơn siêu bão Yagi đã gây ra hiện tượng đổ gãy nhiều cây xanh trong thành phố. Tình trạng đổ cây do cây không có hệ rễ bám sâu, nhiều cây xanh được trồng trên vỉa hè có hệ rễ nông, không đủ độ bám để chống chọi với gió lớn.

Chọn loại cây không phù hợp, một số loài cây không thích hợp với điều kiện thời tiết bão gió của Hà Nội nhưng vẫn được trồng rộng rãi. Công tác bảo trì kém, việc chăm sóc, cắt tỉa cây không đúng kỹ thuật hoặc thiếu sót trong quá trình theo dõi sức khỏe cây cũng làm tăng nguy cơ đổ gãy.

Tình trạng lũ lụt đô thị với nhiều khu vực ở Hà Nội rơi vào tình trạng ngập lụt nặng nề. Điều này xuất phát từ hệ thống thoát nước quá tải, lượng mưa lớn trong thời gian ngắn khiến hệ thống cống thoát nước không kịp xử lý, gây ra tình trạng ngập úng. Đặc biệt, vỉa hè không thoát nước hiệu quả, nhiều khu vực vỉa hè được lát gạch kín, không có khả năng thấm nước, làm tăng lượng nước mưa tràn vào đường phố…

3. Bài học kinh nghiệm và đề xuất một số giải pháp về thiết kế, xây dựng và quản lý sử dụng vỉa hè, cây xanh cho Hà Nội

3.1. Bài học kinh nghiệm

Sau siêu bão Yagi tấn công thủ đô Hà Nội, ngành xây dựng và chính quyền đô thị cần rút ra nhiều bài học quan trọng nhằm tăng cường khả năng chống chịu của thành phố trước các hiện tượng thời tiết cực đoan trong tương lai. Một số bài học cần thiết bao gồm:

Cải thiện hệ thống thoát nước và chống ngập: Cần tăng cường hệ thống thoát nước: Siêu bão Yagi đã gây ra ngập lụt ở nhiều khu vực của Hà Nội. Điều này cho thấy sự thiếu hiệu quả của hệ thống thoát nước hiện tại. Các cơ quan quản lý cần nâng cấp hệ thống thoát nước, sử dụng công nghệ hiện đại như cảm biến thông minh để phát hiện và quản lý lượng nước mưa; Bảo vệ vùng thấp: Những khu vực dễ bị ngập lụt cần được đánh giá lại và áp dụng các giải pháp bảo vệ tốt hơn, chẳng hạn như xây dựng các hồ điều tiết và vùng trữ nước tạm thời.

Xây dựng hạ tầng bền vững và chống bão: Tăng cường tiêu chuẩn xây dựng: Các tòa nhà cần tuân thủ những quy chuẩn chống bão nghiêm ngặt hơn. Vật liệu xây dựng phải được lựa chọn sao cho có khả năng chống chịu với gió mạnh và ngập lụt, đặc biệt là kết cấu các mặt dựng và vỏ bao che bằng kính…

Phát triển không gian xanh và cơ sở hạ tầng thiên nhiên: Cây xanh và thảm thực vật: các không gian xanh giúp giảm lượng nước mưa tràn xuống hệ thống thoát nước và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, cần chọn lựa các loại cây có khả năng chống chịu gió mạnh để tránh cây bị đổ ngã trong bão; Nâng cao năng lực cảnh báo và ứng phó khẩn cấp với hệ thống cảnh báo sớm: Tăng cường các hệ thống cảnh báo thời tiết và thiên tai sớm để đảm bảo người dân có đủ thời gian chuẩn bị và di tản nếu cần. Đặc biệt là năng lực sử lý khắc phục các tổn thất sau bão. (Hình 2)

Hình 2: Năng lực khắc phục tổn thất trồng lại cây xanh sau bão
a: Cây xanh đổ nhưng vẫn sống, chưa được trồng lại sau gần một tháng sau bão Yagi tại công viên hồ Thành Công.
b: Cây xanh khu đô thị Ecopark được trồng lại sau 5 ngày bão Yagi kết thúc.

