Đặt nền móng cho công tác quản lý nhà nước
Viện Kinh tế xây dựng được hình thành từ năm 1959, có tiền thân là Nhóm nghiên cứu về định mức xây dựng trực thuộc Cục Kiến thiết cơ bản - Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Nhằm đáp ứng yêu cầu tăng cường hệ thống công cụ, chỉ tiêu định mức kinh tế kỹ thuật phục vụ cho việc xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng; nhất là đối với các dự án có quy mô lớn, dự án trọng điểm sử dụng vốn đầu tư của nhà nước trong giai đoạn quản lý theo mô hình nhà nước trực tiếp quản lý (kế hoạch hóa tập trung), Bộ Xây dựng đã thành lập Viện Kinh tế xây dựng tại Quyết định số 654/BXD ngày 18/4/1974 để thực hiện các nhiệm vụ này.
Trong 50 năm xây dựng và phát triển, Viện Kinh tế xây dựng đã có nhiều đóng góp trong công tác nghiên cứu đề xuất về thể chế, cơ chế, chính sách phục vụ công tác quản lý đầu tư xây dựng; quản lý nhà nước về kinh tế của các lĩnh vực: Đầu tư xây dựng; Phát triển đô thị, nhà ở và thị trường BĐS; Tổ chức xây dựng hệ thống chỉ tiêu tổng hợp, định mức kinh tế kỹ thuật, các công cụ phục vụ việc xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng cũng như quản lý chi phí của các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng…
Trong đó, Viện tiên phong nghiên cứu đặt nền móng trong xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách quản lý đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng và lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng.
Thời kỳ trước khi có Luật Xây dựng 2003, Viện đã chủ trì nghiên cứu, đề xuất Bộ Xây dựng trình Chính phủ ban hành các Nghị định, Quy chế về quản lý đầu tư xây dựng, quản lý hợp đồng kinh tế và quản lý đấu thầu, với những dấu mốc đầu tiên như Điều lệ quản lý xây dựng cơ bản theo Nghị định số 232-CP của Hội đồng Chính phủ ban hành ngày 06/6/1981; Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành tại Nghị định số 52/1999/NĐ-CP, Nghị định số 12/2000/NĐ-CP, Nghị định số 07/2003/NĐ-CP; Quy chế giao nhận thầu trong xây dựng cơ bản ban hành tại Quyết định số 217-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng ngày 08/8/1985 và Thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng về quy chế giao - nhận thầu trong xây dựng cơ bản.
Viện đã chủ trì nghiên cứu, trình ban hành các nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng và lựa chọn nhà thầu xây dựng trong Luật Xây dựng năm 2003; quy định chung của Luật, quản lý dự án đầu tư xây dựng trong Luật Xây dựng 2014; Nghị định về quản lý dự án đầu tư xây dựng, hướng dẫn Luật Xây dựng 2003; các Nghị định Hướng dẫn lựa chọn nhà thầu theo Luật Đấu thầu năm 2005 và nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng năm 2003.
Từ năm 2014 đến nay, thực hiện nhiệm vụ được giao, Viện đã tham gia nghiên cứu, đề xuất ban hành các Nghị định hướng dẫn Luật Xây dựng về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và các Thông tư hướng dẫn Nghị định. Viện đã thực hiện nhiều đề tài khoa học công nghệ, dự án sự nghiệp kinh tế, căn cứ từ các chứng cứ thực tiễn, cơ sở khoa học để đánh giá, đề xuất hoàn thiện văn bản pháp luật trong lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, Viện chủ trì trong việc nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Trong giai đoạn kế hoạch hóa tập trung, Viện đã nghiên cứu đề xuất ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để quy định trách nhiệm của các chủ thể trong nhiệm vụ xây dựng, quản lý định mức cơ sở, đơn giá các công trình xây dựng cơ bản phù hợp với điều kiện của đất nước có chiến tranh.
Giai đoạn trước khi có Luật Xây dựng năm 2003, Viện đã chủ trì nghiên cứu, trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Đặc biệt, Viện đã được giao chủ trì nghiên cứu, đề xuất các nội dung về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và trình các cấp thẩm quyền ban hành Luật Xây dựng năm 2003 và Luật Xây dựng 2014; các Nghị định của Chính phủ, nhiều Thông tư, Quyết định của Bộ Xây dựng hướng dẫn Luật Xây dựng 2003 và Luật Xây dựng 2014. Đây là lĩnh vực hoạt động chủ yếu của Viện, được kế thừa truyền thống lâu dài, có nhiều kinh nghiệm và đạt nhiều kết quả tích cực trong thời gian qua.
