Nghị quyết 118/NQ-CP nêu rõ: Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7/2024, Chính phủ đã cho ý kiến đối với: Dự án Luật Điện lực (sửa đổi); Dự án Luật Việc làm (sửa đổi); Đề nghị xây dựng Luật Tình trạng khẩn cấp; Đề nghị xây dựng Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi).

Trong đó, về dự án Luật Điện lực (sửa đổi), Chính phủ cơ bản thống nhất nội dung dự thảo Luật; giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến Thành viên Chính phủ và ý kiến tại Phiên họp Chính phủ để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật.
Chính phủ lưu ý Bộ Công Thương thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển điện lực, xây dựng thị trường điện cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng nhu cầu về điện cho phát triển kinh tế - xã hội.
Hoàn thiện Báo cáo tổng kết thi hành Luật Điện lực năm 2004; xác định rõ các vấn đề bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành, nguyên nhân của các bất cập, vướng mắc để sửa đổi, bổ sung trong dự án Luật này.
Tiếp tục rà soát, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy định của các luật có liên quan như: Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Biển Việt Nam, Luật Phòng thủ dân sự, Luật Thủy lợi...
Trường hợp quy định các nội dung đặc thù về quy hoạch, cơ chế đầu tư, thủ tục đầu tư, phân cấp, phân quyền, thủ tục hành chính... khác với quy định của các luật hiện hành thì phải chỉ rõ đó là những quy định nào và đề xuất phương án xử lý tại Luật này hoặc các luật có liên quan.
Nghiên cứu, xây dựng cơ chế thúc đẩy đầu tư, xây dựng, khai thác các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo; khuyến khích chuyển đổi việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng các nguồn nhiên liệu phát thải thấp trong sản xuất điện; các quy định đặc thù về quy hoạch, kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, đầu tư, xây dựng dự án, công trình điện lực khẩn cấp, điện gió ngoài khơi... dựa trên các cơ sở khoa học, hợp lý, có tính khả thi...
Hoàn thiện nội dung về quản lý nhà nước trong lĩnh vực điện lực; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, rõ ràng, chấm dứt tình trạng “xin - cho” trong quản lý hoạt động điện lực, quy hoạch, đầu tư các dự án điện lực.
Quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng (nếu có)... của UBND cấp tỉnh nơi có lưới điện đi qua, đối với công trình lưới điện trong danh mục quy hoạch có cấp điện áp từ 220kV trở xuống, đi qua địa bàn 02 tỉnh trở lên; trách nhiệm của chủ đầu tư phù hợp với địa giới hành chính của tỉnh.
Về chính sách đối với điện gió ngoài khơi: rà soát, bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, môi trường biển, lợi ích quốc gia, dân tộc, phù hợp với bối cảnh, điều kiện của Việt Nam từng thời kỳ.
Đối với điện mặt trời mái nhà, điện gió quy mô nhỏ phục vụ nhu cầu sinh hoạt của hộ gia đình, trụ sở cơ quan nhà nước, công trình công cộng, sẽ không quy định trong Luật cơ chế bù trừ sản lượng điện dư phát lên hệ thống với sản lượng điện mua từ hệ thống nếu cơ chế này làm tăng áp lực lên hệ thống điện, ảnh hưởng đến an ninh, an toàn hệ thống điện hoặc tác động tiêu cực đến chính sách đầu tư phát triển các loại hình điện khác.