Đào tạo nhân lực ứng phó khẩn cấp đi đôi với tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng: Lực lượng cứu hộ và các đơn vị ứng phó khẩn cấp cần được đào tạo tốt hơn, trang bị đầy đủ để phản ứng kịp thời và hiệu quả trước tình huống thiên tai; Người dân cần được hướng dẫn về cách bảo vệ bản thân và tài sản khi bão đến, bao gồm các biện pháp gia cố nhà cửa và chuẩn bị vật dụng thiết yếu; Nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường và hợp tác trong quá trình phòng chống thiên tai.

Việc rút ra những bài học này sẽ giúp Hà Nội và các thành phố khác ở Việt Nam tăng cường khả năng ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan trong tương lai, đồng thời bảo vệ môi trường sống và sự an toàn của người dân.

3.2. Đề xuất một số giải pháp về thiết kế, xây dựng và quản lý sử dụng vỉa hè, cây xanh cho Hà Nội

Cải thiện quy hoạch và quản lý cây xanh: Để giảm thiểu nguy cơ đổ cây và tăng khả năng chống chịu của cây xanh trước các cơn bão, cần chọn loài cây phù hợp, ưu tiên trồng các loài cây có khả năng bám rễ sâu, chống chịu gió bão tốt hơn. Chăm sóc và bảo trì định kỳ, cắt tỉa cây đúng thời điểm, đảm bảo cây khỏe mạnh trước mùa mưa bão. Đảm bảo không gian phát triển cho rễ cây, khi thiết kế vỉa hè, cần tạo khoảng trống đủ lớn cho hệ rễ cây phát triển.

Phát triển không gian cây xanh hợp lý: Tăng cường mật độ cây xanh ở các khu vực trung tâm, cần có kế hoạch tăng cường mật độ cây xanh ở những khu vực đông dân cư, khu vực đô thị có tính chất nén, giúp làm giảm hiện tượng đảo nhiệt đô thị. Phân bố đều không gian cây xanh, quy hoạch cây xanh cần được thực hiện một cách đồng đều trên toàn thành phố, thay vì tập trung vào một số khu vực nhất định.

Cải thiện hệ thống vỉa hè và thoát nước: Thay đổi hẳn giải pháp thiết kế lớp lót lát gạch vỉa hè bằng sử dụng các loại và hình thức vật liệu thấm nước. Lát vỉa hè bằng các vật liệu có khả năng thấm nước để giảm tải cho hệ thống thoát nước trong mùa mưa. Nâng cấp hệ thống thoát nước đô thị để đáp ứng yêu cầu thoát nước nhanh chóng trong trường hợp lượng mưa lớn. Tiến tới có thiết kế mẫu điển hình cho từng loại vỉa hè có kích thước chiều rộng khác nhau, đi đôi với thiết kế đồng bộ tuy nen kỹ thuật và cây xanh đường phố…

Thay lời kết

Cơn siêu bão Yagi đã cho chúng ta thấy những bài học quan trọng trong việc phát triển cây xanh và hạ tầng vỉa hè tại Hà Nội. Để giảm thiểu tác động của các hiện tượng khí hậu cực đoan trong tương lai, việc cải thiện quy hoạch, chọn lựa loài cây phù hợp và thay đổi, nâng cấp hệ thống hạ tầng là cần thiết. Các chính sách phát triển và quản lý đô thị cần được điều chỉnh nhằm tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và đảm bảo môi trường sống bền vững cho người dân.

Chính quyền đô thị và các chủ thể có liên quan cùng mọi người dân cần xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc cùng chung tay tạo dựng môi trường sống lẫn các tiện ích thuộc hạ tầng kỹ thuật của đô thị. Hy vọng, tất cả người dân Thủ đô không phải hứng chịu những thảm họa từ thiên tai, nhân tai… do sự thiếu trách nhiệm và thiếu hiểu biết của chính chúng ta trong ứng xử với thiên nhiên gây nên.

Bình luận