Tổ chức xác định hệ thống chỉ tiêu tổng hợp
Trong xây dựng hệ thống chỉ tiêu tổng hợp, định mức kinh tế kỹ thuật và các công cụ phục vụ công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng, để đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả đầu tư, quản lý tiết kiệm chi phí đầu tư xây dựng, trong suốt chiều dài phát triển, kể từ khi hình thành các tổ chức tiền thân của Viện đến nay, Viện đã tổ chức xác định hệ thống chỉ tiêu tổng hợp (suất vốn đầu tư xây dựng công trình, chỉ tiêu tiêu hao hiện vật tổng hợp, giá xây dựng tổng hợp, chỉ số giá xây dựng…); hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật (định mức năng suất lao động, định mức sử dụng vật tư, định mức dự toán, định mức sử dụng máy và thiết bị thi công…); hệ thống định mức chi phí (định mức chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng,…).
Mặt khác, Viện đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong việc xác định, ban hành các định mức đặc thù, chuyên ngành. Những năm gần đây, Viện đã thực hiện nhiều nghiên cứu, đề xuất để trình Bộ Xây dựng ban hành, công bố các báo cáo thống kê, đánh giá về chỉ số giá xây dựng quốc gia, tình hình biến động các thị trường xây dựng, nhà ở, BĐS, năng suất lao động ngành Xây dựng; nhiều phương pháp hướng dẫn trong việc xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Đến nay, mặc dù còn những tồn tại, bất cập nhất định nhưng hệ thống chỉ tiêu tổng hợp, định mức kinh tế kỹ thuật đã góp phần để nâng cao hiệu quả đầu tư, tiết kiệm chi phí đầu tư đối với các dự án đầu tư công, đầu tư nhà nước ngoài đầu tư công và là cơ sở tham khảo hữu ích cho việc quản lý, sử dụng của các dự án sử dụng nguồn vốn khác.
Nghiên cứu chuyên sâu về kinh tế phát triển đô thị
Trong nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách về quản lý phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị, quản lý nhà ở và thị trường BĐS; xuất phát từ tình hình phát triển thực tế và vai trò quản lý nhà nước của ngành Xây dựng, cơ cấu tổ chức của Viện đã hình thành một số bộ môn nghiên cứu chuyên sâu về kinh tế phát triển đô thị, kinh tế hạ tầng kỹ thuật đô thị, kinh tế nhà ở và thị trường BĐS.
Theo đó, Viện đã thực hiện nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học qua các đề tài khoa học công nghệ, dự án sự nghiệp kinh tế để đánh giá, đề xuất hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực này.
Viện đã được giao chủ trì nghiên cứu, đề xuất và trình Chính phủ ban hành Đề án Huy động nguồn lực phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị giai đoạn 2015-2020; các Thông tư, Quyết định của Bộ Xây dựng hướng dẫn về xác định và quản lý chi phí các dịch vụ công ích đô thị, quản lý chi phí lập đồ án quy hoạch đô thị, công bố hệ thống định mức dự toán dịch vụ công ích đô thị.
Viện cũng tham gia phối hợp các cơ quan trong Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất ban hành nhiều văn bản pháp luật khác về quản lý kinh tế phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị và quản lý lĩnh vực nhà ở, kiểm soát thị trường BĐS.
Viện đã được giao chủ trì nghiên cứu, đề xuất và trình Chính phủ ban hành Nghị định về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS, Thông tư của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện Nghị định này, Thông tư hướng dẫn thí điểm xây dựng và công bố một số chỉ số đánh giá thị trường BĐS.
Viện đã tham gia phối hợp các cơ quan trong Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất và trình ban hành nhiều văn bản pháp luật khác về phát triển nhà ở và thị trường BĐS; thực hiện nhiều đề tài khoa học công nghệ, dự án sự nghiệp kinh tế, phục vụ cho nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách có liên quan.
