Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 63/CĐ-TTg ngày 12/5/2025 về việc chấn chỉnh kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, khắc phục hạn chế, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu các kết quả về môi trường kinh doanh và cải thiện chất lượng quản trị môi trường tại Báo cáo Chỉ số PCI 2024 (do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố ngày 06/5/2025) để tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hướng tới phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.
Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, thúc đẩy đối thoại công - tư và cải thiện hiệu quả thực thi chính sách để đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp và yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8% trở lên và hai con số trong những năm tiếp theo như chỉ đạo của Đảng, Chính phủ.
Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa hơn nữa thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh, trong đó tập trung vào lĩnh vực như: thuế, hải quan, xây dựng, môi trường, tiếp cận điện năng,…; triển khai có hiệu quả việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến.
Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, cũng như trách nhiệm của cơ quan nhà nước chuyển từ nền hành chính công vụ, quản lý là chủ yếu sang phục vụ và kiến tạo phát triển, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ động, tận tụy giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, hướng dẫn, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp: (i) Đầu tư nguồn lực, nghiên cứu xu hướng phát triển các ngành, lĩnh vực mới trên thế giới, để có các giải pháp phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, đồng thời nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ đang có trên thị trường quốc tế; (ii) cơ cấu lại có trọng tâm, trọng điểm, thực chất nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp phù hợp tình hình mới và tương xứng với nguồn lực nắm giữ; (iii) đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tham gia tích cực, hiệu quả vào phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, thích ứng biến đổi khí hậu.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các Bộ, cơ quan liên quan đề xuất nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2025.
Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2024 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố ghi nhận nhiều kết quả tích cực như: Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự tiếp tục được duy trì ở mức cao; minh bạch thông tin được nâng cao; thủ tục gia nhập thị trường thuận lợi hơn; chất lượng lao động có chuyển biến tích cực; tỷ lệ doanh nghiệp dự định mở rộng sản xuất, kinh doanh trong hai năm tới tăng mạnh cho thấy doanh nghiệp đã lạc quan trở lại; tỷ lệ doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư xanh tăng lên, cam kết tăng trưởng xanh của Việt Nam đang mang lại những kết quả rõ rệt....
Tuy nhiên, PCI 2024 cũng cho thấy xu hướng chi phí không chính thức có dấu hiệu quay trở lại; tính năng động của chính quyền địa phương suy giảm; khó khăn về tiếp cận đất đai gia tăng; doanh nghiệp có dấu hiệu phục hồi, nhưng quy mô sản xuất kinh doanh vẫn chưa trở lại mức trước đại dịch COVID-19 và tiếp tục đối diện với nhiều thách thức mới, đặc biệt là biến động kinh tế toàn cầu ngay từ đầu năm 2025.