Xây dựng khung khổ pháp lý cho áp dụng BIM
Đáng chú ý, nhận thức được vai trò quan trọng của Mô hình thông tin công trình (BIM) trong việc nâng cao năng suất, chất lượng cũng như là nhân tố then chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với ngành Xây dựng; từ năm 2014 Viện đã có những nghiên cứu, đánh giá về lý thuyết, thực tiễn áp dụng BIM của nhiều nước trên thế giới.
Trên cơ sở kết quả phân tích, đánh giá vai trò, ưu điểm của việc áp dụng BIM, Viện đã đề xuất Bộ trưởng Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 2500/QĐ-TTg ngày 22/12/2016 phê duyệt Đề án áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình. Từ những thành công của Đề án 2500, Viện tiếp tục soạn thảo, báo cáo Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 17/3/2023 về Lộ trình áp dụng Mô hình thông tin công trình trong hoạt động xây dựng.
Đến thời điểm hiện nay, các khung khổ pháp lý chủ yếu cho việc áp dụng BIM rộng rãi đã được hình thành; Viện đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị xây dựng các Hướng dẫn, Chương trình đào tạo, tổ chức các hội thảo giải đáp những khó khăn, vướng mắc, nâng cao hơn nữa hiệu quả áp dụng BIM trong ngành Xây dựng.
Tháo gỡ các khó khăn trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng
Bên cạnh đó, Viện cũng được giao nhiệm vụ tham gia, nghiên cứu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình của một số dự án quy mô lớn, trọng điểm quốc gia, có thể kể đến các dự án như: Dự án Thủy điện Sông Đà, Thủy điện Thác Bà, Thủy điện Trị An, Trung tâm Hội nghị quốc gia, Nhà Quốc hội….
Ngoài việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng cho một số dự án lớn; Viện cũng trực tiếp thực hiện việc xây dựng bộ định mức, đơn giá riêng cho công trình để phục vụ việc quản lý, thanh toán hợp đồng, quyết toán vốn đầu tư, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư cũng như tiết kiệm chi phí của các dự án…
Ngoài ra, Viện cũng tổ chức thực hiện hiệu quả các hoạt động dịch vụ tư vấn chuyên môn như: Đánh giá hiệu quả của các dự án; Lập, thẩm tra chi phí đầu tư, dự toán xây dựng công trình, dự toán gói thầu; Xác định định mức, đơn giá công trình; Quản lý việc thanh toán hợp đồng, quyết toán vốn đầu tư; Lựa chọn nhà đầu tư, lựa chọn nhà thầu… ở nhiều loại dự án, công trình xây dựng, gói thầu có quy mô lớn, tính chất kỹ thuật phức tạp khác nhau như: Dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Thủy điện Sơn La, Thủy điện Lai Châu, Nhiệt điện Phả Lại, dự án mở rộng Quốc lộ 1A, dự án cao tốc 5B, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 và 2, sân bay quốc tế Nội Bài, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, sân bay quốc tế Cát Bi, sân bay Long Thành, các công trình giao thông quy mô lớn khác, Nhà Quốc hội Lào… giúp các chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý chi phí, quản lý hợp đồng, phát hiện sớm/kịp thời những tồn tại, bất cập của cơ chế, chính sách, hệ thống công cụ quản lý cũng như phát hiện các khoảng trống của cơ chế, chính sách cần phải hoàn thiện, bổ sung…
Trong giai đoạn tới, Viện Kinh tế xây dựng xác định phát huy vai trò chủ động trong nghiên cứu đề xuất hoàn thiện và tiếp tục đổi mới thể chế, cơ chế, chính sách trong các lĩnh vực quản lý của Bộ Xây dựng như quản lý đầu tư xây dựng, quản lý phát triển đô thị; Đề xuất cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số ngành Xây dựng đáp ứng yêu cầu Cách mạng công nghiệp 4.0; Chú trọng dịch vụ tư vấn chuyên môn cho các dự án trọng điểm quốc gia, dự án có quy mô lớn, có yêu cầu kỹ thuật và công nghệ phức tạp; Đẩy mạnh nhiệm vụ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về chi phí đầu tư xây dựng, diễn biến thị trường BĐS, VLXD hướng tới trở thành đơn vị hàng đầu trong cung cấp các thông tin, dữ liệu quan trọng phục vụ kịp thời công tác quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng...